Quy trình cấp thẻ Căn cước công dân

10:19 | 29/12/2015

3,409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1/1/2016, thẻ Căn cước công dân chính thức được cấp tại 16 địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm cận kề nhưng nhiều người dân vẫn lúng túng không biết nơi cấp thẻ căn cước ở đâu, ai cấp, thủ tục như thế nào và tác dụng của chiếc thẻ này.

Trong bài viết này, Báo điện tử PetroTimes sẽ giải đáp tất cả các vấn đề liên quan đến Thẻ Căn cước công dân.

quy trinh xin cap the can cuoc cong dan
Cảnh sát làm thủ tục cấp giấy tùy thân cho công dân - ảnh minh họa.

1. Thẻ Căn cước công dân có tác dụng gì?

Ngày 20/11/2014, Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân với tỷ lệ đại biểu tán thành hơn 76%. Theo đó, Thẻ Căn cước công dân là loại giấy tờ sẽ thay thế Chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước thay thể các giấy tờ công dân được sử dụng từ trước đến nay như: số hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, sổ bảo hiểm xã hội...

Thẻ Căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng Thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu. Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Về phía Nhà nước, qua việc cấp Thẻ Căn cước công dân sẽ xây dựng được một kho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo chiến lược của Bộ Công an, Thẻ Căn cước công dân sẽ dần sẽ thay thế sổ hộ khẩu.

2. Những thông tin trên thẻ căn cước

Luật Căn cước công dân quy định, công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp Thẻ Căn cước công dân.

Theo quy định, mặt trước của Thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin: ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú và ngày tháng hết hạn.

quy trinh xin cap the can cuoc cong dan
Mẫu Thẻ Căn cước công dân.

Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ, dấu của cơ quan cấp thẻ.

Theo Luật Căn cước công dân, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã phối hợp trong công tác cấp mã số định danh cá nhân trên giấy khai sinh của trẻ mới sinh. Theo đó, mã số định danh cá nhân trên giấy khai sinh sẽ thể hiện nơi sinh, giới tính, năm sinh của trẻ và đây chính là số được ghi trên Thẻ Căn cước công dân. Công dân nào đã có Chứng minh nhân dân 12 số khi chuyển sang Căn cước công dân sẽ được giữ nguyên số cũ. Giấy Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số và Căn cước công dân là 3 loại giấy tờ có giá trị ngang nhau.

Đơn vị cấp thẻ

Theo Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Tổng cục Cảnh sát,  Bộ Công an) cho biết, từ đầu 2016 sẽ có 16 địa phương trên cả nước đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật để cấp Thẻ Căn cước công dân theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Tây Ninh. Ngoài ra, Bộ Công an đang cố gắng hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình cũng đủ tiêu chuẩn cấp Thẻ Căn cước công dân từ đầu năm 2016.

Người dân làm Thẻ Căn cước công dân chỉ cần mang sổ hộ khẩu, hoặc chứng minh nhân dân cũ (nếu có). Công dân ở Hà Nội muốn cấp thẻ, có thể đến số 499 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); 44 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), hoặc Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội Công an các quận, huyện, thị xã, nơi mình ở.

Tại các địa phương triển khai cấp Thẻ Căn cước công dân, người dân muốn cấp thẻ căn cước công dân mang sổ hộ khẩu, hoặc chứng minh nhân dân cũ đến Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội Công an các quận, huyện, thị xã, nơi mình ở để làm thủ tục.

Lệ phí cấp thẻ căn cước công dân

Thông tư 170/2015 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, nộp cấp, đổi Thẻ Căn cước công dân. Công dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước thì mới phải trả phí: phí đổi thẻ căn cước là 50.000 đồng/thẻ và cấp lại là 70.000 đồng/thẻ. Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi, biên giới, hải đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định.

Những trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

Công dân thuộc hộ nghèo cũng không phải nộp lệ phí đổi thẻ căn cước công dân. Công dân dưới 18 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng sẽ thuộc những trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc