Quy trình 'báo động đỏ' giúp cấp cứu tốt hơn

07:06 | 23/11/2015

1,096 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được triển khai ở một số bệnh viện trên địa bàn TP HCM, quy trình “báo động đỏ” đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Người dày công đưa quy trình “báo động đỏ” vào hiện thực là TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM. Trong thời gian công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy cấp, cần can thiệp cấp cứu, phẫu thuật ngay đã không qua khỏi do mất thời gian chờ đợi làm các thủ tục theo đúng quy trình đã khiến bác sĩ Thượng trăn trở và quyết tâm xây dựng quy trình “báo động đỏ”, một quy trình mà bác sĩ có dịp học hỏi trong những chuyến công tác ở nước ngoài.

quy trinh bao dong do giup cap cuu tot hon
Cháu bé bị văng khỏi bụng mẹ được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ

“Báo động đỏ” giúp huy động lực lượng, phương tiện cấp cứu trong thời gian nhanh nhất có thể để tăng cơ hội cứu chữa cho người bệnh trong giai đoạn nguy kịch. Bệnh viện Nhi Đồng 1 là bệnh viện đầu tiên ở TP HCM thực hiện quy trình này. Nhờ “báo động đỏ” nhiều em bé nhập viện cấp cứu trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đã hồi sinh kỳ diệu.

Cách đây không lâu là trường hợp bé trai Dương Minh Phát, 12 ngày tuổi bị một con dao dài 28cm đâm xuyên từ giữa trán vào hốc mắt và thấu sọ đã được cứu sống một cách kỳ diệu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhờ quy trình này. Khi tiếp nhận cấp cứu cho bé Phát với vết thương nghiêm trọng đe dọa tính mạng, cộng thêm bệnh nhi còn quá nhỏ nên nguy cơ bị ngưng thở ngay trên bàn mổ rất lớn. Do đó, các bác sĩ đã phát ra tín hiệu “báo động đỏ”, nhanh chóng tập hợp tất cả các chuyên khoa liên quan trong bệnh viện như: cấp cứu, gây mê, phẫu thuật ngoại, hồi sức… nhập cuộc. Đồng thời huy động thêm sự hỗ trợ từ Bệnh viện Nhân dân 115. Ca phẫu thuật nhanh chóng được triển khai, con dao được lấy ra ngoài, việc cầm máu được kiểm soát tốt, cháu bé được cứu thoát khỏi tay tử thần. Đây được đánh giá là ca phẫu thuật khó và hy hữu nhất mà bệnh viện gặp phải trong 60 năm qua.

Hay trường hợp bé Nguyễn Quốc Huy, cháu bé bị văng khỏi bụng mẹ trong tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ở An Giang cách đây hơn 1 năm, cũng là một trường hợp hồi sinh hiếm hoi nhờ vào quy trình “báo động đỏ”. Chỉ trong vòng 15 phút từ khi bé nhập viện, các bác sĩ đã hoàn tất các khâu cấp cứu ban đầu, hội chẩn liên chuyên khoa và chuyển lên phòng phẫu thuật. Và như một phép màu cháu bé đã được cứu sống. Đó là một vài trong số rất nhiều trường hợp được cứu sống nhờ quy trình “báo động đỏ” tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

quy trinh bao dong do giup cap cuu tot hon
Bé 12 tháng tuổi bị dao đâm xuyên não được cứu sống kỳ diệu

Theo TS.BS Tăng Chí Thượng, với quy trình khám chữa bệnh thông thường, một trường hợp vào cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp cần phải có sự phối hợp rất nhiều khoa, từ cấp cứu đến trực phẫu thuật, trực phòng mổ, ngân hàng máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Nếu làm theo đúng quy trình phải mất rất nhiều thời gian để mời các khoa hội chẩn, xem có chỉ định phẫu thuật hay không, thông báo phòng mổ xếp phòng, đăng ký máu... Nhưng quy trình “báo động đỏ” cho phép huy động nhiều chuyên khoa tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu chữa bệnh nhi trong thời gian cực ngắn, giúp tận dụng tối đa thời gian, chỉ trong vòng 5-10 phút sinh mạng của người bệnh đã được cứu sống. Trong khi quy trình thông thường phải mất khoảng 30 phút.

Khi có trường hợp nguy cấp, các bác sĩ trực cấp cứu, ngoại khoa có quyền phát tín hiệu “báo động đỏ”. Và khi tín hiệu phát ra, không cần chờ ý kiến chỉ đạo từ trưởng khoa hay trực lãnh đạo bệnh viện, các bộ phận có liên quan sẽ tập trung, ưu tiên hàng đầu cho ca cấp cứu được báo trước.

Học hỏi kinh nghiệm từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện quận Thủ Đức TP HCM cũng đã thực hiện thành công quy trình này. Cuối tháng 10 vừa qua, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp ngưng tim, ngưng thở.

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức kể lại, trường hợp bé Yến Nhi 10 tuổi, bị tai nạn giao thông, nhập viện ngày 20-10 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, huyết áp không đo được tưởng như đã chết. Siêu âm thấy bệnh nhi bị rách lá lách, vỡ thận trái, chảy máu trong ổ bụng. Tình huống nguy cấp, bệnh viện đã nhanh chóng huy động lực lượng qua quy trình “báo động đỏ” để cố gắng cấp cứu duy trì mạng sống cho bệnh nhân và nhanh chóng đề nghị sự hỗ trợ của tuyến trên.

Tín hiệu “báo động đỏ” được truyền trong bệnh viện và báo cáo về Sở Y tế TP HCM xin chi viện. Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở lập tức điều động bác sĩ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đến ứng cứu. Trong thời gian chờ bác sĩ tuyến trên đến hỗ trợ, ê-kíp phẫu thuật của bệnh viện cố gắng cầm máu cho bệnh nhi, nhưng đôi lúc máu cháy xối xả trong ổ bụng không cầm được, ai cũng lo lắng cháu bé có thể tử vong trên bàn mổ bất cứ lúc nào. Trong lúc căng thẳng nhất thì bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có mặt hỗ trợ kịp thời. Bằng sự triển khai nhanh chóng quy trình cấp cứu, sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa và sự hỗ trợ kịp thời của tuyến trên, cháu bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Theo bác sĩ Dũng, bệnh viện xây dựng nhiều cấp độ cảnh báo trong cấp cứu bệnh nhân, trong đó những trường hợp được “báo động đỏ” là những trường hợp tối cấp, khi có bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở. Thực hiện quy trình này, ở mỗi khoa phòng cấp cứu bệnh nặng sẽ trang bị một chuông báo động, khi nhấn chuông sẽ phát tín hiệu báo động về phòng hành chính của khoa. Tùy mức độ ca bệnh phòng hành chính sẽ huy động lực lượng ở các cấp khác nhau: cấp khoa, liên chuyên khoa, cấp bệnh viện và liên viện mà không cần phải thông qua các thủ tục hành chính.

Khi nhận được thông tin “báo động đỏ”, những người được phân công nhiệm vụ là đội ngũ y, bác sĩ chuyên sâu của bệnh viện sẽ biết là có bệnh nhân nguy kịch ở khoa phòng nào cần sự phối hợp hỗ trợ cấp cứu. Đội ngũ này đã được tập huấn trước về quy trình cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp nên sẽ biết rõ trách nhiệm của mình để nhanh chóng vào cuộc cấp cứu bệnh nhân. Việc này giúp tiết kiệm nhiều thời gian để huy động nhân lực, vật lực vì có quá trình chuẩn bị từ trước và các công đoạn được rút ngắn, kể cả việc truyền đạt thông tin cũng rất nhanh do thông tin được mã hóa qua tín hiệu báo động.

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, trong y khoa, thời gian cấp cứu được gọi là thời gian vàng, “cứu người như cứu hỏa”, dập lửa càng nhanh thì thiệt hại càng ít. Như với bệnh nhân ngưng tim thì trong vòng 3-5 phút không có oxy lên não, não sẽ chết, nếu có thể cứu được thì bệnh nhân cũng sẽ phải sống đời sống thực vật, còn nếu để lâu hơn nữa, sau 10-15 phút thì các cơ quan nội tạng trong cơ thể cũng sẽ chết. Vì vậy, khi bệnh nhân ngưng tim các bác sĩ phải trong thời gian nhanh nhất tái lập tuần hoàn, để có máu lên não, đưa nhịp sống trở lại cho bệnh nhân. Thời gian cấp cứu được tính bằng giây, bằng phút, càng nhanh sẽ càng tăng cơ hội cứu sống và hồi phục cho bệnh nhân.

Với yêu cầu bức thiết về tận dụng thời gian vàng trong cấp cứu ở những trường hợp khẩn cấp, thật sự rất cần nhân rộng những quy trình như “báo động đỏ” để có thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.

Mai Phương

Năng lượng Mới 475

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.