Quốc tế lo ngại quan hệ Iran - Arập Xêút leo thang căng thẳng

07:45 | 11/11/2017

814 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quan hệ giữa hai thành viên chủ chốt của OPEC, Iran và Arập Xêút, vốn không êm ả từ nhiều năm nay, đang gia tăng thêm căng thẳng cả về phạm vi lẫn mức độ.  
quoc te lo ngai quan he iran arap xeut leo thang cang thang

Căng thẳng giữa Iran và Arập Xêút trong những ngày gần đây trước hết liên quan tới vấn đề Yemen. Số là Arập Xêút và Iran đang cùng tham gia vào cuộc nội chiến ở Yemen, tại đây mỗi bên hậu thuẫn cho các phe phái đối nghịch nhau.

Đầu tuần này, lực lượng liên quân do Arập Xêút dẫn đầu đã ra lệnh đóng các cảng hàng không, tàu biển và cả các địa điểm trên đất liền tại những vùng nằm sát với Yemen, sau khi quân Houthi từ Yemen đã bắn một tên lửa đạn đạo nhắm đến thủ đô Riyadh của Arập Xêút. Arập Xêút cho hay đã bắn hạ tên lửa kia, khiến nhiều mảnh vỡ của nó rơi trên khu vực phía bắc của thủ đô Riyadh.

Tuyên bố của liên quân càng làm căng thẳng giữa Iran và Arập Xêút gia tăng thêm, vì liên quân cho rằng tên lửa này là của Iran trợ giúp cho quân Houthi. Trong thông báo, Liên quân Arập Xêút tố cáo tên lửa của Iran viện trợ cho quân Houthi đã nhắm vào sân bay quốc tế của Riyadh, nhưng quân Houthi cho hay loại tên lửa đạn đạo Volcano là do họ chế tạo, còn Iran bác bỏ chuyện tiếp tế vũ khí cho Houthi.

Liên quân Arập Xêút thông báo lệnh đóng cửa các bến cảng chỉ có tính tạm thời, vì còn phải cho phép hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Yemen. Liên minh Arập Xêút cũng tung ra các cuộc oanh kích trả đũa lên thủ đô Sanaa của Yemen, hiện đang do quân Houthi nắm giữ. Ngoài ra Arập Xêút còn đe dọa Iran, khi cho là “vai trò ủng hộ phiến quân Houthi của Tehran đã làm nhiều quốc gia trong vùng bị lâm nguy, Arập Xêút xem hành vi bắn tên lửa như thế vào Riyadh là hành vi tuyên chiến.

Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận và cho rằng cáo buộc của Arập Xêút là “sai sự thật và nguy hiểm”, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới. Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 8/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Arập Xêút đang mắc một “sai lầm chiến lược” khi không coi Iran là bạn.

Ông Rouhani chỉ trích việc liên quân do Arập Xêút dẫn đầu can thiệp quân sự vào Yemen, gây ra cuộc chiến tranh chết chóc tại quốc gia láng giềng Trung Đông này, đồng thời cho rằng việc phong tỏa các biên giới trên đất liền, trên không và trên biển tại Yemen mới đây của Arập Xêút đang làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người dân Yemen.

Sau phản ứng của Iran, lực lượng Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite ở Yemen cũng đe dọa tấn công các cảng biển và sân bay tại Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Điều này làm dấy lên những quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột giữa Iran và Arập Xêút. Theo tuyên bố của Houthi, đây là giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn các hoạt động tăng cường phong tỏa cũng như tất cả các hành động khác của hai quốc gia trên gây tổn hại đến người dân Yemen.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, liên minh Arập do Arập Xêút đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi. Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.

Trong khi căng thẳng giữa Iran và Arập Xêút vẫn chưa hạ nhiệt thì một mặt trận xung đột mới giữa hai cường quốc Trung Đông này lại xuất hiện. Thủ tướng Liban Saad al-Hariri (đồng minh của Arập Xêút) bất ngờ từ chức ngày 4/11 vì lo sợ bị ám sát. Arập Xêút đã đổ lỗi cho phiến quân Hezbollah và Iran về việc từ chức của Thủ tướng al-Hariri, cáo buộc hai đối tượng trên đã cướp mất nền chính trị Liban và khiến nước này tuyên chiến với Arập Xêút. Tuyên bố từ phía Riyadh được xem là bước đầu tiên trong một cuộc can thiệp chưa từng có của Arập Xêút vào chính trị Liban. "Người Arập dường như đã quyết định rằng cách tốt nhất để đối đầu với Iran là bắt đầu ở Liban", một nhà ngoại giao châu Âu nói.

Với những căng thẳng bất ngờ leo thang, Liban được cho là sẽ trở thành một chiến trường mới giữa sự can thiệp của chính quyền Hồi giáo dòng Shiite từ Iran và chính quyền Hồi giáo dòng Sunni tại Arập Xêút. Sự đối đầu này cũng từng được nhìn thấy tại Syria, Iraq, Bahrain và Yemen. Ngày 8/11, Arập Xêút đã yêu cầu các công dân của quốc gia này rời khỏi Liban "ngay lập tức", đồng thời cũng đã kêu gọi người dân không nên du lịch tới Liban vào thời điểm này.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại trước sự leo thang căng thẳng trên. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ngày 9/11 cảnh báo, an ninh các nước vùng Vịnh đang ở giới hạn đỏ, đồng thời cho biết Ai Cập phản đối bất kỳ sự leo thang quân sự nào khác trong khu vực. Trung Quốc, EU, Mỹ và Nga cũng cảnh báo tình hình căng thẳng gia tăng giữa Iran - Arập Xêút và các nước đồng minh của hai bên là vô cùng nguy hiểm.

Căng thẳng giữa Iran và Arập Xêút cũng được cho là nguy hiểm tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ hiện nay do Arập Xêút cầm trịch, dự kiến sẽ được xem xét gia hạn trong một cuộc họp của OPEC vào cuối tháng 11 này.

Th.Long

AFP, AP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc