Quốc hội thảo luận quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN

10:42 | 28/05/2018

397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt (bản đầy đủ đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội) của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Việc hoàn thiện thể chế được thực hiện đầy đủ, kịp thời hơn

Trước hết về xây dựng hệ thống thể chế, báo cáo nhấn mạnh: Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng. Việc hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhìn chung khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước; nội dung các văn bản pháp luật có tính bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng văn bản từng bước được nâng lên.

Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành trong giai đoạn 2011 - 2016 có phạm vi điều chỉnh ngày càng rộng, cơ bản đã bao phủ các lĩnh vực của nền kinh tế; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo, giám sát của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp; bước đầu phân định rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Từ đó, tăng cường trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách chậm được thể chế hóa hoặc chưa được thể chế hóa đầy đủ, thiếu thống nhất, rõ ràng, chưa có các giải pháp mang tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn phức tạp, nội dung một số văn bản chưa phù hợp thực tế, còn chồng chéo với hệ thống pháp luật khác.

Thường xuyên tổng kết, sửa đổi tháo gỡ khó khăn cổ phần hóa DNNN

Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Báo cáo cho biết: Chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN cơ bản đã được ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bám sát định hướng, chủ trương của Đảng.

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã ban hành gần 100 văn bản quy phạm pháp luật và gần 250 văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc sắp xếp, đổi mới DNNN, trong đó liên quan trực tiếp có 23 nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN.

Trong giai đoạn 2011-2016, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN đã được ban hành dưới dạng nghị định, thông tư là khá đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đất đai… từ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trình tự cổ phần hóa, phương pháp định giá, cơ chế đấu giá bán ra thị trường, chế độ, chính sách đối với người lao động…

Văn bản pháp luật về cổ phần hóa thường xuyên được tổng kết, sửa đổi để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, trong vòng 5 năm, Chính phủ đã ban hành 03 nghị định về cổ phần hóa DNNN, ngày càng đẩy mạnh công khai, minh bạch, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý đối tượng chịu ảnh hưởng, thực hiện nguyên tắc thị trường trong định giá và bán đấu giá cổ phần, hướng dẫn xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính khi cổ phần hóa nhằm hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước có thể xảy ra trong quá trình cổ phần hóa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 03 văn bản quy định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

Báo cáo cũng chỉ rõ, cổ phần hóa DNNN là vấn đề rất khó, phức tạp, nhất là về định giá xác định giá trị doanh nghiệp và đất đai, bên cạnh đó còn liên quan đến việc kiểm soát của Nhà nước trong những lĩnh vực quan trọng, địa bàn thiết yếu, quốc phòng, an ninh. Tháo gỡ khó khăn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là hai vấn đề được thể hiện rõ nét trong các chủ trương, chính sách của Đảng, cần phải quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác cổ phần hóa DNNN còn thiếu những căn cứ pháp lý chặt chẽ ở cấp độ luật do Quốc hội ban hành, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào hệ thống pháp luật chuyên ngành như pháp luật về đất đai, chứng khoán… và các nghị định của Chính phủ.

Hệ thống văn bản pháp luật quy định chung cho tất cả các DNNN, chưa thật sự phù hợp với đối tượng được sắp xếp, cổ phần hóa là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Một số quy định về cổ phần hóa còn dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị...

Hoạt động của DNNN đạt nhiều kết quả tích cực

Về kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo cho biết: Đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị tác động mạnh do biến động lớn về tình hình thị trường, giá cả, về rủi ro tài chính khi xảy ra khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2012, đặc biệt là xu hướng giảm khá mạnh của ngành khai khoáng vốn là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng GDP lớn, nhưng hoạt động của các DNNN vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Nổi bật là, DNNN cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. DNNN chuyển dịch theo hướng chỉ tập trung vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không đầu tư.

Việc bảo toàn và tăng trưởng vốn đạt kết quả đáng khích lệ. Đến hết năm 2016, sau 5 năm, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tăng 45,8%; vốn chủ sở hữu tăng 92,2%.

Hiệu quả kinh doanh của DNNN xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng. Có những tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%.

Dù kinh tế thế giới không ổn định, hoạt động kinh doanh trong nước gặp khó khăn nhưng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 vẫn nộp NSNN 147.941 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội nộp NSNN 131.400 tỷ đồng...

Ngoài nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong SXKD, các DNNN còn thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội theo chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu như tham gia bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, cung cấp nước sạch đô thị, duy trì an ninh, trật tự xã hội, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao, nhiều DNNN đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện nhiều công trình điện tại vùng sâu vùng xa, hải đảo. Nhiều DNNN đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế, bình ổn thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các DNNN đã tích cực đóng góp giúp đỡ người nghèo, vùng thiên tai, bão lũ, làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo (chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công...), tổng các khoản chi phí thực hiện chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2011 - 2016 của Công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty là 9.558 tỷ đồng.

Tổng tài sản của các DN có vốn góp Nhà nước năm 2016 là 495.126 tỷ đồng

Báo cáo cho biết, kết quả hoạt động SXKD của các doanh nghiệp có vốn nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Tổng tài sản của các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của Nhà nước năm 2016 là 495.126 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2011; tổng vốn chủ sở hữu là 167.701 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3 lần so với năm 2011; tổng doanh thu đạt 423.250 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân cả giai đoạn 2011-2016 đạt 13%; tổng lợi nhuận trước thuế là 31.723 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 đạt 19% và bình quân cả giai đoạn 2011-2016 đạt 15%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2016 đạt 6% và bình quân cả giai đoạn 2011-2016 đạt 5%.

Thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thực hiện theo quy định. Nhiều dự án đầu tư có hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao và lợi nhuận tăng trưởng hàng năm; lợi nhuận, cổ tức được chia không ngừng tăng lên, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động SXKD chung,…

Các chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện đầy đủ, đúng chế độ quy định tại văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết Đại hội cổ đông, Điều lệ và Quy chế của Công ty. Việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp đã được triển khai nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ NSNN theo quy định. Năm 2016, các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước phát sinh phải nộp NSNN 62.967 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015 nếu xét trong cùng số lượng doanh nghiệp hiện có năm 2015.

Hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể là, hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 lên 1.628.649 tỷ đồng); chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế. Có trường hợp doanh nghiệp chưa thực thi nghiêm túc các kế hoạch đặt ra; năng suất lao động, hiệu quả SXKD còn thấp; hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…

Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ, nặng tính bao cấp nên việc hạch toán và theo dõi tài sản không kịp thời và đầy đủ. Còn có trường hợp để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi khi thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Trong quản lý, sử dụng đất của các DNNN, còn trường hợp chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, để đất bị lấn, chiếm...

Giám sát qua báo cáo và làm việc trực tiếp của Đoàn giám sát với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở 4 vi phạm như: Vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; Vi phạm nguyên tắc thị trường; Vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp; Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.

Cổ phần hóa đạt nhiều kết quả tích cực

Về cổ phần hóa DNNN, báo cáo cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm số lượng DNNN giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì DNNN trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không tham gia, giai đoạn 2011 - 2016 cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp.

Công tác cổ phần hóa trong giai đoạn này đã đạt được những kết quả tích cực như: Các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã thực hiện trình tự, thủ tục cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, hài hòa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người lao động tại doanh nghiệp.

Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Từ năm 2011 đến hết năm 2015 đã có 276 doanh nghiệp cổ phần hóa phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số cổ phần chào bán là 3.068.158.697 cổ phiếu, trị giá 17.558 tỷ đồng. Số cổ phiếu bán được là 1.500.663.351 cổ phiếu, trị giá 20.547 tỷ đồng, đạt 49% tổng số lượng cổ phần chào bán. Nguồn vốn thu được sau khi cổ phần hóa DNNN chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra; tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối...

Sau cổ phần hóa còn phát sinh nhiều vấn đề cần phải tiếp tục xử lý như giải quyết tranh chấp về tài sản, đất đai; các vấn đề về lao động, trợ cấp; về công nợ giữa người lao động với công ty cổ phần và giữa DNNN với công ty cổ phần; ràng buộc pháp lý để triển khai thực hiện phương án SXKD thể hiện trong phương án cổ phần hóa…

Công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá còn có trường hợp chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, xác định giá trị doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của khối DNNN

Qua kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016, Đoàn giám sát nhận thấy hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến hai nội dung nêu trên đã từng bước được hoàn thiện. Hoạt động của các DNNN mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhưng không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của khối doanh nghiệp này trong thời gian qua. DNNN tiếp tục góp phần quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đoàn giám sát đề nghị cần tiếp tục đánh giá toàn diện, sát thực hơn về vị trí, vai trò của DNNN, không chỉ thấy mặt hạn chế, yếu kém của khối doanh nghiệp này mà phải làm rõ đây là nguồn lực quan trọng, chủ yếu, có liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế của đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội...

* Phát biểu thảo luận đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ); Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Trần Văn Minh (Quảng Ninh); Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa); Hoàng Văn Cường (Hà Nội)... đề xuất các nội dung: Kiện toàn pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước; kiện toàn mô hình hoạt động của SCIC; xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước; định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của nhà nước; các giải pháp ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn nhà nước...

quoc hoi thao luan quan ly von tai san co phan hoa doanh nghiep nha nuoc

Theo chương trình, Quốc hội dành 1 ngày làm việc để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Trước đó, thực hiện kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và một số doanh nghiệp nhà nước; làm việc với Thường trực Chính phủ, nghe báo cáo về kết quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Sau khi tập hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, Đoàn giám sát đã hoàn thiện Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 trình Quốc hội xem xét.

Báo Chính phủ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc