Quốc hội hành động, Chính phủ liêm chính!

07:00 | 26/07/2016

196 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát biểu trước Quốc hội (QH) khóa XIV, kỳ họp thứ nhất, sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tôi sẽ cùng với các đại biểu QH phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, để QH thực sự là một QH đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần phát biểu, sẽ cùng các thành viên nỗ lực xây dựng Chính phủ vững mạnh, đoàn kết, nhất trí, hiệu lực, hiệu quả, hành động quyết liệt, liêm chính hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân… Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ bắt tay ngay vào công việc, toàn tâm, toàn ý tập trung vào nhiệm vụ mới.

quoc hoi hanh dong chinh phu liem chinh
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIV

Và cử tri, nhân dân cả nước mong đợi ở một QH hành động, Chính phủ liêm chính. Theo tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trọng tâm của QH trong nhiệm kỳ này là: Tiếp tục làm thật tốt ba chức năng cơ bản: lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, về những dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm tác động lớn tới kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định, thị trường tài chính, tiền tệ biến động khó lường, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp… cử tri mong đợi và đòi hỏi QH có những quyết sách kiên quyết, kịp thời, sáng suốt trước những vấn đề hệ trọng, nhằm bảo vệ và phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước ta.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuy mới được bầu ngày 7-4-2016, qua 3 tháng hoạt động nhưng đã thể hiện rõ tinh thần hành động quyết liệt. Nói như một số đại biểu QH là, có nhiều việc đã bị dồn vào sát chân tường. Nợ công, nợ xấu tăng cao, tiếp tục gây sức ép nặng nề đối với nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Phát triển kinh tế trong một số trường hợp, một số dự án đã phá vỡ cảnh quan, môi trường, nhiều vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất, môi trường xã hội. Đặc biệt là “cơn bão” do Formosa gây ra ảnh hưởng rất nặng nề đến đời sống, việc làm của ngư dân các tỉnh miền Trung, thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, hàng trăm nhà khoa học trong nước và nước ngoài đã tích cực điều tra trong 3 tháng trời để tìm ra nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt. Việc công bố kịp thời với báo chí và nhân dân cả nước về nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm, lời xin lỗi và khoản bồi thường 500 triệu USD của Công ty Formosa giống như cơn mưa rào trút xuống sau chuỗi ngày căng thẳng chờ đợi. Dẫu rằng vẫn chưa hết những câu hỏi nhức nhối đang chờ lời giải đáp, như ai phải chịu trách nhiệm trong việc cấp phép cho Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa thuê đất 70 năm?

Tình hình kinh tế - xã hội từ nay đến hết năm 2016 đang đặt ra “một núi” công việc. Chỉ nhìn vào bức tranh của môi trường đầu tư kinh doanh đã thấy quá nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều vị giám đốc than rằng, việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm, doanh nghiệp luôn trong tình trạng dài cổ chờ đợi. Công tác cổ phần hóa đụng vào đâu cũng thấy vướng mắc về cơ chế. Đáng chú ý là tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo... Một số đại biểu QH đã không ngần ngại lên tiếng, rằng Chính phủ tuyên bố hành động quyết liệt, nhưng dường như một số thành viên Chính phủ, với tư cách tư lệnh ngành thì chưa thật rốt ráo trong thực thi nhiệm vụ. Cho nên tình trạng ba Bộ cùng lo một con gà qua cửa khẩu; ba Bộ nhường nhau trả lời khi người dân còn phải ăn thực phẩm bẩn; chuyện cá chết ở miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gần như lên tiếng sau cùng... khiến người dân chưa thật yên tâm với cung cách điều hành vừa chậm, vừa lúng túng, thậm chí né tránh và đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp cũng không nên “kêu” QH và Chính phủ nhiều quá. Phải luôn ở thế chủ động, tự suy nghĩ cách tháo gỡ những vướng mắc, tập trung vào những việc khó nhất, những việc chưa hoàn thành, với nỗ lực cao nhất.

Quốc hội hành động, Chính phủ liêm chính! Hãy coi đây là tuyên ngôn của một nhiệm kỳ mới - một nhiệm kỳ phát triển kinh tế bền vững, đẩy lùi tham nhũng. Đương nhiên đây là công việc vô cùng khó khăn. Bởi tham nhũng, thứ giặc nội xâm ấy đã bám rễ quá sâu trong bộ máy công quyền. Dân đã quá mất niềm tin khi không ít người miệng hô chống tham nhũng nhưng không ai khác, chính họ lại kéo bè kéo cánh, là người đứng đầu các “nhóm lợi ích”. Họ tìm mọi cách “chạy” để được chức này chức nọ và được rồi thì nghĩ kế “thu hồi vốn”. Tham nhũng kinh tế, tham nhũng quyền lực trở thành những biểu hiện khá phổ biến và nó được núp dưới những quy chế, quy trình, quy định khá bài bản. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khi trả lời phỏng vấn báo chí trong kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV đã nói thẳng ra rằng: “Đúng quy trình mà không đúng tiêu chuẩn thì đúng để làm gì!”.

Những ngày này, chúng ta nhớ về kỳ họp thứ nhất của QH khóa I hơn 70 năm trước. Tại kỳ họp này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận...”.

Vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người lính Hồ Chí Minh đã hành động tất cả vì dân, vì nước và để lại cho chúng ta một bài học quý giá: Tuyệt nhiên không màng công danh, phú quý!

Hải Hà

Năng lượng Mới số 543