Quảng Nam, cuộc bứt phá ngoạn mục

20:11 | 21/05/2017

6,278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 20 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước, Quảng Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục, hiện là tỉnh đứng đầu trong 5 tỉnh trọng điểm miền Trung; thứ 3 trong 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; trong top 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thời gian khó chưa xa

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang là bạn học lớp “Cử nhân chính trị” với tôi từ thời Quảng Nam và Đà Nẵng chưa chia tách.

Học xong, mỗi người mỗi ngả. Bẵng đi khá lâu, khi tôi vào Sân bay Chu Lai công tác gặp anh tại đó mới biết anh đang là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Núi Thành. Không còn vẻ thư sinh như thời đang đi học, trên khuôn mặt ông Bí thư Huyện ủy hằn lên những lo toan.

Anh kể: “Sau khi ra trường, cũng là lúc Quảng Nam và Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, anh cùng “một nửa” số cán bộ của Quảng Nam - Đà Nẵng cũ “khăn gói quả mướp” vào Quảng Nam. Được giao nhiệm vụ làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư; rồi chuyển sang làm Giám đốc Sở Tài chính Vật giá một thời gian và sau đó được điều về huyện cực nam của tỉnh”.

quang nam cuoc but pha ngoan muc
Một góc TP Tam Kỳ (Quảng Nam) - Ảnh: Trí Lê

Vốn là người “tay hòm chìa khóa”, nên anh nắm rất chắc tình hình tài chính của Quảng Nam ngày đầu mới chia tách. Anh kể rằng: “Sau khi rời Đà Nẵng, thủ phủ của Quảng Nam được đặt tại thị xã Tam Kỳ. Quảng Nam lúc bấy giờ chẳng khác gì đứa con nghèo ra ở riêng. Có chút vốn chung của “gia đình”, thì để lại hầu hết cho người anh em Đà Nẵng. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của một tỉnh mới hầu như không có gì”.

Thời ấy, UBND tỉnh có được mấy gian nhà khách được sửa chữa từ những dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp. Nhà hàng, khách sạn ở thị xã Tam Kỳ có năm bảy cái, nhưng toàn loại “không sao”, nghĩa là không có cái nào đúng với tiêu chuẩn của ngành du lịch. Thế mới có chuyện khách vào làm việc Quảng Nam, nhưng tối lại phải quay ra Đà Nẵng để nghỉ ngơi. Rồi cần phải tiếp khách cũng phải ra tận mấy nhà hàng ở Đà Nẵng.

Vừa ra ở riêng, khó khăn chồng lên khó khăn, thì liên tiếp gặp thiên tai, lũ lụt. Người Quảng Nam gồng mình chống chọi với thử thách. Năm đầu tiên thu ngân sách của toàn tỉnh vỏn vẹn 120 tỉ đồng, trong khi đó nhu cầu phải chi hết hơn 1.000 tỉ. Vốn cố định của các doanh nghiệp Nhà nước cũng chỉ có 40 tỉ đồng, tất nhiên đấy không phải là tiền mặt, mà nằm rải rác ở các tài sản khác. Cái nghèo túng, cái khó khăn hằn sâu không chỉ trên khuôn người dân, mà trong ánh mắt lãnh đạo Quảng Nam lúc nào cũng chất chứa những lo toan.

Bức tranh toàn cảnh của Quảng Nam thời ấy, những gam màu tối là chủ đạo.

Đi lên bằng cơ chế

Vậy Quảng Nam đi lên như thế nào? Làm thế nào để vượt qua những núi khó khăn chồng chất như thế! Trong đợt tiếp xúc cử tri hồi cuối năm 2016 tại các huyện miền núi Quảng Nam, tôi mang chuyện thời gian khó ấy ra hỏi ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 2008-2015, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Như khơi đúng mạch, ông Hải cho hay: “Quảng Nam vượt khó đi lên không phải bằng tiền, mà bằng chính sự đồng thuận của lòng dân và đặc biệt là cơ chế chính sách. Tỉnh đã ban hành hàng loạt các cơ chế như: Thu hút đầu tư; Giải quyết khó khăn cho cán bộ, công chức; Phát triển giao thông nông thôn; cơ chế phát triển miền núi… Cơ chế đã tạo ra sức mạnh vật chất, tinh thần để Quảng Nam đi lên. Từ cơ chế, Quảng Nam có Khu kinh tế Chu Lai, khu kinh tế đầu tiên của cả nước hoạt động theo cơ chế mở, với tổ hợp sản xuất lắp ráp ôtô Trường Hải được coi là lớn nhất cả nước và cũng thành công nhất cả nước, ở tốp đầu trong số 15 khu kinh tế của Việt Nam. Cơ chế cũng đã mang về cho Quảng Nam 9 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch trên 4.734ha và 22 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 719ha… đóng góp đến 43% GRDP năm 2016 và đạt 84.000 tỉ đồng (giá so sánh năm 2010).

Cơ chế cũng đã tạo ra sức mạnh nội lực từ chính đội ngũ cán bộ. Chỉ một thời gian ngắn cán bộ, công chức của tỉnh đã có nhà ở tại chỗ, yên tâm công tác và chấm dứt tình trạng “đầu tuần vào Quảng Nam, cuối tuần ra Đà Nẵng”. Thời ấy, dư luận rộ lên chuyện, “Quảng Nam nuôi Đà Nẵng” là ý nói cán bộ, công chức công tác ở Quảng Nam, nhận lương ở Quảng Nam, nhưng sắm sửa, tiêu pha lại ở Đà Nẵng.

quang nam cuoc but pha ngoan muc
Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa PVN và ExxonMobil tại Quảng Nam

Cơ chế đúng đã biến nhiều vùng quê nghèo trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa. Núi Thành là một điển hình. Mấy ai nghĩ rằng, ở mảnh đất “trận đầu đánh Mỹ” và thắng Mỹ với cát trắng mênh mông, dây thép gai, bom mìn nằm ở khắp các xóm làng, trong 5 năm gần đây đã làm ra giá trị kinh tế trên 40.300 tỉ đồng, chiếm đến 28% GDP toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 17%. Giá trị xuất khẩu tính bằng USD đã gần 650 triệu.

Hay như Phú Ninh, một huyện “trẻ”, được tách ra từ thành phố Tam Kỳ năm 2005, ngày mới chia tách, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 3,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 23%. Nay huyện đã đạt chuẩn “huyện nông thôn mới”, thu nhập bình quân đã đạt 29 triệu đồng, hộ nghèo chỉ còn 3,16%, là huyện đầu tiên của Quảng Nam có 100% trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia…

Những thành tựu nổi trội

Tôi có may mắn quen biết Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, từ khi anh còn là Phó văn phòng UBND. Cuối năm 2016 anh tiếp đoàn cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào Quảng Nam cùng với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu lai chọn địa điểm để chuẩn bị xây dựng nhà máy thuộc Dự án mỏ khí Cá Voi xanh.

Trong lúc chuyện trò, anh nói đại ý rằng: Quảng Nam sinh ra là để chịu thử thách, đương đầu với thử thách. Và bao giờ cũng chiến thắng. Ngẫm, đúng quá. Năm 1997 Quảng Nam được chia tách thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, vừa “chân ướt, chân ráo” chưa kịp ổn định nơi ăn ở, thì hai năm liền (1998,1999), thiên tai lũ lụt ập đến, nhấn chìm nhiều vùng quê Quảng Nam. Người Quảng Nam rũ bùn đứng dậy theo đúng nghĩa đen.

Công nghiệp từ chỗ không có gì, nay thương hiệu hàng hóa công nghiệp Quảng Nam đã có tiếng trên thị trường, tiêu biểu là nhãn hiệu ôtô Trường Hải. Hiện các khu công nghiệp của Quảng Nam đã thu hút 155 dự án đầu tư (gồm 49 dự án đầu tư nước ngoài và 106 dự án đầu tư trong nước), với tổng vốn đăng ký 1.352,2 triệu USD và 2.978,2 tỉ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt gần 84.000 tỉ đồng, chiếm gần 48% GRDP của tỉnh.

quang nam cuoc but pha ngoan muc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017

Ngành du lịch Quảng Nam có bước phát triển vượt bậc. Hai di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng với Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch không chỉ của Việt Nam, mà lan tỏa rộng rãi trên thị trường du lịch thế giới. Doanh thu du lịch năm 2016 đạt hơn 2.400 tỉ đồng, tăng 161 lần so với năm 1996; tổng lượng khách du lịch đạt gần 4,4 triệu lượt, tăng hơn 46 lần so với năm 1997, trong đó khách lưu trú đạt gần 2,5 triệu lượt. Du lịch phát triển đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra diện mạo mới không chỉ cho đô thị, mà cả các vùng nông thôn trước kia vốn thuần nông.

Ngành nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm, thủy sản), vượt qua những bất lợi nhiều mặt, nhất là thời tiết, thiên tai đã duy trì được nhịp độ phát triển có gia tốc theo từng giai đoạn. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2016 tăng từ 3,42% đến 7,59% so với năm 1997. Giá trị thu nhập sản phẩm trên 1ha đất canh tác đã đạt 78 triệu đồng. Trong đó ngành nuôi trồng thủy sản trên 1ha canh tác đã đạt 201-350 triệu đồng/ha/năm. Hằng năm sản lượng thủy, hải sản khai thác đạt 102.640 tấn, tăng hơn 3 lần so với thời kỳ đầu.

20 năm qua, dù phải chịu rất nhiều bất lợi, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã giữ được sự tăng trưởng ổn định, với chất lượng sản phẩm càng ngày được nâng cao. Sự tăng trưởng đã góp phần cơ bản vào sự thành công xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn mới, làm cơ sở vững chắc cho sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Tròn 20 năm tái lập, thu ngân sách của Quảng Nam đã tăng gấp 163 lần, trong đó thu nội địa tăng gấp 110 lần so với năm 1997. Là một tỉnh nghèo, hằng năm phải nhờ sự trợ cấp ngân sách từ Trung ương. Nay Quảng Nam không chỉ tự cân đối được ngân sách, mà còn là một trong 13 tỉnh thành phố thực hiện đóng góp ngân sách về Trung ương. Quảng Nam đĩnh đạc bước vào câu lạc bộ có nguồn thu ngân sách 20.000 tỉ đồng/năm.

Quảng Nam 20 năm tới

20 năm tái lập, Quảng Nam đi lên bằng chính nội lực của mình. Và đạt được những thành tựu rất đáng tự hào mang tính lịch sử. Với đà xốc tới, Quảng Nam như một con tàu đang băng băng trên hành trình khẳng định sự quyết tâm bứt phá trong giai đoạn mới.

Tất nhiên, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ xây dựng phát triển ra sao hoàn toàn nằm trong định hướng của những nghị quyết của Tỉnh đảng bộ. Ở góc độ phân tích có tính phổ quát, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 2001-2008 đã lý giải những vấn đề mà Quảng Nam cần quan tâm trong bước đi tới của mình.

Theo ông, tư duy về chiến lược phát triển nông nghiệp đến nay vẫn cơ bản đúng. Nông nghiệp nói như ông “còn quan trọng lâu dài, bởi nó liên quan đến đại bộ phận dân chúng Quảng Nam. Nông nghiệp là mặt trận phòng thủ, nghĩa là chống đói. Phòng thủ vững chắc để không thất bại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ổn định thì mới phát triển được. Nhưng muốn thoát nghèo thì phải tiến công”. Tiến là “phải chọn công nghiệp và dịch vụ. Chống nghèo chính là cách chống đói bền vững”.

Vì vậy chiến lược phát triển nông nghiệp phải có tư duy mới. Giá trị sản phẩm 1ha sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam mới đạt hơn 70 triệu đồng. Trong khi đó với điều kiện tự nhiên còn kém xa so với Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung, nhưng đất nước Israel áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, 1ha của họ đã đạt khoảng 60 tỉ đồng, nghĩa là gấp khoảng 1.000 lần so với ta. Trong 20 năm tới, nếu Quảng Nam phấn đấu đưa thu nhập 1ha đất nông nghiệp chỉ bằng 1/20 của Israel và chỉ cần 1/3 diện tích đất canh tác hiện nay cũng có thể tạo ra một GRDP gấp 1,5 lần hiện nay.

Về du lịch và dịch vụ, theo phân tích của ông, sẽ là ngành kinh tế chính của Quảng Nam ngay từ bây giờ, chứ không phải trong tương lai. Phân tích và lý giải thì dài, song chỉ nêu một dẫn chứng: Ví như Singapore, quốc gia chỉ có diện tích bằng một vài huyện của Quảng Nam, tiềm năng thì chắc chắn không thể bằng Quảng Nam, nhưng mỗi năm họ thu hút đến 30 triệu lượt khách quốc tế, thu nhập từ du lịch khoảng 30 tỉ USD. Tương tự, Hongkong mỗi năm thu từ du lịch lên đến 80 tỉ USD.

Quảng Nam với tiềm năng to lớn, ngoài hai di sản Văn hóa thế giới, hơn 100km ven biển vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ; lại có các cánh rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sơn… Điều đó hoàn toàn cho phép Quảng Nam nghĩ đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn và lớn hơn đối với các địa phương khác.

Lĩnh vực công nghiệp ngày nay được ví là cuộc “siêu cách mạng”. Trong cuộc siêu cách mạng này, xu hướng tin học hóa ngày càng lan rộng và đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực, với phần mềm làm cốt lõi. Quảng Nam không thể đứng ngoài cuộc, mà phải chủ động và tích cực tham gia với tinh thần tiến công và tầm nhìn vượt trước.

Hình dung một Quảng Nam 20 năm tới là như vậy. Cùng một lúc phải triển khai nhiều việc như vậy. Song, chúng tôi xin mượn lời của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng để làm lời kết cho bài viết này: “Mọi thứ cuối cùng vẫn phải là văn hóa, con người. Phải xây dựng mục tiêu nền tảng ấy. Phát triển kinh tế phải nghĩ đến con người. Nghĩ đến con người để phát triển bền vững. Quy hoạch đô thị phải nghĩ đến văn hóa. Quảng Nam làm như vậy chắc chắn sẽ thành công”.

Từ ngày tái lập đến nay (1-1997), Quảng Nam đã trải qua 20 năm xây dựng và phát triển. Là tỉnh thuần nông, hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, bất cập; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhỏ lẻ manh mún.

Sau 20 năm với tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã chủ động tìm hướng đi mới. Từ một tỉnh nghèo nhất trong cả nước, đến nay Quảng Nam đứng vào nhóm các tỉnh khá trong cả nước.

Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, quy mô nền kinh tế tăng khá. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả tích cực. Đến cuối năm 2016 đã có 63 xã và huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2016 đạt trên 20.000 tỉ đồng gấp 128 lần so với năm 1997; trong đó thu nội địa năm 2016 hơn 13.000 tỉ đồng, gấp 83 lần; thu xuất nhập khẩu năm 2016 đạt trên 6.000 tỉ đồng chiếm 31% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Tổng chi ngân sách địa phương từ 553 tỉ đồng năm 1997 tăng lên 24.000 tỉ đồng năm 2016, gấp gần 45 lần, trong đó chi đầu tư phát triển năm 2016 trên 7.843 tỉ đồng gấp 49 lần so với năm 1997.

Hạ tầng giao thông phát triển toàn diện. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 470km tuyến quốc lộ; 695km tuyến tỉnh lộ; 1.380km tuyến huyện lộ và 8.190km tuyến đường xã. Giao thông nông thôn được đầu tư với gần 4.300km bê tông hóa và 243 cầu cống các loại.

Diện mạo nông thôn, miền núi tiếp tục khởi sắc, 100% số xã, phường, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm. Mạng lưới y tế từ tỉnh đên cơ sở được củng cố toàn diện. Cán bộ y tế hiện có 6.320 người, trong đó có 731 bác sĩ (đạt 4,87 bác sĩ/vạn dân), 67 dược sĩ đại học. Trung bình có 5,2 cán bộ/trạm y tế, 100% số thôn có nhân viên y tế.

Hạ tầng ngành điện được đầu tư phát triển. Hiện có 19 nhà máy thủy điện đưa vào hoạt động, với tổng công suất 1.036,66MW, mỗi năm đóng góp vào hệ thống điện quốc gia với sản lượng 3.925,85 triệu kWh. Đã có 407.134/416.353 hộ dân sử dụng điện; 18/18 huyện thị xã, thành phố có điện lưới quốc gia, với 243/244 xã, phường, thị trấn đạt 99,59%.

Đặng Trung Hội

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps