Quản lý thuốc chữa bệnh: "Thả gà ra đuổi"?

07:03 | 31/08/2017

5,245 lượt xem
|
Thói quen tự kê thuốc chữa bệnh đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết người dân, cùng với đó, các cửa hàng thuốc cũng mặc nhiên bán thuốc vô tội vạ, bất chấp những hiểm họa đối với sức khỏe khách hàng. Mặc dù Bộ Y tế nhiều lần cảnh báo về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan khiến nguy cơ kháng thuốc tăng cao, nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì chẳng khác gì “thả gà ra đuổi”… 

Hễ có bệnh là… hiệu thuốc thẳng tiến

Mấy hôm trước, sau khi ngủ dậy, mắt tôi tự nhiên có nhiều dử trắng, ngứa và có những tia máu màu đỏ nên trên đường đi làm tiện rẽ vào một nhà thuốc để mua thuốc. Sau khi trình bày với cô bán hàng các biểu hiện bất thường của mắt thì được cô này đưa cho một túi thuốc với đơn giá 110.000 đồng. Tôi hơi choáng và thắc mắc thì cô ta giải thích: “Chị bị đau mắt đỏ, vì thế phải rửa mắt bằng nước muối sinh lý thường xuyên, nhỏ thuốc mắt ngày 3 lần, rồi uống thêm thuốc chống ngứa, chống đỏ mắt. Chị đi làm gặp nhiều người nên muốn nhanh khỏi phải uống thêm 3 ngày kháng sinh”.

quan ly thuoc chua benh tha ga ra duoi
Cửa hàng thuốc mở tràn lan

Tôi nghe xong, mặc dù hơi lăn tăn nhưng vẫn trả tiền rồi đi.

Lên đến cơ quan, tôi đưa chuyện mình bị đau mắt và mua thuốc kể với đồng nghiệp. Nghe xong ai cũng phản đối gay gắt về việc nhà thuốc bán quá nhiều thuốc. Rồi có chị khuyên: “Cô đau mắt chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý, một tuần là khỏi”. Rồi có chị thận trọng hơn thì nhắc nhở: Nếu mắt đỏ quá mà thấy đau nhức thì em phải ra viện khám ngay, đừng tự điều trị “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, không chủ quan được đâu”!

Không riêng gì tôi, mà chắc rằng rất nhiều người đã có thói quen ăn sâu vào tiềm thức, là nếu bị mắc các loại bệnh như cảm mạo thông thường, đau bụng, đau mắt, viêm da… đều tự ý bắt bệnh, hỏi những người xung quanh, còn tiện nhất là hỏi anh “gúc gồ” rồi ra hiệu thuốc mua về dùng. Những bệnh nhẹ thì may mắn nhanh khỏi, nhưng nhiều trường hợp bệnh nặng, người bệnh không hiểu mà chỉ nhìn thấy những biểu hiện phát bệnh đơn giản bên ngoài nên vẫn tự mua thuốc chữa bệnh, vì thế càng dùng thuốc càng thấy bệnh nặng thêm và cuối cùng phải đến bệnh viện nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ.

Không chỉ tự chữa bệnh cho bản thân mà lâu nay chúng ta còn quen đi bốc thuốc giúp người thân. Chồng con, bố mẹ đau ốm nhiều lúc tiện trên đường vào hiệu thuốc mô tả biểu hiện bệnh rồi mua thuốc về cho uống.

Điển hình nhất là rất nhiều bà mẹ “bỉm sữa” thường kiêm luôn chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ tại gia. Hễ thấy con ho sáng thì chiều mua ngay một lọ siro ho về cho trẻ uống. Nặng nữa thì mua kháng sinh uống đề phòng phát bệnh nặng. Rồi phổ biến nhất là ai cũng muốn con cao lớn nên ra hiệu thuốc tự mua canxi, vitamin D về cho con uống; thấy con gầy, khó hấp thụ thì bắt con uống men tiêu hóa suốt cả năm trời…

quan ly thuoc chua benh tha ga ra duoi
Lấy đơn thuốc cũ để mua thuốc điều trị bệnh mới là thói quen phổ biến

Chị Vân Anh bán thuốc lâu năm ở, Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: “Hằng tháng doanh thu của mình khá ổn, lãi sau khi trừ các chi phí như thuê nhà, điện, nước thì cũng sống thoải mái. Hầu hết những khách hàng mua thuốc chỗ mình đều không có đơn mà toàn mua theo dạng tự điều trị. Từ người già đến trẻ em, từ nam đến nữ, nếu họ gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe là tìm đến hiệu thuốc. Mình bán hàng thuốc gần 20 năm nay và trước đây cũng công tác trong ngành dược nên cũng đủ kiến thức để tư vấn cho mọi người. Nhiều bà mẹ trẻ dùng thuốc cho con liều mạng lắm. Kháng sinh dược sĩ khuyên chỉ dùng cho bé 5 ngày, thấy con chưa khỏi hẳn thì mẹ lại cho uống thêm 2 ngày nữa. Thế là con bị say thuốc phải đi cấp cứu bệnh viện. Có mẹ thì cứ tra cứu trên các diễn đàn mạng, rồi miêu tả bệnh tình của con, xin mọi người lời khuyên. Thế là mỗi người một lời khuyên, mỗi người “kê” cho một loại thuốc rồi đưa ra hiệu thuốc hỏi nên dùng loại nào.

Nhiều chuyện cười chảy cả nước mắt. Có một bà cụ khoảng 70 tuổi, ra hiệu thuốc của mình cứ bảo: “Con lấy cho bà một vỉ thuốc “sếch xi”. Mình nghe tên thấy lạ quá và cứ hỏi đi hỏi lại thì bà vẫn khẳng định tên thuốc như vậy, bà tả thêm: “thuốc có màu trắng, vỏ màu xanh”. Mình hỏi: “Thế bà mua cho ai và bị bệnh gì?”. Bà bảo: “Thằng cháu lớn nó bị cảm, sốt, nó nhờ ra hiệu thuốc mua cho một vỉ thuốc “sếch xi”. Mình nghe đến đây thì không nhịn được cười và biết ngay là bà muốn mua vỉ thuốc Tiffy”.

Bà Phương quê Thanh Hóa kể: “Năm ngoái chúng nó về đưa tủ thuốc ra dọn đã phải vứt đi một đống thuốc vì hết hạn sử dụng, thế mà hôm trước con trai và con dâu về chơi lại mua tặng tôi một túi thuốc trị bệnh xương khớp và cả nhân sâm, nhưng tôi đang khỏe nên chưa uống. Ở quê, bao năm nay nhà tôi tự nhiên trở thành tủ thuốc của làng. Ai bị cảm cúm, đau bụng, nứt chân, đau mắt đều sang nhà tôi xin thuốc”.

Ngày nay, mọi người quá lạm dụng thuốc tây. Chỉ cần cơ thể có dấu hiệu bất ổn thì cứ thế mà hiệu thuốc thẳng tiến.

GS.TS Lê Ngọc Trọng - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Mỗi đơn thuốc chỉ dùng cho 1 lần khám và điều trị duy nhất. Đặc biệt, không nên sử dụng đơn thuốc cũ ở các lần mua thuốc tiếp theo cho trẻ em vì cơ thể trẻ thay đổi nhanh, liều thuốc trước không thể mang lại hiệu quả điều trị tốt cho lần sau. Có thể một số bệnh có các triệu chứng giống nhau, tuy nhiên bệnh lý khác nhau thì sẽ có các loại thuốc đặc trị khác nhau.

Do đâu mà hình thành nên thói quen này?

Tự ý bốc thuốc chữa bệnh đã trở thành thói quen suốt bao nhiêu năm của người Việt. Và dù có bị can thiệp bằng cách nào đi nữa thì thói quen này cũng khó có thể bỏ trong ngày một ngày hai. Kết quả khảo sát gần đây do Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thực hiện cho thấy, cứ 10 người dân thì có tới 9 người mua thuốc kháng sinh mà không hề có đơn bác sĩ. Riêng lượng thuốc kháng sinh đã chiếm tới 1/4 số thuốc được bán ra mỗi ngày ở hầu khắp các hiệu thuốc.

Vì đâu mà thói quen này lại “cắm sâu” đến vậy?

Trước hết có lẽ là vì việc mua thuốc quá dễ dàng. Ở đâu có dân cư ở đấy sẽ có nhà thuốc. Ai mua thuốc gì bán thuốc nấy. Thuốc nào dân có nhu cầu sử dụng nhiều thì sẽ được nhập về nhiều. Vài năm trở lại đây, các hiệu thuốc online cũng tăng chóng mặt. Chỉ cần gõ cụm từ “thuốc tây giá rẻ”, “mua thuốc tây”, hoặc “thuốc tây chữa bệnh…”, trên công cụ tìm kiếm google sẽ cho ra hàng nghìn kết quả như mong muốn. Khác với việc đi khám và lấy thuốc theo đơn, ở những cửa hàng thuốc tây online, người mua chỉ cần gọi điện, hoặc email các loại thuốc cần mua, ngay lập tức hàng sẽ chuyển tới tận tay với giá hợp lý. Ngoài ra, ở các tiệm thuốc này cũng thường xuyên có thuốc giảm giá, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Cũng chính vì sự tiện lợi, giá rẻ, cộng thêm những lời quảng cáo “có cánh”, khiến cho nhu cầu mua thuốc tây trên mạng ngày càng tăng.

Một nguyên nhân khác khiến người dân tự ý mua thuốc điều trị là tâm lý ngại đến các trung tâm y tế, bệnh viện. Với những bệnh lý nhẹ mà phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, có khi là cả buổi do phải xếp hàng tại các bệnh viện thì rất mệt mỏi, mất thời gian nên nhiều người thường từ chối đi thăm khám. Hiện nay cũng có rất nhiều các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhưng những cơ sở này tiền khám thường cao gấp đôi, gấp ba lần ở bệnh viện, chưa kể việc nhiều phòng khám còn bắt ép mua thuốc với giá cắt cổ khiến nhiều người bỏ qua luôn bước thăm khám vì sợ tốn tiền.

Chị Diệp ở Đê La Thành chia sẻ: “Vào bệnh viện khám thì chờ đợi mệt mỏi, còn đến phòng khám tư nhân thì chi phí cao, nhiều khi bị bắt làm đủ thứ xét nghiệm không cần thiết. Bản thân tôi và những người trong gia đình chẳng may đau ốm bệnh nặng phải mổ xẻ thì mới phải đến bệnh viện, chứ cảm sốt, đau đầu, đau răng, nhức mỏi chân tay… thì ra hiệu thuốc mua là xong”.

quan ly thuoc chua benh tha ga ra duoi
Nhiều loại thuốc phải vứt bỏ vì hết hạn dùng

Cùng phản ánh về tình trạng bán thuốc vô tội vạ ở các nhà thuốc hiện nay, chị Mai Anh ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho hay: “Các quầy thuốc giờ toàn tranh thủ bán thực phẩm chức năng. Hễ bị bệnh gì cũng gán thực phẩm chức năng vào để bán. Con tôi bị khó tiêu, ăn nhiều nhưng chậm lớn. Tôi vừa bảo tình trạng của con xong thì cô bán thuốc đã giới thiệu một loạt, nào thì các loại men tiêu hóa, men vi sinh; thuốc kích thích ăn ngon được chiết xuất từ thảo dược, rồi đủ các kiểu chất xơ hỗ trợ tiêu hóa… Tôi đã mua những loại thuốc này nhiều lần nhưng tình trạng của con cũng chẳng tiến triển gì. Nói chung giờ ra hiệu thuốc phải rất tỉnh táo. Cứ nghe theo tư vấn thì không biết bao nhiêu tiền cho đủ”.

Bác sĩ Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Việc tự ý mua các loại thuốc điều trị có thể dẫn tới các tai biến nguy hiểm. Ngay cả với những loại thuốc đơn giản, thông thường cũng có thể xuất hiện các phản ứng phụ không mong muốn. Người bệnh nên dành thời gian đi khám để được biết chính xác tình trạng bệnh của mình. Bình thường người dân rất xem nhẹ việc khám lại, thấy đỡ là dừng thuốc. Khi đi khám lại bác sĩ sẽ cho biết có nên đổi thuốc hay không.

Hãy thay đổi thói quen

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, gần 40 năm trong ngành y ông đã chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp nguy kịch khi tự ý dùng thuốc, đặc biệt là việc dùng đơn thuốc của người khác để chữa bệnh cho mình. Tức là khi bị một bệnh nào đó, cảm thấy có những biểu hiện giống bệnh của một người khác từng đi khám và chữa trị, bệnh nhân đã tự chẩn đoán bệnh và cho rằng bệnh của mình giống bệnh người kia. Do đó, thay vì đi khám để tìm ra bệnh thực sự thì họ dùng ngay đơn thuốc của người khác.

“Mỗi loại thuốc khi uống vào cơ thể đều phải chuyển hóa qua gan, đào thải qua thận, do đó nếu dùng lâu dài - nhất là thuốc kháng sinh dễ gây hại, chưa kể là bị dị ứng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được phân làm nhiều nhóm, mỗi loại chỉ để tiêu diệt một số loại vi khuẩn nhất định, bệnh nặng hay nhẹ, thuốc uống hay tiêm, thời gian ngắn hay dài, dùng cho phụ nữ khác, người già khác, trẻ em khác… đều do bác sĩ chỉ định. Việc tự ý mua thuốc về uống, tự ý tăng hoặc giảm liều, cắt thuốc sẽ rất nguy hiểm, tuy nhìn bề ngoài, người bệnh có thể khỏi về mặt lâm sàng, triệu chứng nhưng thực tế vi khuẩn vẫn còn và bệnh sẽ tái phát, hoặc vi khuẩn kháng thuốc sẽ khó điều trị” - PGS Dũng nhấn mạnh.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, tuyệt đối không nên lấy thông tin trên Internet để chẩn đoán bệnh, mua thuốc trên mạng, đến nhà thuốc hỏi mua về tự uống hoặc dùng đơn thuốc của người khác. Khi bị rối loạn và nghĩ là mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị. Đối với đơn thuốc cũ của người khác, hoàn toàn không dùng để tự chữa trị cho mình. Kể cả với đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu, nếu bệnh tái phát cũng không nên tự ý dùng trở lại mà tốt nhất nên đi tái khám ở bác sĩ đã chữa bệnh trước đây. Vì chỉ có bác sĩ mới có đủ thẩm quyền cho dùng đơn thuốc cũ hoặc phải thay bằng đơn thuốc mới.

Trong bối cảnh thị trường dược phẩm còn quá nhiều bất cập, cơ quan chức năng cần có những biện pháp rà soát và chấn chỉnh kịp thời. Mỗi người dân cần phải tự nâng cao hiểu biết của mình. Thời đại bùng nổ thông tin mạng, mỗi người cần chắt lọc cho mình những thông tin hữu ích để bổ trợ thêm những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt, nên theo quy định chỉ có bác sĩ và dược sĩ mới có thể tư vấn và cung cấp thuốc. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, dường như việc mua bán và sử dụng thuốc cũng chỉ được xem như một món hàng tiêu dùng hằng ngày. Chính vì thói quen tự ý mua thuốc về chữa bệnh, nên hiện nay chúng ta đang tạo ra sự lãng phí một lượng thuốc tây không hề nhỏ. Nhiều người mua thuốc về uống, bôi được vài ngày không khỏi, gặp ai đó chỉ cho một loại thuốc khác lại ra hiệu thuốc mua thuốc khác về dùng… Cứ thế tủ thuốc nhiều gia đình cứ đầy ứ theo thời gian.

Minh Lê