Hậu bầu cử quốc hội Ukraina:

Quan hệ Nga-Ukraina sẽ ra sao?

14:49 | 28/10/2014

2,819 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với 70% số đại biểu trong quốc hội mới có xu hướng thân phương Tây, thử hỏi các chính sách của Ukraina với Nga sắp tới sẽ thế nào?

Quan hệ Nga-Ukraina sẽ ra sao?

Đảng Mặt trận bình dân của Thủ tướng Arseni Iatseniouk theo đường lối cứng rắn với Nga về nhất trong cuộc bầu cử quốc hội Ukraina

Cuộc bầu cử diễn ra hôm 26/10 tại Ukraina đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử 23 năm độc lập quốc hội Ukraina sẽ có sự tham gia của đa phần là những gương mặt mới. Quốc hội này cũng được cho là có số nghị sỹ theo đường lối thân châu Âu chiếm gần như tuyệt đối.

2 trong số 3 đảng phái về đầu trong cuộc bầu cử này theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Đảng Samopomitch (về thứ ba), và đảng Mặt trận bình dân của Thủ tướng Arseni Iatseniouk (về nhất), đều chủ trương có đường lối cứng rắn với Nga và quân ly khai ở miền đông Ukraina. Trong danh sách ứng viên của đảng Mặt trận bình dân, có nữ nhà báo Tetiana Tchornovol, nổi tiếng với các bài viết chống tham nhũng dưới thời cựu Tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch. Hay ông Andrie Teterouk, người đã tham chiến ở miền đông và tuyên bố sẵn sàng cầm súng quay lại mặt trận, “để tái lập trật tự”.

Samopomitch, đảng của các nhà tranh đấu trẻ từng tham gia Maidan và những người trở về từ chiến trường Donbass, do ông Andriy Sadovyi, thị trưởng thành phố Lviv theo đường lối cải cách, lãnh đạo. Lviv là thành trì của phe dân tộc chủ nghĩa ở phía tây Ukraina.

Nếu như đảng Poroshenko của Tổng thống Petro Porochenko tìm cách đàm phán với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về một kế hoạch hòa bình cho miền đông Ukraina, thì Thủ tướng Iatsouniouk lại có lập trường được coi là diều hâu, ủng hộ trừng phạt kinh tế Nga và kêu gọi xây dựng một “bức tường” ở biên giới phía đông, để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga.

Còn ban lãnh đạo đảng Samopomitch cho hay sẽ không ủng hộ Tống thống một cách mù quáng, liên minh cầm quyền mới sẽ không phải là liên minh vì Tổng thống, mà vì Ukraina.

Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội Ukraina được công bố, Thứ trưởng Ngoại giao Grigori Karassine bày tỏ quan điểm hoan nghênh thắng lợi của những người chủ trương tìm giải pháp “hòa bình” cho khủng hoảng Ukraina. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngoại giao Nga nói thêm “việc một số lực lượng dân tộc chủ nghĩa có được một sự ủng hộ đáng kể và lọt được vào quốc hội Ukraina là một đe dọa”.

Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia Nga phụ trách các vấn đề quốc tế Alexei Pushkov không chờ đợi sự thay đổi tính chất của mối quan hệ với Liên bang Nga từ cuộc bầu cử quốc hội Ukraina hôm 26/10 và cho rằng những thay đổi có thể xảy ra trong lập trường của Kiev sẽ chỉ mang tính miễn cưỡng.

Tuyên bố hôm 27/10 với hãng thông tấn Itar-Tass, ông Alexei Pushkov giải thích rằng tính bất đắc dĩ có thể là do nguyên nhân, thí dụ như áp lực từ phía Liên minh châu Âu với Kiev về thỏa thuận khí đốt, về đảm bảo vận chuyển quá cảnh không gián đoạn. Theo ông Pushkov, “chính phủ mà trên thực tế sẽ ở lại nắm quyền hiện nay không có nguồn lực dự trữ cho sự thay đổi trong nước, không có tiền”. Ngoài ra, Ukraina “có những quan hệ cực kỳ phức tạp với Liên bang Nga, đất nước đáng ra có thể là nguồn cung cấp, nếu như không phải là hỗ trợ tài chính thì dù gì chăng nữa, cũng là nguồn hợp tác kinh tế - thương mại có lợi cho Ukraina”- ông bình luận.

Nhiều người dân Ukraina đang hoài nghi về những thay đổi mà cuộc bầu cử này mang lại. Họ cho rằng có thể có những xáo trộn trên chính trường, nhưng chắc chắn là mọi thứ vẫn như cũ.

Với thành phần quốc hội mới ở Ukraina, các chuyên gia dự đoán rằng Ukraina sẽ ngày càng bị tách khỏi Nga về mặt kinh tế, mặc dù kinh tế của Ukraine hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào việc hợp tác làm ăn với Nga, trong khi trình độ phát triển của nước này còn chưa đủ để hội nhập châu Âu. Và có thể nói cơ hội cho việc vãn hồi hoà bình ở miền đông sẽ ngày càng xa vời.

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc