Quan “giá” đi đâu?

06:48 | 16/08/2013

755 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xin lỗi các quan “giá”, chúng tôi không hiểu các quan “giá” nghĩ gì mà để cho giá sữa “nhảy múa” trên đầu con trẻ. Chẳng nhẽ đến con trẻ mà cũng bị “làm thịt” vô tư.

Bảo Dân (NLM số 247)

Có lẽ bạn đọc sẽ bất bình nhân đôi khi biết rằng, có loại sữa giá nhập khẩu chỉ hơn 100.000 đồng/hộp nhưng ra thị trường bị đẩy lên tới 600.000 đồng một hộp, tăng 600% so với giá nhập, lòng tham đã đánh thẳng vào con trẻ.

Ăn đậm nhờ chênh lệch giá nhập khẩu so với giá bán lẻ là các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em của những tập đoàn sản xuất sữa hàng đầu thế giới như Abbott, Mead Johnson, Nestlé.

Các bà mẹ nuôi con bằng sữa bột đã mê tín một nhãn hàng xách tay có xuất xứ Pháp tên Gallia dù giá đang bán lẻ ở mức rất cao 600.000 - 605.000đ/hộp 900g. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người tiêu dùng thông thái, sữa Gallia đã được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam. Và điều khá bất ngờ là giá nhập khẩu so với giá bán lẻ trên thị trường đã chênh lệch đến mức gây choáng. Thì ra, giá nhập khẩu đã có thuế nhập khẩu loại sữa Gallia số 1, hộp 900g chỉ có 117.500đ/hộp nhưng đội lốt hàng xách tay, người ta nâng mức giá bán lẻ lên 605.000đ/hộp, kiếm lãi 487.500đ/hộp.

Ngoài ra, sữa Nestlé Nido Kinder loại 1,6kg/hộp cũng được bán lẻ với giá 600.000đ/hộp dù rằng giá nhập đã có thuế chỉ là 115.300đ/hộp. Như vậy, mức chênh lệch giá từ khi hàng ra khỏi cảng nhập khẩu, các bà mẹ đã bị trấn lột tới 484.700đ/hộp!

Khảo sát thị trường sữa, người ta dễ dàng thấy một số sản phẩm của Abbott như Similac Advance, Similac Go&Grow bán với giá 540.000 - 560.000đ/hộp, cao hơn giá nhập 420.300 - 440.300đ/hộp. Sữa Enfamil Infant loại 663g/hộp của Hãng Mead Johnson có giá nhập khẩu chỉ khoảng 4USD/hộp. Nếu tính cả thuế nhập khẩu, giá nhập vẫn thấp hơn giá bán lẻ tới 467.800đ/hộp.

Như vậy, giá bán lẻ nhiều loại sữa cao hơn từ 350 đến 600% so với giá nhập khẩu. Theo các bà mẹ, hầu hết các loại sữa này là của Mỹ, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc...

Chênh lệch cao giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ khiến người ta đặt câu hỏi, khoản lợi nhuận kếch sù này vào túi ai? Được biết, tại TP HCM, nhiều siêu thị kêu là chiết khấu các mặt hàng này khá thấp. Như vậy, tại siêu thị sau khi nhập hàng, cộng thêm các khoản chi phí, giá sữa đến tay người tiêu dùng cũng chỉ chênh lệch với giá nhập vào siêu thị khoảng 4-5% chứ không thể lên đến cả mấy trăm phần trăm. Vậy là rõ, các nhà nhập khẩu độc quyền đã làm giàu trên từng ngụm sữa mà con trẻ uống hằng ngày khi không được bú mẹ để lớn.

Ai cũng biết, việc quản lý giá sữa tuy có được đề ra trong nhiều năm nay trong rất nhiều văn bản của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, nói vậy e không phải vậy bởi chúng ta vẫn đang buông, không quản và “bất lực” trước giá sữa. Các chuyên gia kinh tế cũng đặt câu hỏi, tại sao các văn bản quy định giá sữa nhưng giá sữa vẫn cứ “nhảy múa” liên tục? Người ta tính được rằng, giá sữa tăng 30 lần trong vòng 6 năm qua, với mức tăng đó là rất nhiều, hơn cả giá xăng dầu. Không quản, không kiểm, không xử lý nên giá sữa tha hồ tăng.

Các chuyên gia cho rằng, các nhà kinh doanh lách luật rất giỏi. Chiêu trò “hồn Trương Ba da hàng thịt” được sử dụng linh hoạt. Ví dụ, chúng ta chỉ quy định, sữa bột có hàm lượng đạm là 34% với mức thuế nhập khẩu chỉ có 3-5% thì họ kê khai là nhập với mức thuế như vậy. Tuy nhiên, khi nhập vào rồi họ lại chế biến ra những sản phẩm khác được gọi là “thực phẩm chức năng”, “thực phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung”... thì tất cả những cái đó cũng là một dạng sữa. Họ dán tên khác là thực phẩm dinh dưỡng và khi họ bán thực phẩm dinh dưỡng này ra ngoài thị trường thì không phải đăng ký giá với Bộ Tài chính cũng như Bộ Y tế, do vậy mà họ có thể tăng giá thoải mái.

Đã đến lúc cần phải thống nhất về mặt tên gọi để cho người tiêu dùng hiểu họ đang mua sản phẩm gì cho con trẻ. Sữa dành cho trẻ 6 tháng tuổi phải khác, tiêu chuẩn khác, không thể là thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, cần phải quy định sự phối hợp liên ngành vì sữa là do Bộ Y tế cấp, chứng nhận tên gọi do doanh nghiệp đăng ký, nhưng giá lại do Bộ Tài chính quản lý và chỉ quản lý giá sữa của trẻ em, còn giá của những thực phẩm chức năng khác họ lại không quản lý. Đây là một trong những điều bất cập của công tác quản lý giá. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có những cơ chế quản lý mới thì chịu thiệt thòi nhất là người tiêu dùng khi mà giá sữa ngày một tăng. Cho đến nay nó đã tăng gấp đôi giá thế giới. Các doanh nghiệp sữa đã đẩy khó khăn cho người tiêu dùng.

Thưa các quan “giá”! Có câu: “Trẻ em như búp trên cành”, vậy mà các quan “giá” nỡ đối xử với mầm non đất nước như thế sao?!

B.D

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc