Quan điểm Hồ Chí Minh về nhân cách của người làm báo

15:13 | 17/06/2016

1,339 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là nhà báo vĩ đại. Người đã sáng lập báo Thanh Niên (21-6-1925), khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Người là một nhà báo đặc biệt. Đặc biệt bởi người đã bôn ba khắp nơi trên thế giới, làm hàng chục nghề khác nhau suốt 30 năm trời, từ khi rời bến cảng Sài Gòn năm 1911 đi tìm đường cứu nước đến khi trở lại đất nước vào ngày 28-1-1941. Nguyễn Ái Quốc viết bài báo đầu tiên vào ngày 2-8-1919, Báo L’Humanité, bài “Vấn đề người bản xứ”. Khi đó Nguyễn còn chưa thật sự rành rẽ về ngôn ngữ (tiếng Pháp).

quan diem ho chi minh ve nhan cach cua nguoi lam bao
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở chiến khu Việt Bắc - Ảnh tư liệu

Sinh thời Hồ Chí Minh đã viết hàng nghìn bài báo, với gần 200 bút danh. Bác có nhiều chỉ dẫn quan trọng đối với nghề báo và người làm báo. Trong đó quan điểm của Bác về nhân cách người làm báo thể hiện rõ trong nhiều bài nói, bài viết. Chúng ta không mấy ai không nhớ câu nói nổi tiếng của Bác về cán bộ báo chí: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa...”.

Nhân cách thường được hiểu là một hệ thống những phẩm giá của mỗi người, được đánh giá từ mối quan hệ qua lại của người đó với những người khác, với tập thể, với xã hội và cả với thế giới tự nhiên chung quanh. Mối quan hệ đó thể hiện trong cái nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhân cách là một hệ giá trị được xây dựng và hình thành trong suốt thời gian con người tồn tại trong xã hội. Nhân cách đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người, nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc.

Ở phương Đông từ cổ chí kim có nhiều quan niệm khác nhau. Khổng Tử  đưa ra quan niệm về nhân cách gồm ba yếu tố: Trí, nhân, dũng. Còn quan niệm của các nhà hiền triết phương Đông tương đối thống nhất, ở chỗ, nhân cách gồm: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; trong đó “nhân” là cốt lõi, là gốc của nhân cách, định hướng phát triển cho các cấu trúc còn lại trong nhân cách. “Nhân” theo quan niệm Hồ Chí Minh phong phú, sâu sắc và mang bản sắc dân tộc rõ nét. Theo Bác, “nhân” là vì con người, đó là giá trị cơ bản trong cuộc sống, chi phối mọi hoạt động của bản thân trong suốt cuộc đời.

Nhân cách cao đẹp của người cách mạng được Hồ Chí Minh khái quát trong cụm từ: cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. “Cần”, theo Bác, có hai điểm đặc sắc: kiên trì, bền bỉ, dẻo dai trong mọi công việc, và chú trọng nâng cao năng suất lao động, làm việc có hiệu quả cao. “Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí. Tiết kiệm không phải là hà tiện, bủn xỉn. Cái đáng chi thì phải chi, chưa đáng chi thì khoan hẵng chi. Chi cái gì cũng nên hỏi “chi chi hà sự?” (Chi vào việc gì). “Liêm” là không tham lam, luôn trong sáng, trong sạch. “Chính” là thẳng thắn, là không “tà”. Việc gì tốt thì dù nhỏ cũng gắng làm, việc xấu thì dù nhỏ cũng tránh cho bằng được. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính được. Bản thân mình không chính lại muốn người khác chính là điều vô lý. Đây  là một yêu cầu thiết thân đối với nhân cách người cách mạng, trái ngược với chủ nghĩa cá nhân. Khi trong mỗi con người, trong mỗi tập thể mà để chủ nghĩa cá nhân chi phối thì đạo đức bị xuống cấp, đúng-sai, phải-trái, thật-giả lẫn lộn.

Điều trước tiên Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo là, người làm báo cách mạng phải có đạo đức, đó là cái gốc của nhà báo cách mạng. Nhân cách người làm báo thể hiện ở chỗ luôn hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phát biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16-4-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ điều này: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

Một yêu cầu đối với nhân cách người làm báo, Bác thường nhấn mạnh là, tinh thần tự phê bình, phê bình. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8-9-1962) Bác nói: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm. Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình”.

Bác luôn căn dặn các nhà báo phải gắn bó với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, bám sát thực tiễn. Khi viết phải thận trọng, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ người đọc, để ai đọc cũng có thể hiểu được. Ngay từ năm 1949, trong bức thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Bác lưu ý, muốn viết báo thì: Thứ nhất, cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Thứ hai, ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận; tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; Thứ ba, luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ.

Trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật là bản chất báo chí cách mạng. Hồ Chí Minh đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không viết vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.  

Tại Đại hội Nhà báo lần thứ III, Bác Hồ căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”. Về cách viết giản dị mà hấp dẫn, pha chút hài hước của Bác, có thể dẫn ra ở nhiều bài. Nhân dịp Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia vừa in cuốn sách: “Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân” (1951-1954), xin dẫn một đoạn trong bài “Đông Tây và Tây Thi” (trang 318): “Tục ngữ nói “xấu hay làm tốt”. Thấy Tây Thi làm gì thì Đông Thi cũng bắt chước. Thấy Tây Thi nhăn mũi, càng “nghiêng nước nghiêng thành”, Đông Thi cũng bắt chước nhăn mũi, thì trời ôi! Không có con cú nào xấu đến thế!”. Ở một bài khác: “…tướng giặc Pháp là Tátxinhi ốm gần chết phải vào nhà thương. Nghe nói có 6 thầy thuốc săn sóc hắn. Rất có thể 6 người khiêng quan tài sẽ thay thế cho 6 thầy thuốc để đưa hắn ra khỏi nhà thương và vào địa ngục”. (Uỵch – Sđd, tr 149-150).

Hơn ai hết, người cán bộ cách mạng phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, để thật sự là người có đức và có tài. Điều này ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác đã viết: Phải khắc phục “những khuyết điểm, sai lầm”. Đó là “bệnh tham lam”, “Bệnh lười biếng", "bệnh kiêu ngạo", “bệnh hiếu danh", "thiếu kỷ luật”, “óc hẹp hòi", “óc địa phương", “óc lãnh tụ”, “bệnh hữu danh vô thực”… Là cán bộ cách mạng, người làm báo phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời Trong việc học tập, Bác đặc biệt chú trọng đến động cơ, thái độ học tập. Tức là, trước hết phải có động cơ học tập đúng để xác định rõ và đúng xu hướng nghề nghiệp chân chính của mình là vì Tổ quốc, vì nhân dân. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng, học để hành”; “học để làm việc”; chứ không phải học để “làm ông nọ bà kia”, hay là để “làm quan cách mạng”… Những lời khuyên ấy như Bác mới nói hôm qua, hôm kia vậy thôi, có ích với các nhà báo hôm nay biết nhường nào.

Đất nước chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cùng với những thành tựu, do tác động mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Ngày 27-5-2016, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”. Hơn bốn năm qua thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tuy có sự chuyển biến, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Đây cũng là rào cản lớn trong quá trình xây dựng nhân cách con người khiến cho cán bộ, nhân dân bất bình, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, niềm tin, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bên cạnh những mặt ưu điểm của đội ngũ những người làm báo, nhất là bản lĩnh dũng cảm, lòng trung thực, dấn thân vì nghề, sự tha hóa về nhân cách không nằm ngoài những mặt trái, những tiêu cực  trong xã hội. Trong những năm qua, khuyết điểm kéo dài nhất là tình trạng thương mại hóa báo chí. Không ít tờ báo xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng bạn đọc của mình, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, cốt để bán báo chạy, để câu view. Đáng lo ngại là tình trạng tha hóa về nhân cách người làm báo. Biểu hiện của sự tha hóa này là: viết bịa đặt, viết vội vàng, không kiểm chứng nguồn tin nhằm mưu lợi cá nhân, nhân danh chống tiêu cực để hù doạ xin quảng cáo, tài trợ, kiếm tiền; kết bè cánh để “đánh” hội đồng một doanh nghiệp, một đơn vị nào đó, sau đó lại thanh minh, thậm chí khen ngợi (!). Một số người viết thiếu trung thực, xa đời sống, viết bài bằng việc xào xáo bài qua mạng, xào xáo báo cáo; cao giọng phán xét, dạy dỗ, mà không đặt mình vào tư thế người trong cuộc.

Để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, điều quan trọng hàng đầu là thực hành tự phê bình, phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. “Chúng ta không sợ có khuyết điểm, mà sợ không kiên quyết tự kiểm thảo và sửa chữa” (Sách “Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân” (1951-1954); Bài “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí, tr.268). Mỗi nhà báo hãy giữ cho ngòi bút của mình luôn sắc bén, không uốn cong, không bán rẻ cái tên của mình, của tờ báo. Thực hiện nghiêm túc Luật báo chí và 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp là giải pháp hữu hiệu để giữ gìn nhân cách người làm báo. Và hơn bao giờ hết, hãy luôn sống trong thực tiễn, vui buồn, lấm láp cùng dân, chỉ có như vậy mới cho ta những đề tài quý giá, những chi tiết đời nhất và đắt nhất, làm nên giá trị của một tác phẩm báo chí.

Hải Đường

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc