"Quá tải" cả hai phía

09:38 | 07/11/2012

1,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dự thảo hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Bộ Tài chính vừa hoàn thành, thì các loại xe cơ giới phải nộp “thuế đường”... đang lấy ý kiến của các ngành.

Theo dự thảo này, xe ôtô sẽ phải nộp “thuế đường” từ 130.000-1.040.000đồng/tháng. Nếu không có gì thay đổi, “thuế đường” sẽ bắt đầu được thu từ 1/1/2013. Thông tin này được công bố khiến dư luận đã có những phản ứng trái chiều.

Theo dự thảo thông tư, đối tượng chịu phí là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: Xe ôtô, máy kéo; rơmoóc, sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô, máy kéo (gọi chung là ôtô) và xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy (gọi chung là môtô) thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ. Mức thu phí áp dụng cụ thể với các loại xe ôtô được quy định cụ thể như sau: Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân có mức thu thấp nhất là 130.000 đồng/tháng; Xe tải, xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên có mức thu cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng. Với xe máy, loại có dung tích xilanh đến 100cm3, xe máy điện sẽ bị thu phí từ 50.000-100.000 đồng/năm; loại có dung tích xilanh trên 100cm3 sẽ bị thu từ 100.000-150.000 đồng/năm.

Về cách thức thu nộp phí, với xe ôtô dân sự trong nước, phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Đến kỳ đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm dán tem đăng kiểm tương ứng với chu kỳ đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. Đối với xe môtô, Bộ Tài chính quy định, UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí đối với xe môtô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai nộp phí, tổ dân phố (hoặc thôn) tiến hành kiểm tra kê khai và tiến hành thu phí. Trường hợp kê khai không đúng, chủ phương tiện thực hiện kê khai lại.

Hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu ôtô đang lưu hành, trong đó có trên 50% là ôtô dưới 9 chỗ ngồi và ôtô  vẫn được xếp vào danh mục các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và luôn phải chịu mức thuế cao. Thêm vào đó, mặt hàng này còn phải gánh thêm nhiều loại thuế, phí khác nhằm hạn chế gây ùn tắc giao thông. Theo các chủ xe hiện nay ôtô đang phải “cõng” tới 5 loại thuế và 10 loại phí như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, lệ phí trước bạ, biển số, phí xăng dầu, phí gửi xe… và nay thêm phí sử dụng đường bộ, mỗi ôtô sẽ phải “cõng” đến 11 loại phí.

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã  tính toán, hiện nay mức phí trước bạ đối với ôtô chở người ở Hà Nội là 20%, lệ phí cấp biển 20 triệu đồng. Như vậy, với hai khoản này, một chiếc xe có dù chỉ có giá 400 triệu đồng cũng đã phải chi 100 triệu đồng tiền phí. Thêm vào đó, muốn lăn bánh, mỗi năm 16 triệu đồng phí sử dụng đường bộ rồi hàng loạt những khoản tiền khác như phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, thuế môi trường 1.000 đồng/lít, đi ôtô ra đường quốc lộ chỉ vài chục km phải mua phí đường...  nay thêm phí sử dụng đường bộ là quá nhiều, e rằng ôtô, xe máy khó mà cõng nổi.

Hình như để tận thu nên giá ôtô Việt Nam cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực và có khả năng tiếp tục cao hơn nữa so với giá xe nước ngoài. Tuy nhiên, điều kiện thu nhập bình quân đầu người hiện chỉ ở mức trung bình thấp của thế giới, việc giá xe phải “cõng” đủ các loại thuế, phí, dẫn tới bị đội giá lên quá cao, khiến người dân không mặn mà với việc mua ôtô, dù đây được coi là phương tiện an toàn hơn xe máy.

Với người dân, sau khi biết tin sẽ thu phí sử dụng đường bộ ai cũng cảm thấy ngán ngẩm. Chị Lan Anh, nhà ở phố Bạch Mai, Hà Nội đang sử dụng ôtô cho biết:  Sao mà phải đóng quá nhiều loại phí thế! Tăng thêm các loại phí chất lượng đường giao thông có tốt hơn không? Riêng về thu phí xe máy, bà NguyễnThị Dược, cán bộ tài chính nghỉ hưu ở quận Tây Hồ Hà Nội cho rằng rất khó thu. Theo bà, ôtô khi thu phí sử dụng đường bộ thông qua việc đăng kiểm xe và dán tem đăng kiểm để chứng nhận đã đóng phí. Đối với xe máy, lấy gì làm căn cứ chứng nhận xe máy đã nộp phí? Không lẽ dán tem vào xe máy hay cấp giấy chứng nhận đã nộp phí đều không ổn. Bởi mỗi khi đi xe máy ra đường, người đi xe máy đã phải mang nào đăng ký xe, bảo hiểm xe, bằng lái xe, chứng minh nhân dân… nay lại có thêm cả giấy chứng nhận đã đóng phí sử dụng đường bộ thì không ổn.

Xem ra dự thảo này đã gây “quá tải”cho cả hai phía, nhà nước và người dân. Nghĩ cũng nên căn chỉnh!

Ngọc Hà

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc