​PVFCCo đến với bà con miền núi Quảng Nam

12:11 | 16/05/2016

857 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong chuỗi hoạt động của mình tại Quảng Nam vào tháng 5/2016, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã có 2 buổi hội thảo nhiều ý nghĩa tại các huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My. Với khách mời là các chuyên gia nổi tiếng và giàu kinh nghiệm, với thương hiệu “Đạm Phú Mỹ” đã khẳng định được vị thế dẫn đầu trong ngành phân bón Việt Nam; PVFCCo thực sự đã khai mở những ý tưởng mới về cách chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cho bà con 2 huyện miền núi nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam này.

Hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My là những huyện có nhiều lợi thế về phát triển cây dược liệu đặc thù như quế, sâm Ngọc Linh... Ngoài ra còn những cây trồng khác rất phù hợp nhưng bà con ở 2 huyện miền núi này chưa biết cách phát huy lợi thế ấy. Trong chuỗi hội thảo tại Quảng Nam, PVFCCo đã là cầu nối để những tên tuổi nổi tiếng trong ngành nông nghiệp gặp gỡ, giao lưu với bà con. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký các Hội sinh học Việt Nam; Tiến sĩ Trần Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm khảo nghiệp giống, sản phẩm cây trồng Trung ương tại miền Trung... đã có những giải đáp, những định hướng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất hợp lý cho bà con tại 2 huyện miền núi này.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia do PVFCCo mời đến đã định hướng chuyển đổi cho bà con hai huyện miền núi theo hướng ưu tiên phát triển hệ thống cung ứng các cây lâm nghiệp chất lượng cao. Xây dựng quy trình khai thác hợp lý các giống cấy trồng mới như cây song mây, các cây dược liệu và các sản phẩm gỗ có giá trị. Đầu tư mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng và phát triển dịch vụ môi trường rừng.

pvfcco den voi ba con mien nui quang nam
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng chia sẻ với bà con về hướng chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp.

Các chuyên gia cũng định hướng cho bà con huyện Bắc Trà My chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non, xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, vẫn giữ lại một số diện tích trồng cây keo nhưng chuyển giống sang cây keo lai nuôi cấy mô vì có nhiều lợi thế như độ đồng đều cao, có rễ cọc, sạch bệnh, giữ được đặc tính di truyền của bố mẹ, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao hơn rừng trồng bằng hạt từ 1,5 đến 2 lần. Đặc biệt, đây là cây trồng chuyển dịch cơ cấu từ khai thác cây gỗ non sang khai thác gỗ lớn.

Trước đây, bà con chỉ có thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng một hecta trong chu kỳ 5 năm đối với rừng trồng keo lai hạt. Còn với  cây keo rừng nuôi cấy mô thì thu nhập của bà con sẽ tăng lên, từ 80 đến 90 triệu đồng một hecta trong chu kỳ 5 năm. Ngoài việc cho thu nhập cao hơn, bà con còn có thể trồng xen canh cây keo lai nuôi cấy mô với sắn, đậu, các loại ngô... để nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau 3 đến 5 năm bắt đầu thu hoạch tỉa dần, tỉa thưa gỗ non làm nguyên liệu giấy, để lại những cây sinh trưởng phát triển tốt làm cây gỗ lớn, đảm bảo mật độ 800 đến 1.000 cây trên một hecta.

Ngoài việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các chuyên gia mà PVFCCo mời đến giao lưu với bà con còn cung cấp nhiều kiến thức liên quan biến đổi khí hậu và sự ảnh hưởng của việc này đối với nông nghiệp. “Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Việc này đã làm thu hẹp diệc tích đất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến năng suất và thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng...”, giáo sư Nguyễn Lân Hùng đưa ra quan điểm. Ông cũng cho biết thêm bà con nông dân phải tìm cách “sống chung” với biến đổi khí hậu, cụ thể là hạn hán hoặc ngập lụt chứ không còn cách nào khác. 

“Bên cạnh việc cung ứng bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ chất lượng cao, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí cũng luôn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông nhằm cung cấp thông tin, quy trình canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần cho địa phương và bà con nông dân có những vụ mùa bội thu”, ông Lê Văn Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí cho biết.

pvfcco den voi ba con mien nui quang nam
Ông Lê Văn Quốc Việt, Phó TGĐ PVFCCo trao học bổng cho học sinh nghèo huyện Nam Trà My.

Ngoài việc tổ chức chuỗi hội thảo khuyến nông cho bà con, Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam còn có những việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương. Tại huyện Bắc Trà My, đã có 30 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 900 triệu đồng được trao tặng cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện và 2 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng được trao trực tiếp. Ngoài ra còn có 10.000 cuốn vở và 50 triệu đồng được trao tặng cho quỹ khuyến học huyện.

Tại huyện Nam Trà My, PVFCCo tiếp tục trao tặng 30 căn nhà Đại đoàn kết, mỗi căn giá trị 30 triệu đồng; 100 triệu đồng và 40.000 cuốn vở cho Trường mẫu giáo Trà Len và Quỹ khuyến học huyện Nam Trà My. Tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trong buổi sáng ngày 13/5/2016, PVFCCo triển khai khởi công xây dựng 2 căn nhà cho 2 hộ gia đình đặc biệt khó khăn, hiện đang phải ở nhà tạm. Trước đó, tại hai huyện Tiên Phước và Phú Ninh, PVFCCo cũng đã trao tặng hơn 60 căn nhà Đại đoàn kết và nhà tình nghĩa cùng 20.000 cuốn vở, 100 triệu đồng cho 2 huyện này. 

Nói về những món quà ý nghĩa này, ông Lê Văn Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc PVFCCo tâm sự: “Đây là món quà, là tấm lòng, tình cảm chân thành của người dầu khí dành cho nhân dân hai huyện vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc”.                                                      

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status