PV Shipyard vượt lên thách thức

07:50 | 09/08/2015

5,005 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã để lại một dấu son rực rỡ mang tên Tam Đảo 03. Hiện nay, PV Shipyard đang nỗ lực ngày đêm hoàn thiện giàn khoan tự nâng 120m nước, để một lần nữa khẳng định vị trí đầu đàn trong công nghệ chế tạo giàn khoan ở Việt Nam.  

Thăm công trường chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 thuộc Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) khi công trình giàn khoan tự nâng 120m nước lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được định hình rõ nét.

PV Shipyard vượt lên thách thức

Tam Đảo 05 - công trình giàn khoan tự nâng 120m nước lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được định hình

Kỹ sư Lý Việt Cường cho biết, Tam Ðảo 05 là giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam với tổng khối lượng khoảng 18 nghìn tấn sắt thép, có khả năng khai thác ở độ sâu 120m và khoan với độ sâu 9km. Dự án này có những đặc thù về kết cấu, chẳng hạn: một số thiết bị đơn lẻ nặng đến 90 tấn và khi tổ hợp lại, tổng trọng lượng có thể đến 600 tấn. Ðể thực hiện dự án, công ty phải đầu tư một cẩu trục tự hành có sức nâng 1.100 tấn, lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trên công trường, thường xuyên có 800 kỹ sư, công nhân, khi cao điểm nước rút, có thể huy động đến 3.000 người. PV Shipyard hiện đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu bàn giao cho chủ đầu tư là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vào tháng 6-2016, về đích trước 2 tháng so với kế hoạch.

Giám đốc dự án Đào Đỗ Khiêm khẳng định: “Quá trình triển khai Dự án Tam Đảo 03 giúp PV Shipyard có được một đội ngũ lao động lành nghề, trưởng thành trong thực tiễn, giàu kinh nghiệm. Khi tiếp nhận Dự án Tam Đảo 05, PV Shipyard đã làm chủ được thiết kế chi tiết”. Đây là niềm tự hào vì thiết kế chi tiết là khâu then chốt quyết định sự thành công của dự án. Còn nhớ, tại Dự án Tam Đảo 03 phải thuê 13 chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế chi tiết thì tại Dự án Tam Đảo 05, PV Shipyard chỉ phải thuê 3 chuyên gia.

Nhớ lại khoảng hơn 7 năm về trước, Tam Đảo 03 - giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên ở Việt Nam ra đời. Giàn Tam Đảo 03 như một dấu son khẳng định năng lực thi công cơ khí chính xác của những người thợ dầu khí Việt Nam, chứng minh được khả năng của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề trong nước đã từng bước tiếp cận, làm chủ những công nghệ hiện đại, phức tạp nhất trên thế giới..

Với chuyên môn là chế tạo, sửa chữa, hoán cải các loại giàn khoan biển (giàn khoan tự nâng, giàn bán chìm), tàu khoan và các cấu kiện thượng tầng ngoài khơi, các phương tiện nổi hay tàu chuyên chở dầu... PV Shipyard được trao sứ mệnh “tiên phong” trong công nghệ chế tạo giàn khoan. Vì vậy, Dự án Tam Đảo 03 đã trở thành một mốc son sáng chói trong chặng đường 4 năm phát triển của PV Shipyard kể từ khi thành lập. Thế nhưng, sau thành công rực rỡ ấy, PV Shipyard cũng bắt đầu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là về thị trường. Trong khi một số nước trong khu vực và thế giới đang cạnh tranh nhau khốc liệt thì PV Shipyard chỉ là “lính mới”, chưa có thương hiệu cả về tuổi đời lẫn năng lực tài chính. Vì vậy, tham gia cuộc cạnh tranh này thực sự không hề đơn giản. Thứ hai, giá dầu trên thế giới vừa qua liên tục giảm, tác động trực tiếp đến các nhà khai thác, buộc họ cũng phải căn cơ ngân sách cho đầu tư đóng mới giàn khoan, như vậy PV Shipyard cũng bị tác động tiêu cực dây chuyền. Hơn nữa, muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực, thì không chỉ về giá, tiến độ, chất lượng mà còn phải cả ở khả năng tài chính.

Trước đây, chủ đầu tư thường trả tiền theo tiến độ công việc cho nên nhà thầu phần nào đỡ lo ngại về nguồn vốn. Nhưng gần đây, dưới sức ép cạnh tranh khốc liệt, vấn đề tài chính bắt đầu trở nên quan trọng. Các dự án, chủ đầu tư thường chỉ tạm ứng khoảng 20%, còn lại nhà thầu phải đối ứng và khi bàn giao công trình mới được thanh toán. Ðơn cử, PV Shipyard đã ký được hợp đồng thực hiện một giàn khoan dầu khí cho đối tác Ấn Ðộ, đối tác đã đồng ý đặt cọc 20% giá trị hợp đồng, nhưng sau gần một năm họ không thu xếp được nguồn vốn, PV Shipyard đành phải hủy bỏ hợp đồng. Hầu hết các ngân hàng trong nước đều buộc doanh nghiệp phải chứng minh được cơ chế hỗ trợ lãi suất mới cho vay. Cộng thêm là những thủ tục phức tạp, cho nên các dự án của PV Shipyard buộc phải vay nước ngoài với lãi suất cao để triển khai kịp tiến độ, vì vậy gánh nặng trả nợ là rất lớn.

Đứng trước hàng loạt khó khăn thách thức này, nắm giữ nguồn vốn đầu tư của các cổ đông, PV Shipyard đã phải chủ động mở rộng các dịch vụ, bước đầu thực hiện các dịch vụ sửa chữa giàn khoan cho các chủ đầu tư nước ngoài như TransOcean, Scorpion Offshore, SeaDrill, PV Drilling, OJSC… để trụ vững trong gần 2 năm trước khi Dự án Tam Đảo 05 được ký kết. Có thể nói, Dự án Tam Đảo 05 là một cơ hội vàng cho PV Shipyard khẳng định một lần nữa vị thế của mình trong lĩnh vực đóng mới sửa chữa phương tiện nổi của Việt Nam.

Theo dự báo, lượng giếng khoan tại thềm lục địa Việt Nam giai đoạn
2012 - 2020 là 615 giếng, trung bình 72,1 giếng khoan/năm tương đương với nhu cầu 16-18 giàn khoan/năm. Hiện PV Drilling sở hữu 3 giàn khoan tự nâng, 1 giàn khoan đất liền và 1 giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm, 6 giàn thuê phục vụ cho công tác khoan tại thềm lục địa Việt Nam và các nước lân cận. Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro cũng có 4 giàn khoan tự nâng. Như vậy, để phục vụ cho hoạt động khoan dầu khí, thị trường Việt Nam trong giai đoạn tới cần bổ sung từ 3 đến 5 giàn khoan tự nâng và 1 giàn nửa nổi nửa chìm. Trong khi đó, công tác đóng mới, sữa chữa, hoán cải giàn khoan hiện mới chỉ có 2 đơn vị PV Shipyard và DQS thực hiện.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khi hằng năm ngành Dầu khí trong nước phải chi một lượng ngoại tệ rất lớn để thuê giàn khoan của nước ngoài, đặc biệt là giàn khoan di động và giàn khoan tự nâng thì việc PV Shipyard tự chế tạo được giàn khoan đã tiết kiệm được nguồn ngoại tệ khá lớn cho đất nước. Chính vì vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ hướng tới việc đầu tư các giàn khoan tự nâng tiếp theo để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước, không phải đi thuê giàn khoan tự nâng của nước ngoài, đồng thời hướng tới mục tiêu cung cấp các dịch vụ sửa chữa, nâng cấp, đóng mới các loại giàn khoan di động cho các công ty dầu khí hoạt động trong thềm lục địa Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn đòi hỏi PV Shipyard mạnh dạn tái cơ cấu, sát nhập với các đơn vị cùng ngành khác để lành mạnh hoá tình hình tài chính, tập trung và sử dụng tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, tránh cạnh tranh nội bộ cũng như tối ưu hoá hồ sơ mời thầu để có thể mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh đối với các nhà thầu quốc tế khác. Bằng những kiến thức, bài học kinh nghiệm đã tích lũy được qua Dự án Tam Đảo 03 đầu tay và hiện tại là Dự án Tam Đảo 05; cùng với đội ngũ nhân lực đã có kinh nghiệm, đã được đào tạo và hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư chuyên sâu cho lĩnh vực đóng giàn khoan, tin rằng sau quá trình tái cơ cấu, PV Shipyard sẽ ngày một vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đủ sức cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Thành công của Dự án đóng mới Giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên ở Việt Nam và Dự án Giàn đầu giếng Mộc Tinh 1 là mốc đánh dấu sự trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ngành cơ khí đất nước. Hai công trình này cũng khẳng định chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam…”.

Nguyên Phương

Năng lượng Mới 446

DMCA.com Protection Status