PV GAS đưa dòng khí đầu tiên vào Tiền Hải - Thái Bình

07:21 | 08/08/2015

9,648 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Ngày 7/8, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tiến hành đón dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi vào Tiền Hải – Thái Bình, thuộc dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106 giai đoạn 1. 

Tham dự sự kiện này, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có đồng chí Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; về phía PV GAS có đồng chí Hồ Tùng Vũ, Phó Tổng giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

PV GAS đưa dòng khí đầu tiên vào Tiền Hải - Thái Bình

Lãnh đạo PVN và PV GAS mở van đầu vào cung cấp khí cho cho Trung tâm phân phối khí Tiền Hải

Cụ thể, vào 9 giờ ngày 7/8, dòng khí đầu tiên được đưa từ giếng khoan đến thiết bị công nghệ trên giàn; 9 giờ 45 dòng khí đã đến trạm van (LFS) với áp suất đầu vào là 0,7 barg; 10 giờ10 dòng khí vào đến Trung tâm phân phối khí Tiền Hải (GDC) với áp suất 1 barg; 10 giờ 40 áp suất đầu vào Trung tâm phân phối khí Tiền Hải là 2 barg; 10h45 Đoàn lãnh đạo PVN và PV GAS cùng các Ban của Tập đoàn đến thăm và động viên đội ngũ CB-CNV thực hiện công tác chạy thử và tiếp nhận vận hành của PV GAS; 10 giờ 50 đồng chí Đinh Văn Sơn, thành viên HĐTV PVN, đồng chí Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PVN, đồng chí Hồ Tùng Vũ, Phó Tổng giám đốc PV GAS đã chính thức mở van đầu vào cung cấp dòng khí đầu tiên cho Trung tâm phân phối khí Tiền Hải đi vào chạy thử thiết bị cho toàn trạm; đến 15 giờ 30 dòng khí đầu tiên đã được đưa lên đuốc đốt và đến 15 giờ 50 đã tiến hành đưa dòng khí sang Trạm phân phối khí thấp áp để sẵn sàng cho việc chạy thử và cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ khí tại Tiền Hải.

Dự án “Hệ thống thu gom khí và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106, giai đoạn 1” là dự án được PVN giao cho PV GAS làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 64,12 triệu USD, Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) làm tổng thầu EPC.

Còn Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải (Thái Bình) đã có lịch sử phát triển 30 năm là KCN đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên (KTN) tại Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Bình, cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam nói riêng. KTN được khai thác từ mỏ Tiền Hải, mỏ D14 và Đồng Quan D, là các mỏ khí trên đất liền, nơi cách đây hơn 30 năm dòng khí đầu tiên của Việt Nam được PVN khai thác. Cho đến nay, nguồn cung cấp KTN cho KCN Tiền Hải đang sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu sử dụng KTN tại đây ngày càng tăng. Trước thực trạng này, một số hộ tiêu thụ KTN hiện nay tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế khác để sản xuất như: than hóa khí, LPG, dầu DO, FO…; các hộ công nghiệp, nghề sử dụng KTN không thể mở rộng sản xuất và số lượng các doanh nghiệp mới không gia tăng vì thiếu nguồn nguyên/nhiên liệu là khí.

PV GAS đưa dòng khí đầu tiên vào Tiền Hải - Thái Bình

Thăm công tác chuẩn bị tại trạm phân phối

Dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 & 106, giai đoạn 1 sẽ là hệ thống chính, quan trọng đưa khí từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào bờ, cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp tại KCN Tiền Hải bằng mạng lưới tuyến ống khí thấp áp, đồng thời cung cấp cho các hộ công nghiệp ở xa bằng phương tiện vận chuyển chuyên dụng với sản phẩm khí thiên nhiên nén (CNG). Cấu hình cơ bản của hệ thống (giai đoạn 1) là đường ống dẫn khí 12’’ từ mỏ Thái Bình đến Trung tâm phân phối khí (GDC) trong KCN Tiền Hải – Thái Bình, bao gồm các hạng mục chính như sau:

Tuyến ống 12” dài 25km, xuất phát từ mỏ Thái Bình (lô 102) đi vào điểm tiếp bờ (LFP) nằm trên Cồn Vành, đến Trạm tiếp bờ (LFS) tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình và đến Trung tâm phân phối khí (GDC) trong khu công nghiệp Tiền Hải. Từ trạm phân phối khí (GDC) có các đường ống nhánh dẫn đến các hộ tiêu thụ công nghiệp trong khu công nghiệp Tiền Hải.

Đường ống được thiết kế có các đầu chờ (tie-in) để kết nối các mỏ trong tương lai (lô 103 & 107) và dự phòng cho phương án nhập LNG qua hệ thống kho nổi.

Giàn khai thác khí Thái Bình: theo kế hoạch phát triển mỏ của chủ mỏ là giàn không người (unman). Phần vật tư thiết bị chính trên giàn bao gồm: hệ thống phóng thoi (Pig launcher), hệ thống bơm chất ức chế chống ăn mòn (Injection Inhibitor), giàn ống đứng (riser) và các phụ kiện.

Trạm tiếp bờ (LFS), bao gồm các thiết bị chính như: Van ngắt tuyến (SDV), hệ thống cáp quang kết nối điều khiển với trung tâm phân phối khí, nhà văn phòng, thiết bị lưu trữ điện (UPS) và hệ thống phụ trợ.

Trung tâm phân phối khí (GDC), có diện tích 5ha, bao gồm các hệ thống công nghệ và thiết bị chính gồm: hệ thống nhận thoi (pig receiver), thiết bị tách 3 pha (Separator), thiết bị tách lọc lỏng (Filter – Separator), bồn chứa condensate và hệ thống xuất lên xe bồn, hệ thống Metering, bình tách condensate/nước, hệ thống điều khiển trung tâm, nhà xưởng, văn phòng và các hệ thống phụ trợ như trạm biến áp 35/0.4 KV, máy phát điện dự phòng, hệ thống xử lý nước nhiễm dầu, hệ thống phòng cháy chữa cháy…

PV GAS đưa dòng khí đầu tiên vào Tiền Hải - Thái Bình

Dòng khí đầu tiên đã được đưa lên đuốc đốt

Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ tiếp nhận khí từ mỏ Thái Bình và phân phối đến hộ tiêu thụ thông qua kênh phân phối khí thấp áp/CNG (được xây dựng song song với dự án) với sản lượng khí ước tính khoảng 566.400 m3/ngày.

Với việc triển khai dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, PVN đã cùng với các đơn vị thành viên đang làm một bước tiến mới trong việc thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong bối cảnh tốc độ phát triển của nền công nghiệp sử dụng khí tại miền Bắc ngày càng gia tăng, trong khi nguồn cung cấp khí trong nước đang dần suy giảm, Dự án được kỳ vọng sẽ có tác dụng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Dự án Hệ thống thu gom khí & phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 & 106, giai đoạn 1cũng đánh dấu sự tiếp tục hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thái Bình và PVN, PV GAS, các đơn vị trong ngành dầu khí.

PV GAS là đơn vị trực thuộc PVN, được giao nhiệm vụ quan trọng làm đầu tàu phát triển ngành công nghiệp Khí tại Việt Nam. Với truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển, PV Gas đã được thử thách và chứng minh năng lực điều hành trong hầu hết các dự án xây dựng các công trình khí của Việt Nam, kể từ các đường ống Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và PM3 – Cà Mau, cho đến các công trình nhà máy chế biến khí Dinh Cố (GPP), hệ thống kho chứa khí có quy mô lớn như: kho cảng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) Thị Vải, hệ thống cung cấp khí thấp áp, nhiều hệ thống kho chứa khác và đặc biệt, kho chứa LPG lạnh đầu tiên có sức chứa lớn nhất Việt Nam đang chuẩn bị đưa vào sử dụng. Các công trình đều áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, trải rộng trên địa bàn cả nước. Qua 20 năm vận hành, tất cả các công trình khí của PV GAS đều chứng tỏ tính bền vững, hợp chuẩn, đảm bảo an toàn, khả năng hoạt động liên tục và bảo vệ môi trường.

PV GAS cũng có kinh nghiệm điều hành thành công và được đánh giá cao trong các dự án thu gom và vận chuyển khí, hiện nay đang tập trung chủ yếu ở miền Nam. Dự án “Hệ thống thu gom khí & phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 & 106, giai đoạn 1” là dự án thu gom khí đầu tiên của PV GAS tại khu vực miền Bắc và là cơ sở cho sự phát triển thị trường khí khu vực miền Bắc, đáp ứng mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khí trên phạm vi cả nước. Với những kết quả đã đạt được và với những kinh nghiệm trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống, PV GAS tự tin sẽ tiếp tục đảm nhiệm thành công vai trò trụ cột, triển khai mở rộng các công trình khí quan trọng ra miền Bắc.

PV

Năng lượng Mới

DMCA.com Protection Status