Phóng vệ tinh Vinasat-2: Việt Nam củng cố chủ quyền không gian

07:03 | 10/05/2012

1,384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo kế hoạch, vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16/5 vệ tinh Vinasat2 sẽ được phóng lên qũy đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 từ bãi phóng Kouru (Guyana Nam Mỹ), nơi đã phóng thành công vệ tinh Vinasat1 ngày 18/4/2008.

>> Việt Nam sẽ phóng vệ tinh Vinasat-2 vào ngày 16/5

* Sự kiện phóng vệ tinh Vinasat-2 sẽ được VNPT truyền hình trực tiếp tại trụ sở VNPT tại Hà Nội

Trung tâm vũ trụ Kourou ở French Guiana (Nam Mỹ), nơi vệ tinh Vinasat-2 sẽ được vận chuyển tới để lắp vào tên lửa Ariane 5 và phóng lên vũ trụ

Việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-2 sẽ tiếp tục tăng cường và hoàn thiện năng lực cơ sở hạ tầng thông tin – truyền thông của Việt Nam, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời cũng khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của quốc gia nói chung và ngành Viễn thông – CNTT Việt Nam nói riêng trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Nỗ lực triển khai dự án

Trong những năm qua, vị trí quỹ đạo được các nước trên thế giới coi như một nguồn tài nguyên quý giá và khan hiếm. Bên cạnh đó, việc phối hợp đàm phán để có thể có vị trí quỹ đạo cho vệ tinh mới là rẩt khó khăn, phức tạp.

Tháng 8/2008, Việt Nam đã đăng ký với Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) thêm ba vị trí quỹ đạo nữa là 107 độ Đông, 126 độ Đông và 131,8 độ Đông và theo quy định đăng ký với ITU thì đến năm 2012, nếu Việt Nam không tiếp tục phóng vệ tinh lên quỹ đạo thì tất cả các vị trí quỹ đạo nêu trên sẽ thuộc về các nước khác. Chính vì vậy ngay từ năm 2009, chỉ 1 năm sau khi vệ tinh Vinasat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, VNPT đã thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi Dự án “Phóng vệ tinh Vinasat-2”.

Tháng 12/2009, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức thông qua và giao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) làm chủ đầu tư. Tháng 5/2010, VNPT chính thức ký hợp đồng gói thầu sản xuất vệ tinh, trạm điều khiển và dịch vụ phóng với nhà thầu Lockheed Martin. Tháng 3/2011, thiết kế chi tiết vệ tinh đã hoàn tất và đến ngày 15/7/2011, nhà thầu đã bắt đầu tổ hợp, lắp ráp vệ tinh.

Quá trình đo thử hệ thống được thực hiện từ tháng 9/2011 và hoàn tất vào tháng 2/2012. Mới đây nhất, ngày 17/3/2012, VNPT cùng Tập đoàn Bảo hiểm Bảo việt và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã ký hợp đồng Bảo hiểm vệ tinh Vinasat-2 với tổng trị giá 4.700 tỉ đồng.

Với tổng mức đầu tư 260-280 triệu USD, Dự án phóng vệ tinh Vinasat-2 nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực; khai thác thiệu quả nguồn tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam đã đăng ký tại vị trí 131,8 độ Đông.

Vinasat-2 sẽ cùng Vinasat-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ; tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia. Đặc biệt, vị trí quỹ đạo của Vinasat-2 rất gần với vị trí của Vinasat-1 (132 độ Đông) nên các ăng-ten thu phát hướng vệ tinh Vinasat-1 có thể hoạt động với Vinasat-2 mà không cần phải chỉnh hướng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Vinasat-2.

Vệ tinh Vinasat-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100 công nghệ hiện đại. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, Vinasat-2 có khả năng phủ sóng tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar. Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương 13 nghìn kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Vinasat-2 có tuổi thọ thiết kế là 15 năm trên quỹ đạo nhưng có thể kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ tối thiểu là 16 năm.

Video clip phóng vệ tinh Vinasat-1

Vinasat-2 sẽ được khai thác thương mại vào giữa tháng 7

Ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết, vệ tinh Vinasat-2 có dung lượng lớn hơn vệ tinh Vinasat-1 nhưng vẫn thuộc loại vệ tinh trung bình do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. VNPT vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ phóng của ArianSpace với tên lửa Arian 5, loại tên lửa có độ tin cậy cao nhất hiện nay để phóng Vinasat-2. Vinasat-2 có nhiều băng KU hơn Vinasat-1 nên đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng do nhu cầu khách hàng trên băng tần Ku cao hơn.

Cùng với quá trình sản xuất và chuẩn bị phóng vệ tinh Vinasat-2, VNPT cũng đã tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh Vinasat-2. Đến nay toàn bộ hệ thống thiết bị tại Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) đã hoàn thành lắp đặt và sẳn sàng để tiếp nhận việc điều khiển vệ tinh.

Ông Thống cũng cho biết thêm, với kinh nghiệm quản lý, vận hành vệ tinh Vinasat-1 trong suốt 4 năm qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của VNPT sẽ làm chủ toàn bộ việc quản lý, khai thác Vinasat-2 bên cạnh sự giúp đỡ ban đầu của tập đoàn Lockheed Martin.

"Dự kiến vệ tinh Vinasat-2 sẽ chính thức được khai thác từ giữa tháng 7/2012. Thời gian thu hồi vốn của Vinasat-2 dự kiến tương tự như Vinasat-1 là khoảng 10-12 năm”, ông Thống cho hay. Với nỗ lực và sự hợp tác chặt chẽ giữa VNPT và các đối tác, Dự án phóng Vệ tinh Vinasat-2 đã được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ.

Văn Dũng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc