Phỏng vấn một cựu tình báo viên CIA

13:23 | 22/03/2017

457 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau khi trang web WikiLeaks tiết lộ 8.000 tài liệu liên quan đến năng lực do thám của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đặc biệt là khả năng “hack” thông tin của CIA từ những thiết bị như điện thoại, tivi… Đài RT của Nga mới đây đã có cuộc phỏng vấn cựu chuyên gia phân tích của CIA, John Kiriakou về vấn đề này.
phong van mot cuu tinh bao vien cia

John Kiriakou là cựu chuyên gia phân tích và hiện là người tố giác CIA. Ông cũng là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách (IPS) và nhà phân tích cho tờ Huffington Post tại Mỹ.

RT: Vụ rò rỉ từ đâu ra? Tại sao nó lại xảy ra?

John Kiriakou (JK): Tôi cho rằng có lẽ nó bắt nguồn từ một nhà thầu phụ hoặc một nhà thầu phụ cũ của CIA. Họ này tin rằng mình có đủ bằng chứng về sự lãng phí, gian lận, lạm dụng và những hoạt động bất hợp pháp của CIA. Cho nên họ muốn tung chúng ra để cảnh báo và gửi những thông tin đó cho WikiLeaks.

RT: CIA đã có những thay đổi như thế nào từ lúc ông rời bỏ công việc ở đó?

JK: Tôi rời Cục tình báo hồi năm 2004 và chính thức nghỉ việc vào năm 2005, và điều tôi muốn nói là tôi đã không còn nhận ra được nơi đó nữa. Khi tôi còn làm việc, nhiệm vụ chỉ đơn giản là tuyển dụng gián điệp, đánh cắp bí mật và phân tích chúng và báo cáo kết quả cho các nhà hoạch định chiến lược để họ có thể đưa ra những chính sách đối ngoại sáng suốt. Còn bây giờ, CIA là một tổ chức bán quân sự, và là tổ chức phụ trách cả về chiến tranh thông tin.

RT: Đây có thực sự là cách phải làm để bảo vệ đất nước?

JK: Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng CIA thực sự cần phải quay trở về với đúng nhiệm vụ và làm đúng công việc mà nó có thể làm tốt nhất, đó là tuyển dụng gián điệp, như tôi đã nói trước đó. Những nhiệm vụ như an ninh mạng hay tình báo mạng là của Cục An ninh Trung ương (NSA) thuộc Bộ quốc phòng, chứ không phải là của CIA. Một trong những điều mà tôi quan tâm nhất là chúng ta hoàn toàn không có gì để đảm bảo là CIA không sử dụng công nghệ của mình để do thám chính công dân Mỹ. Mặc dù CIA đã phủ nhận điều đó nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã nói dối.

RT: Bằng cách này, CIA gần giống như một chính phủ bí mật và có thể tạo áp lực cho ai đó, vu khống một quốc gia nào đó, như trường hợp của Nga. Vậy có cuộc chiến nội bộ nào xảy ra trong cộng đồng tình báo không?

JK: Tôi nghĩ là có. Và nó chỉ mới xảy ra gần đây. Đầu những năm 1990, khi tôi tham gia vào CIA, tôi vẫn chưa có một chút tư tưởng về phương hướng hoặc đảng phái chính trị của những người mà tôi cùng làm việc. Mãi đến sự kiện 11/9, mọi thứ dần liên quan đến chính trị. Sau khi ông Obama làm tổng thống, “mùi” chính trị của CIA càng nặng hơn. Hiện tại, ngoại trừ Giám đốc CIA đương nhiệm thì những quản lý cấp cao còn lại đều là người theo phe ông Barack Obama. Bởi vì có những người đã nhận sự đề bạt của cựu Tổng thống Obama. Tôi nghĩ rằng chuyện này hẳn sẽ là một vấn đề cho tân Tổng thống Donald Trump, như thể nói: "Tôi sẽ chống lại ông". Chúng ta có thể thấy sự phân chia chính trị ngay trong chính cộng đồng tình báo.

H.Phan