Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch di dời các bộ, ngành

08:06 | 21/10/2017

1,116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các bước lập, thẩm định và trình phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/10/2017.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 491/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, việc quy hoạch được xác định là rất cần thiết và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, Bộ Xây dựng đã bố trí sắp xếp được các vị trí và đề xuất danh mục trụ sở của các cơ quan cần di dời.

pho thu tuong yeu cau hoan thien quy hoach di doi cac bo nganh
Trụ sở mới của Bộ Nội vụ tại số 8 phố Tôn Thất Thuyết.

Công tác quy hoạch, đầu tư, sắp xếp… không chỉ đáp ứng, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan, góp phần phục vụ công tác cải cách hành chính được hiệu quả hơn, mà còn là yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị hiện đại, văn minh, phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch 2 khu vực để di dời trụ sở của một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương là khu Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Đồ án quy hoạch của Bộ Xây dựng đã nêu rõ sự cần thiết và yêu cầu khi thực hiện di dời trụ sở các cơ quan bộ, ngành; vị trí di dời, mô hình bố trí công trình, các giải pháp đầu tư; phương án đề xuất nêu trên là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồ án.

Để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tổ chức rà soát hiện trạng việc sử dụng trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội (bao gồm trụ sở làm việc chính và trụ sở của các cơ quan, đơn vị trực thuộc) làm căn cứ xem xét, tính toán tổng thể về nhu cầu đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, đề xuất phương án chung về sử dụng các cơ sở nhà, đất do các cơ quan đang quản lý, sử dụng…; đề xuất phương án cụ thể việc sử dụng diện tích đất tại các vị trí cũ sau khi các cơ quan di dời đến vị trí mới; đề xuất xây dựng quy hoạch đối với các khu đất tại vị trí cũ để có cơ sở xây dựng phương án huy động tài chính từ quỹ đất sau khi di dời.

Khu vực quy hoạch trụ sở mới phải được kết nối thuận lợi với khu trung tâm các cơ quan của Đảng, Nhà nước để đảm bảo sự phù hợp trong hoạt động, sử dụng và giao dịch; kết nối hạ tầng, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại, có quy mô phù hợp và tiết kiệm; nghiên cứu bố trí quỹ đất dự trữ phát triển, thiết kế công trình theo tiêu chí kiến trúc xanh, đáp ứng điều kiện về môi trường.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các bước lập, thẩm định và trình phê duyệt Đồ án quy hoạch theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2017.

Trao đổi với phóng viên PetroTimes, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, vấn đề quy hoạch xây dựng trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đã có trong quy hoạch và được Thủ tướng phê duyệt.

"Theo tôi, đã có quy hoạch rồi thì cứ làm, việc di dời có lý có tình, chỉ có điều là di dời thế nào? Vị trí trụ sở mới ở đâu? Diện tích đất được thu hồi sẽ sử dụng như thế nào, có phục vụ chung cho đất nước tốt hơn hay không? Trên thực tế một loạt bộ đã di dời rồi, như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an…" - ông Hùng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Cũng theo ông Hùng, vấn đề ở đây là diện tích đất cũ sau khi di dời các trụ sở được sử dụng vào mục đích gì? Đây là vấn đề được Thủ tướng yêu cầu phải rõ ràng.

Mục đích của việc di dời là để tránh tập trung các cơ quan đầu não ở trung tâm gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng giao thông. Nếu sau khi di dời, khu đất cũ lại phê duyệt cho xây dựng nhà ở thì không ổn vì chắc chắn gây ách tắc thêm. Vì vậy, trong thành phố đang thiếu trường học, thiếu sân chơi cho trẻ em, vườn hoa... nên xây dựng các công trình công cộng thì có lẽ người dân đồng tình, còn nếu nhồi nhét hàng loạt các công trình trung tâm thương mại, nhà ở thì chắc chắn người dân phản đối ngay.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ đã di dời đến trụ sở mới từ năm 2010-2012. Trụ sở cũ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (số 83 Nguyễn Chí Thanh) hiện là cơ quan của Tổng cục Biển và Hải đảo, Cục Viễn thám quốc gia. Trụ sở cũ của Bộ Nội vụ (số 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm) hiện là Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường được khởi công xây dựng từ ngày 10/2/2009 trên diện tích đất rộng 1,38 ha, quy mô 18 tầng với tổng mức đầu tư là 327 tỷ đồng và đã được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2012.

Dự án xây dựng trụ sở làm việc cơ quan Thanh tra Chính phủ tại Lô D29, Khu đô thị mới Cầu giấy - Hà Nội, có tổng mức đầu tư 215 tỷ đồng, trên diện tích 2567m2, với quy mô 1 khối nhà 9 tầng và 1 khối nhà 3 tầng, được đưa vào sử dụng vào tháng 12/2010. Trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ (số 220 Đội Cấn) hiện là cơ quan của Tạp chí Thanh tra Chính phủ.

T.Minh - X.Hinh