Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Hạn chế nhập khẩu, cân bằng năng lượng

03:42 | 08/12/2011

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 7/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011, mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu năm 2012 và 5 năm 2011 – 2015 của ngành Công Thương.

Thay đổi tư duy sử dụng hàng hóa

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thay mặt Bộ Công Thương báo cáo tình hình kinh tế giai đoạn 2006 – 2010, những nhiệm vụ và kết quả đã thực hiện trong năm 2011 và kế hoạch sản xuất công nghiệp, thương mại 5 năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo.

Trong giai đoạn 2006 – 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 751,7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu 343 tỉ USD, nhập khẩu 407,7 tỉ USD, nhập siêu 64,7 tỉ USD. Trong 2 năm 2009, 2010, nhập siêu bắt đầu giảm dần; tỉ lệ nhập siêu/xuất nhập khẩu giảm từ 28,8% xuống còn 17,5% trong năm 2010.

Trong năm nay, kế hoạch xuất khẩu sẽ đạt mức 96 tỉ USD, nhập khẩu 106 tỉ USD. Bộ Công Thương dự tính, nếu tốc độ phát triển GDP bình quân 6,5 – 7%/năm, thì đến năm 2015, kế hoạch xuất khẩu đạt 133 tỉ USD sẽ sớm hoàn thành. Trong khi nhập khẩu vẫn cao hơn so với xuất khẩu, dự kiến là 146 tỉ USD.

Phát biểu về tình hình xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó chủ chốt là Bộ Công Thương xem xét mở rộng các thị trường mới để kích thích sản xuất trong nước, từ đó đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Muốn san bằng cán cân xuất nhập khẩu thì cần thay đổi tư duy sử dụng hàng hóa của cả xã hội”. Người dân vẫn có thói quen sử dụng một số hàng hóa ngoại nhập trong khi cùng sản phẩm ấy, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất và phân phối rộng rãi trên thị trường.

Buổi làm việc có sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước.

Ông Lê Tiến Trường – Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết năm 2011 Vinatex xuất khẩu đạt trên 15 tỉ USD và xuất siêu đến 6,1 tỉ USD. Vinatex nằm trong tốp đầu các tập đoàn kinh tế nhà nước xuất siêu. Tuy nhiên câu chuyện nhập khẩu của tập đoàn này vẫn chưa có lời giải. Năm nay, Vinatex nhập đến 6,2 tỉ USD vải nguyên liệu. Những năm trước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực sản xuất sợi nên Vinatex giảm bớt lượng hàng nhập khẩu nhưng dần dần các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác nên Vinatex phải đi lại con đường cũ là nhập nguyên liệu vải để về gia công. Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho ra lò những mẻ xơ sợi đầu tiên đã giúp Vinatex tiết kiệm được 400 triệu USD nhập khẩu vải nguyên liệu. Như vậy bài toán nhập khẩu nguyên, nhiên, phụ liệu ở các tập đoàn sẽ được giải quyết tốt một khi các tập đoàn phối hợp với nhau để cùng sản xuất nguyên liệu đầu vào, thay thế nhập khẩu.

Trong báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, xuất khẩu khoáng sản đã giảm từ 23,2% xuống còn 8,5% (2010). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị Bộ Công Thương và kiến nghị với Chính phủ cần hạn chế hơn nữa xuất khẩu khoáng sản ở dạng thô. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ cùng các bộ ngành liên quan họp bàn và ban hành các thông tư hướng dẫn, chỉ thị để hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên của đất nước.

Cũng liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh dẫn ra một thực trạng là vấn đề tạm nhập tái xuất vẫn đang tồn tại. Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ quản lý chặt giấy phép, không khuyến khích việc tạm nhập tái xuất. Bà Minh còn kiến nghị với Chính phủ không cho phép hoặc hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng như thuốc lá, rượu bia… tiến tới cấm nhập những mặt hàng đặc thù như ắc quy chì.

Giải pháp cho bài toán giảm nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng vấn đề là các doanh nghiệp cần phải đổi mới khoa học, công nghệ, thiết bị máy móc. Các bộ, ngành phải gây sức ép cho doanh nghiệp bằng tư duy thị trường hàng hóa và dịch vụ để doanh nghiệp hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, từ đó sẽ giảm nhập những mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu mà trong nước có khả năng sản xuất. Đồng tình với Thứ trưởng Chu Ngọc Anh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng đây là bước đi lâu dài và hiệu quả để doanh nghiệp Việt vươn ra tầm thế giới mà không bị lép vế.

Phải cân bằng năng lượng

Phó tổng giám đốc PVN Vũ Quang Nam báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Trong cuộc họp này còn có sự tham gia của lãnh đạo 3 tập đoàn lớn đang nắm giữ các nguồn năng lượng của đất nước, gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Về hoạt động dầu khí giai đoạn 2006 – 2010, gia tăng trữ lượng đạt 333 triệu tấn quy dầu. Có 17 phát hiện dầu khí mới, trong đó có 5 phát hiện ở nước ngoài. Đưa 14 mỏ mới vào khai thác, trong đó có 3 mỏ ở nước ngoài. Tổng sản lượng trong 5 năm qua là 118,24 triệu tấn qui dầu (giai đoạn 2001 – 2005 đạt 11,14 triệu tấn qui dầu).

Ông Vũ Quang Nam – Phó tổng giám đốc PVN cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của PVN trong năm 2011 đã về đích trước hạn 3 tháng, nhiều chỉ tiêu vượt từ 120 – 150% so với kế hoạch như: doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận. Ông Nam cho biết kế hoạch sản xuất kinh doanh của PVN giai đoạn 2011 – 2015 đã được Thủ tướng phê duyệt. Năm tới, PVN sẽ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. PVN sẽ tiếp tục đầu tư ra nước ngoài với sản lượng dầu dự kiến ở nước ngoài trong năm tới là 1,1 triệu tấn. Trong khi đó vẫn đảm bảo khí cho dân sinh và phát điện. Phó tổng giám đốc Vũ Quang Nam đề nghị Bộ Công Thương giúp cơ sở pháp lý cho PVN trong việc sử dụng xăng E5.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh thông báo là tháng 12 này, tổ máy số 4 Nhà máy Thủy điện Sơn La sẽ đi vào hoạt động. Trong năm 2012, dự kiến GDP tăng từ 6,5 – 7% thì ngành điện phải tăng trưởng 11,2%, đạt 121 tỉ kWh. Để chuẩn bị cho việc ổn định lưới điện trong năm 2012, cuối năm nay, EVN đã tích nước cho các hồ thủy điện, đồng thời lên kế hoạch cung ứng khí. Năm 2012, EVN cần 6,6 tỉ m3 khí. EVN đã huy động được 5,71 tỉ m3 như đã cam kết; còn thiếu 0,8 tỉ m3. Để giải quyết việc này, EVN sẽ huy động nguồn điện chạy dầu, khoảng 4,2 tỉ kWh điện sẽ được sản xuất trong năm 2012 từ nguồn dầu.

Trong 5 năm tới, EVN dự tính kinh tế trong nước tăng trưởng ở mức 7% thì nhu cầu điện phải đạt ở hai phương án: 1 là điện tăng trưởng 13%, 2 là điện tăng trưởng 18%. Vấn đề của EVN trong giai đoạn sắp tới được Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh trình bày là vấn đề vốn. 5 năm tới, EVN cần 514.000 tỉ đồng, trong khi khả năng thu xếp vốn chỉ khoảng 298.000 tỉ đồng, còn thiếu hơn 200.000 tỉ đồng.

Năm 2012, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ khai thác khoảng 45 triệu tấn than, xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm để đến năm 2015, TKV chỉ xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn, dồn than tiêu thụ trong nước, tiến tới nhập khẩu than để chạy điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói, năm 2009 đã thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than với sự tham gia của TKV, EVN, PVN. Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ khảo sát, nắm bắt nhu cầu, liên hệ các nhà cung cấp than của Indonesia, Úc để tiến tới nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo tình hình của bộ với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu “3 nhà” điện, dầu, than đang nắm giữ nguồn năng lượng của đất nước phải cân bằng năng lượng trong giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế. 4 hoặc 5 năm nữa, Việt Nam phải nhập khẩu than để chạy nhà máy điện và sử dụng vào công nghiệp. Khối lượng nhập khẩu sẽ tăng dần nên các tập đoàn cần tính toán nhu cầu trong nước để nhập khẩu phù hợp. Tuy Việt Nam có xuất khẩu dầu thô nhưng phải nhập khẩu 2/3 xăng dầu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị PVN cần đẩy nhanh các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn để có thêm sản lượng xăng dầu cho đất nước.

“Nhà đèn” tuy đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dân sinh nhưng cũng chưa làm an lòng nhà đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra bài toán: “Nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỏi chúng ta: Có đủ điện để chúng tôi vào đầu tư hay không?”. Nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của đất nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị 3 tập đoàn phối hợp với nhau chặt chẽ để cùng giải quyết và cân bằng năng lượng.

Đức Chính

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc