Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Dân chưa đồng thuận

13:33 | 15/08/2017

601 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyến phố đi bộ thứ hai của Hà Nội dự kiến khai trương vào ngày 19-8 tại phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ). Tuy nhiên, nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực này chưa hài lòng với cách tổ chức tuyến phố đi bộ này.

Lo ngại có lý

Ngày 8-8, 3 gian hàng thử nghiệm đầu tiên thuộc khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã được dựng lên. Theo quy hoạch, các gian hàng sẽ hoạt động dọc phố Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, cho tới ngày 9-8, việc thi công tại đây đã bị đình lại khi vấp phải sự phản đối của những người dân sinh sống quanh đây.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, phần lớn người dân sinh sống tại tuyến phố mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều bày tỏ sự đồng thuận trước chủ trương của Nhà nước và mong muốn tuyến phố sớm đi vào hoạt động để tạo không gian văn hóa, nghệ thuật cho phường Nhật Tân cũng như quận Tây Hồ.

pho di bo trinh cong son dan chua dong thuan
Toàn cảnh buổi làm việc giữa UBND quận Tây Hồ cùng 300 hộ dân sống tại phố Trịnh Công Sơn và khu vực lân cận

Tuy nhiên, người dân tỏ ra bức xúc và phản đối việc xây dựng những ki-ốt chiếm gần một nửa bề rộng của vỉa hè và không thể di chuyển được.

Trước những phản ánh của người dân, sáng ngày 10-8, đại diện UBND quận Tây Hồ cùng đại diện phường Nhật Tân đã có buổi làm việc với 300 hộ dân sinh sống tại phố Trịnh Công Sơn và khu vực lân cận để giải đáp thắc mắc, tìm giải pháp hợp lý nhất cho đề án phát triển không gian phố đi bộ. Được biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của lãnh đạo phường Nhật Tân và quận Tây Hồ với người dân về đề án tổ chức phố đi bộ này. Bởi trước đó, người dân khu vực xung quanh phố Trịnh Công Sơn chưa hề biết về thông tin tuyến phố đi bộ sẽ được tổ chức và hoạt động ngay tại khu vực sinh sống của mình.

Ngay sau khi có cuộc họp với 300 hộ dân, 3 ki-ốt mẫu đã được tháo dỡ để tránh làm ảnh hưởng tới không gian chung của hồ Tây.

Bà Chu Hồng Thanh, sinh sống trên phố Trịnh Công Sơn cho biết: Các gian hàng được xây dựng cố định sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như không gian văn hóa của phố Trịnh. Bà Thanh kiến nghị, lãnh đạo phường Nhật Tân và quận Tây Hồ cần xem xét lại, thay vì xây 50-60 ki-ốt cố định, thì chỉ nên xây dựng những gian hàng di động, có thể tháo gỡ gọn nhẹ, chỉ sử dụng trong thời gian mở phố đi bộ cuối tuần. Đồng thời, việc tổ chức phố đi bộ cũng cần cẩn trọng, tránh những hệ lụy có thể xảy ra như vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...

Họa sỹ Vi Ngọc Mai - người sống trên phố Trịnh Công Sơn băn khoăn: “Việc đầu tư vào văn hóa, nghệ thuật cần rất nhiều thời gian và trí lực, không thể làm ào ào cho xong. Với không gian hồ Tây, tại sao lại phải đưa ca Huế, rối nước... trong khi khu vực hồ Tây có rất nhiều câu chuyện, sự tích lịch sử... hoàn toàn có thể tận dụng để phát triển về mặt văn hóa, nghệ thuật? Đừng biến không gian quanh hồ Tây trở thành “chợ cóc” hay “nồi lẩu” thập cẩm thiếu chọn lọc!”. Đồng thời, ông Mai cũng mong muốn lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cần nghiên cứu và tạo điều kiện cho người dân tại chính phố Trịnh Công Sơn được vay vốn, chuyển đổi kinh doanh trong những ngày cuối tuần, vừa quảng bá được những sản vật địa phương, gắn liền với hồ Tây, vừa tạo thêm thu nhập cho bà con.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng cho rằng, trước khi tổ chức thực hiện không gian phố đi bộ, các cấp lãnh đạo cần thông báo về quy hoạch tổng thể cho người dân, để người dân nắm được chủ trương; đồng thời cũng tạo điều kiện để người dân đóng góp ý kiến xây dựng phố đi bộ. Đa số ý kiến đồng thuận với quan điểm cần có đại diện của người dân địa phương tham gia ban quản lý phố đi bộ nhằm quản lý khu vực hợp lý nhất.

Lãnh đạo quận Tây Hồ nói gì?

Trước những ý kiến của người dân, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến khẳng định: Đề án tổ chức không gian nghệ thuật - ẩm thực quận Tây Hồ được triển khai từ đầu năm 2016, sau khi được UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến, đến tháng 3-2017 thì giao cho UBND quận Tây Hồ. Hiện, UBND quận Tây Hồ đang gấp rút làm công tác chuẩn bị, đề án đang thực hiện giai đoạn 1 tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn và dự kiến từ tháng 10-2017, tuyến phố sẽ đi vào triển khai chính thức. Trong quá trình xây dựng và phê duyệt đề án, UBND quận Tây Hồ đã giao UBND phường Nhật Tân tuyên truyền về đề án này đến người dân.

pho di bo trinh cong son dan chua dong thuan
Tháo dỡ các ki-ốt mẫu trên phố Trịnh Công Sơn

Ông Khuyến cho biết thêm, 3 gian hàng vừa được dựng lên chỉ là bản mẫu thử nghiệm ngoài thực địa nhằm để khảo sát, lấy ý kiến phản hồi đánh giá từ người dân và các văn nghệ sĩ, chứ chưa phải là bản thiết kế chuẩn của các gian hàng khi tuyến phố đi vào hoạt động. Ngay sau khi có cuộc họp với 300 hộ dân, 3 ki-ốt mẫu đã được tháo dỡ để tránh làm ảnh hưởng tới không gian chung của hồ Tây.

Được biết UBND quận Tây Hồ khẳng định, ban tổ chức phố đi bộ sẽ công khai đường dây nóng để người dân có thể phản ánh bất cứ lúc nào, đồng thời, các hoạt động nghệ thuật, ẩm thực giới thiệu tại phố đi bộ sẽ được chọn lọc, tránh tình trạng xô bồ, “thập cẩm”.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn kéo từ ngõ 612 Lạc Long Quân đến một phần ngõ 431 Âu Cơ, gồm không gian nghệ thuật với sân khấu ngoài trời rộng 2.000m2 gần khu Đầm Sen biểu diễn nhạc Trịnh, múa rối nước, biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như quan họ, dân ca

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng có 50-60 gian hàng mô phỏng kiến trúc truyền thống của phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An được sắp xếp dọc theo phố đi bộ, giới thiệu các mặt hàng đồ lưu niệm, ẩm thực phục vụ du khách. Thời gian tổ chức không gian đi bộ sẽ diễn ra từ 19h30’ các tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc