Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải: Điện góp phần ổn định an ninh biên giới

11:21 | 16/12/2014

1,399 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công nghiệp điện đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La, từ thu ngân sách địa phương đến góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải, việc đưa điện tới những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, ngoài việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn góp phần quan trọng ổn định an ninh nông thôn, an ninh biên giới!

Năng lượng Mới số 383

PV: Xin ông cho biết việc cung ứng điện trên địa bàn tỉnh có tác động như thế nào đến kinh tế - xã hội địa phương?

Ông Bùi Đức Hải: Sơn La là tỉnh miền núi có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm tới 80%. Đồng bào dân tộc thiểu số thì chủ yếu sống ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới với 250km đường biên giới giáp với nước bạn Lào và đây đều là những vùng hết sức khó khăn. Chính vì vậy, đưa điện đến với đồng bào là bước đột phá hết sức quan trọng trong đầu tư kết cấu hạ tầng.

Đối với tỉnh Sơn La, đường giao thông và điện là hai hạ tầng thiết yếu, quan trọng để giúp đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, những hạ tầng này, khi được đưa đến các vùng sâu, vùng xa một cách tương đối đầy đủ thì việc thu hút đầu tư với cả doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh sẽ tốt hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải

PV: Theo ông, ý nghĩa lớn nhất của việc đưa điện đến với đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là gì?

Ông Bùi Đức Hải: Chúng tôi thấy rằng, đối với dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới có ý nghĩa quan trọng. Có điện sẽ giúp cho đồng bào trong việc tổ chức sinh hoạt, tổ chức sản xuất. Đặc biệt, khi có điện, đồng bào sẽ sử dụng, tiếp cận các thiết bị điện như tivi, máy tính, điện thoại, rồi có cơ hội để trao đổi thông tin và sử dụng các thiết bị gia dụng... từ đó nâng cao nhận thức, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và học cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống, từ bỏ tập quán du canh, du cư bởi chắc chắn khi chúng ta đầu tư lưới điện đến các xã bản thì bà con không muốn đi nơi khác nữa. Đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Vấn đề thứ hai nữa, chúng tôi thấy, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, mặt bằng dân trí rất là thấp. Do đó các thế lực thù địch thường lợi dụng để gây rối, chống phá, lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào làm những việc sai trái với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Việc có điện lưới không chỉ tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống mà còn giúp công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và tuyên truyền pháp luật của Nhà nước đối với các vùng này sẽ được tăng cường thường xuyên hơn, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và tạo lòng tin với Đảng, Nhà nước. Từ đó góp phần ổn định an ninh nông thôn, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết với nước bạn Lào.

PV: Được biết, Sơn La hiện vẫn còn hàng chục ngàn hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, vậy xin ông cho biết, kế hoạch cấp điện cho những hộ này sẽ được triển khai như thế nào?

Ông Bùi Đức Hải: Trước hết, với những hộ dân chưa có điện, chúng tôi sẽ cố gắng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án “Cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La”. Dự án này hết 2015 thì kết thúc với mục tiêu cung cấp điện cho khoảng 30.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Sau khi dự án hoàn thành, số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia của Sơn La sẽ chiếm 95% tổng số hộ dân. Còn khả năng có thể kéo điện đến được thì vẫn còn khoảng 20.000 hộ và Sơn La đang xúc tiến cho việc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Hiện Chính phủ cũng đã có chủ trương cho tiếp tục đầu tư đối với số hộ còn lại. Chắc chắn, sau năm 2015, còn 5% số hộ chưa có điện lưới quốc gia sẽ được cung cấp điện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít những hộ ở vùng rất sâu, rất xa, khả năng kéo điện lưới đến là vô cùng khó khăn. Số hộ thuộc diện này chiếm tỷ lệ không lớn, chỉ trên dưới 1%. Với những hộ này sẽ phải sử dụng bằng các nguồn điện khác để cung cấp điện cho đồng bào. Hiện Sơn La đang huy động thử nghiệm một số loại hình như năng lượng mặt trời, điện gió...

PV: Do địa hình phức tạp, nằm xa trung tâm nên việc đưa điện lưới đến các xã vùng sâu, vùng xa là vô cùng nhiều khó khăn, chính quyền sẽ phối hợp như thế nào đối với ngành điện để triển khai?

Ông Bùi Đức Hải: Đúng là việc đưa điện đến nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở, xa xôi và dù có đường thì cũng chỉ đi được mùa khô. Vậy nên, khi tiến hành đưa điện đến những khu vực này, chúng tôi phải tranh thủ mùa khô để thực hiện các gói thầu, còn những nơi dễ dàng hơn thì có thể thực hiện sau.

Thứ hai, trong việc tổ chức đưa đường điện đến với đồng bào các dân tộc, Sơn La đã thành lập ban chỉ đạo bao gồm một đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban, đó là tôi và các ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện được thụ hưởng dự án này. Trong quá trình triển khai thực hiện, những gì vướng mắc, cần hỗ trợ, bên điện lực sẽ có đề xuất để ban chỉ đạo có giải pháp hỗ trợ. Như trong giải phóng mặt bằng chẳng hạn, những năm trước, có trường hợp, trong quá trình tổ chức thực hiện thì có cơn bão gây sạt đường thì chúng tôi phải huy động các lực lượng để khắc phục.

PV: Được biết, việc phát triển lĩnh vực công nghiệp của Sơn La hiện còn rất mỏng, tỉnh đã có giải pháp thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Bùi Đức Hải: Hiện nay đúng là công nghiệp của Sơn La còn rất yếu kém, chủ yếu là công nghiệp điện. Ngoài các thủy điện lớn thì có một loạt các thủy điện nhỏ. Do đó thu nhập từ công nghiệp của chúng tôi chủ yếu là công nghiệp điện. Điện từ Sơn La thì cũng hòa lưới toàn quốc. Còn các ngành công nghiệp khác thì trong nhiệm kỳ vừa rồi, Sơn La đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư.

Tuy nhiên, do địa bàn Sơn La cách xa các vùng thị trường, thu hút đầu tư của tỉnh vẫn còn khó khăn. Nhưng trong thời gian tới, nhờ chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp của Chính phủ, Sơn La với nhiều lợi thế về mảng nông nghiệp, lại đa dạng các sản phẩm, cùng nhiều tiểu vùng khác nhau, việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đối với những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, độc đáo của tỉnh sẽ có cơ hội phát triển. Từ khi Chính phủ có chính sách này, Sơn La đã có thêm 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký vào khoảng 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng, khi phát triển công nghiệp thì tỉ trọng điện cho phát triển công nghiệp sẽ tăng lên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngọc (thực hiện)