Phim Việt hóa vẫn gây “sốt”

06:50 | 12/04/2018

2,225 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau thời gian dài rơi vào tình cảnh ảm đạm, phim truyền hình Việt đang có những “dấu thăng”, thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, những bộ phim gây “sốt” vẫn là các bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài.

Tiếp tục lên sóng

Những ngày cuối năm 2017, Google đã công bố top 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam, trong đó 2 bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” lần lượt đứng ở vị trí số 3 và số 5. Đây là điều không bất ngờ, bởi trong năm 2017, đây là 2 bộ phim gây “sốt” với lượng người xem khá lớn. Điều đáng nói, “Người phán xử” được chuyển thể từ kịch bản của Israel và “Sống chung với mẹ chồng” được phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Giả Hiểu (Trung Quốc).

phim viet hoa van gay sot

Trong khi đó, tại phía Nam, bộ phim “Gia đình là số 1” chuyển thể từ sitcom “High kick” của Hàn Quốc cũng được đông đảo khán giả đón nhận. Đây là bộ phim lên tới 208 tập nhưng chưa từng có dấu hiệu “giảm nhiệt”.

Đầu năm 2018, bộ phim “Cả một đời ân oán” (đồng đạo diễn là NSƯT Vũ Trường Khoa và NSƯT Nguyễn Trọng Trinh) đã ngay lập tức chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Bộ phim quy tụ một dàn diễn viên ưu tú của cả hai miền Nam - Bắc như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Mỹ Uyên, diễn viên Mạnh Trường, Hồng Đăng, Hồng Diễm, Lan Phương... Đây là bộ phim được mua kịch bản và chuyển thể từ bộ phim của Đài Loan từng “làm mưa làm gió” tại châu Á, thậm chí ngay tại quê hương gốc đã có 2 phiên bản là “Cô dâu triệu phú” (năm 2006) và “Cô dâu bạc triệu” (năm 2014).

Như kịch bản gốc, “Cả một đời ân oán” xoay quanh mối quan hệ gia đình phức tạp: vợ cả, vợ lẽ, con chung, con riêng, nhưng đã được chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa của người Việt. Ngoài ra, bộ phim cũng nhận được sự đầu tư khá lớn về công nghệ làm phim như chất lượng hình ảnh 4K, hệ thống thu thanh đồng bộ, bối cảnh, trang phục được chăm chút kỹ lưỡng.

Thành, bại do kịch bản

Không phải tới thời điểm này mới có trào lưu làm phim Việt từ kịch bản nước ngoài. Từ năm 2006 đã có những bộ phim được Việt làm từ kịch bản nước ngoài như “Mùi ngò gai”, “Cô gái xấu xí”, “Cầu vồng tình yêu”, “Ngôi nhà hạnh phúc” (chuyển thể từ “Full House” của Hàn Quốc), “Váy hồng tầng 24” (Việt hóa từ “Unbeatable 1” của Đài Loan), “Những người độc thân vui vẻ” (Việt hóa từ kịch bản gốc Trung Quốc)… Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng thành công và gây được ấn tượng cho khán giả như “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”.

Từ sự thất bại và thành công của những bộ phim Việt kịch bản nước ngoài vừa qua cho thấy một quy tắc: Chỉ có thể sáng tạo một cách thông minh mới mang lại thành công. Từ cốt truyện chính, các nhà biên kịch phải lồng vào đó những câu chuyện của người Việt, suy nghĩ, tính cách của người Việt mới thu hút được khán giả. Sự thành công của phim hoàn toàn phụ thuộc vào tính phát hiện đề tài của nhà sản xuất, khả năng tiếp cận vấn đề của đạo diễn, trình độ diễn xuất của diễn viên và cả yếu tố may mắn.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS), từng đưa ra nhận định tại Telefilm 2017: “Từ 10 năm trước, phim truyền hình phía Nam đã có thời rộ lên phong trào chuyển thể từ kịch bản nước ngoài, nhưng không được đánh giá cao và cũng không mấy thành công. Hầu hết ý kiến vào thời điểm ấy đều cho rằng, kịch bản phim Việt hóa chưa nhuần nhuyễn, không thuần Việt, song tôi lại nghĩ vấn đề là ở tâm lý. Khán giả chưa được chuẩn bị tâm lý để xem một bộ phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài, vì hình thức này còn mới, quá lạ lẫm”.

Có một thực tế, kịch bản của một số tác giả Việt chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả. Chính vì thế, mặc dù số lượng phim tăng nhưng chất lượng chưa tương xứng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khán giả đã không còn quá quan trọng yếu tố Việt hóa, mà quan tâm tới nội dung phim. Vì thế, để biến một kịch bản nước ngoài đã rất ăn khách trở nên thành công trong nước không đơn giản. Đơn cử, “Người phán xử” mất 1 năm để chỉnh sửa kịch bản và Việt hóa 50% nội dung cho phù hợp với khán giả Việt Nam. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), trong buổi ra mắt “Cả một đời ân oán” đã chia sẻ: Quá trình chuyển thể kịch bản để phù hợp với khán giả Việt kéo dài trong gần 4 năm. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình nói: Việc chuyển thể kịch bản nước ngoài rất khó khăn, bởi phải trau chuốt từng ngôn từ cho phù hợp với văn hóa Việt, thế nhưng bộ phim vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi ra mắt.

Ngoài sự xuất hiện của những bộ phim truyền hình được Việt chuyển thể từ kịch bản nước ngoài thì việc làm thêm, làm lại những bộ phim từng ăn khách như “Hoa cỏ may”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Thương nhớ ở ai”, “Tuổi thanh xuân”... cho thấy một thực tế, kịch bản của một số tác giả Việt chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả. Chính vì thế, mặc dù số lượng phim tăng nhưng chất lượng không tương xứng.

Một trong những lý do khiến mảng phim truyền hình Việt Nam thiếu vắng những kịch bản hay là bởi việc đào tạo các nhà biên kịch phim truyền hình chưa chuyên nghiệp. Đa số các đơn vị sản xuất phim đều phải “ăn đong”, cũng như phần lớn lực lượng tác giả kịch bản là nghiệp dư.

Đại diện VFC cho biết, có thể sắp tới sẽ tổ chức phát động thi viết kịch bản phim truyền hình. Ngoài mong muốn có kịch bản chất lượng tốt thì hy vọng tạo được cú hích để có thêm nhiều tác giả mới, chuyên tâm viết kịch bản phim.

K.An