Phim về chiến tranh Việt Nam - “Mỏ vàng” đang bị bỏ lỡ

20:48 | 17/10/2017

3,555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một thị trường đầy tiềm năng đối với điện ảnh, song Việt Nam vẫn chỉ “hút” khách bằng những bộ phim tâm lý tình cảm “dễ nuốt”, còn những tác phẩm về đề tài chiến tranh thì dường như đang bị “bỏ quên”, đặc biệt là các bộ phim về thời hậu chiến. 

“Mỏ vàng” bị quên lãng

Đề tài chiến tranh chưa bao giờ cũ đối với người làm điện ảnh và khán giả, điển hình là tháng 7 vừa qua, “Dunkirk” - bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ II đã có sự ra mắt ấn tượng với doanh thu nội địa 54 triệu USD tuần mở màn và được đánh giá là bộ phim nặng ký cho tượng vàng Oscar.

phim ve chien tranh viet nam mo vang dang bi bo lo
Một cảnh trong bộ phim “Người trở về” - đạo diễn Đặng Thái Huyền

Ngoài “Dunkirk” của Hollywood, gần đây, điện ảnh Hàn Quốc cũng có nhiều bộ phim khai thác đề tài chiến tranh với kinh phí lớn và chất lượng nghệ thuật cao. Có thể nhắc tới “Cờ Thái Cực giương cao”, “71 into the Fire”, “The Admiral” (Đại thủy chiến), “The Front Line” hay gần đây là “The Battleship Island”.

Với điện ảnh Việt Nam, chiến tranh đã từng là đề tài thế mạnh trong giai đoạn 1960-1980 như “Chung một dòng sông” (1959), “Nổi gió” (1966), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972), “Em bé Hà Nội” (1974) hay “Cánh đồng hoang” (1979)… Tuy nhiên, sau những thành công của các bộ phim này, Việt Nam hầu như rất hiếm các tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh hoặc con người thời hậu chiến.

Trong hơn một thập niên qua, điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ và dần trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Nước ta có tới trên dưới 50 dự án phim năm 2017, số lượng cụm rạp liên tục được tăng thêm, khán giả dần hình thành thói quen xem phim ngoài rạp và kỷ lục phòng vé 170 tỉ đồng hiện được nắm giữ bởi một tác phẩm nội. Tuy nhiên, so với sự phát triển như vũ bão này, dòng phim chiến tranh vẫn chỉ được coi như dự án “cúng cụ” phục vụ chính trị nhưng ngân sách có hạn và thường rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, quay xong lại cất kho.

Còn đối với hãng phim tư nhân, phim chiến tranh vẫn chưa thể là lựa chọn hàng đầu để “rót vốn” bởi thiếu thốn kinh phí và nguồn nhân lực. Nhiều nhà sản xuất cho biết, để quay được những cảnh chiến tranh ấn tượng, chi phí có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng. Đạo diễn Bùi Đình Hạc, đạo diễn phim “Hà Nội 12 ngày đêm” cho biết: “Chỉ có 3 phút 38 giây kỹ xảo cảnh máy bay B.52 dàn trận đánh phá Hà Nội đã ngốn hết 620 triệu đồng” (thời điểm năm 2003). Không chỉ tốn kém, các cảnh quay trong phim còn vướng nhiều thủ tục rườm rà, mà ra rạp thì cầm chắc lỗ vốn vì khó có thể cạnh tranh với những bộ phim bom tấn nước ngoài và phim tâm lý, phim hài trong nước.

Tốn kém - khó hấp dẫn

Thế kỷ XXI, số lượng phim về đề tài chiến tranh bị giảm rất nhiều do vướng mắc trong khâu sáng tạo. Năm 2005, bộ phim “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được đánh giá là một trong những bộ phim hay hiếm hoi mang đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam đương đại. Thế nhưng hơn 10 năm qua, đạo diễn cũng không làm thêm một bộ phim nào về đề tài chiến tranh.

Đạo diễn giải thích: “Lý do đơn giản là phim chiến tranh rất tốn kém. Thêm nữa, đề tài đó không có giá trị thương mại. Tại Việt Nam, chiến tranh rất gần, rất đau thương, nhưng liệu giới trẻ - những người bỏ tiền ra mua vé xem phim nhiều nhất - có quan tâm hay không? Chúng ta có thừa thời gian để nhìn về chiến tranh theo cách công bằng hơn kiểu “ta thắng - địch thua” như trong quá khứ. Đó là cái nhìn tuyên truyền, còn khán giả cần góc nhìn nhân văn hơn, công bằng hơn. Chỉ khi đó, các phim chiến tranh của Việt Nam mới có thể chạm tới trái tim của khán giả”.

Đạo diễn - NSND Hải Ninh: Phim chiến tranh phải là tác phẩm nghệ thuật, mang tính văn hóa, nếu chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền thì sẽ hạ thấp tính lịch sử, hạ thấp cuộc sống.

Được mệnh danh là đạo diễn của dòng phim chiến tranh, đạo diễn Đặng Thái Huyền nhận định: “Phim chiến tranh là đề tài mang tính lịch sử, tính xác thực, đôi khi người làm nghề phải chịu sự giằng xé giữa một bên là hiện thực hoặc là thi vị hóa nó. Điều đó đang vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, đặc biệt là trong khâu kiểm duyệt, thông qua hay không thông qua”.

Không chỉ bị bó buộc trong khâu sáng tạo, nhiều bộ phim chiến tranh còn vấp phải trở ngại từ chính sự tiếp nhận của khán giả. Đó là “Ký ức Điện Biên” (2004) của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, chỉ thu về 60 vé sau 3 ngày công chiếu. Hay phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) thậm chí còn không bán được vé nào, cuốn gói sau vài ngày công chiếu. Nếu áp dụng định nghĩa bom tấn - bom xịt vào điện ảnh Việt Nam, thì tất cả các phim chiến tranh ra mắt từ năm 2000 đổ lại đều thuộc dạng “bom xịt”.

Nói về sự thiệt thòi của dòng phim chiến tranh, đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng nhiều khi “áo gấm đi đêm” vì đâu có ai hay biết, truyền thông - báo chí cũng không để ý và hay gọi là phim “cúng cụ”. Nữ đạo diễn chia sẻ: “Ngay như phim “Người trở về”, mặc dù được giải Cánh diều Vàng nhưng khi công chiếu ở rạp trên toàn quốc vẫn rất nhiều người không hề biết, một số người vào xem chỉ vì tò mò, thấy “cũng đông đông”, còn thực ra họ không hề có chủ đích xem phim từ trước”.

Có thể nói, chiến tranh vẫn luôn là đề tài màu mỡ dành cho các nhà sản xuất, đạo diễn trên thế giới và luôn có một vị trí quan trọng, vận động cùng cùng sự phát triển của điện ảnh thế giới. Thế nhưng, hình như điện ảnh Việt Nam vẫn đang bỏ lỡ “mỏ vàng” và thiếu đầu tư với dòng phim vốn đã đem lại rất nhiều giải thưởng quan trọng trong và ngoài nước.

Khánh An