Phim truyền hình Việt Nam: Đang xa rời thực tế

07:00 | 22/04/2018

1,156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”, đến thời điểm này vẫn chưa có bộ phim truyền hình nào đủ sức “hút” khán giả. Nhiều nhà làm phim khẳng định, phim truyền hình Việt Nam đang xa rời thực tế!

Vừa qua, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) thông báo sẽ khởi quay phần ngoại truyện “Người phán xử” bao gồm 4 tập (mỗi tập 30 phút), là “tiền truyện” của đế chế Phan Thị. Ngay lập tức, thông tin này đã được các khán giả mong chờ, bởi trong năm 2017 “Người phán xử” đã trở thành hiện tượng của truyền hình Việt Nam, thu hút lượng khán giả kỷ lục.

“Sống chung với mẹ chồng” cũng là một bộ phim chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng, hút lượng rating cực cao.

Sau thành công của 2 bộ phim này, VFC đã “chiêu đãi” khán giả giờ vàng với hàng loạt phim được thu tiếng đồng bộ, quay với công nghệ 4K như “Thương nhớ ở ai”, “Ngược chiều nước mắt”, “Tình khúc Bạch dương”, “Cả một đời ân oán”… Điểm chung của các bộ phim này nằm ở sự đầu tư kỳ công của nhà sản xuất, quy tụ dàn diễn viên có ngoại hình đẹp và chăm chút từng góc quay, bối cảnh.

dang xa roi thuc te
Một cảnh trong phim “Tình khúc Bạch dương”

Mặc dù vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có tác phẩm nào thực sự ấn tượng và có khả năng “xô đổ” kỷ lục do “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” tạo ra. Thậm chí, nhiều bộ phim còn khiến khán giả cảm thấy vô lý bởi chính bối cảnh và cách diễn xuất của dàn diễn viên.

Được đầu tư bài bản và quảng cáo rầm rộ, cùng kịch bản vốn gây được tiếng vang trong khu vực, song “Cả một đời ân oán” lại không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Kịch bản dù được Việt hóa, song vẫn mang dáng dấp của một bộ phim Đài Loan của nhiều năm trước, những mối tình tay 3, câu chuyện chồng chéo trong gia đình như mẹ chồng - nàng dâu, con chung - con riêng, vợ cả - vợ hai, anh chồng - em dâu, mẹ chồng - dâu cũ - dâu mới… khiến khán giả rơi vào trạng thái “mù mờ” và mệt mỏi. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng, diễn viên đang “tiêu cực hóa” khi con dâu quá nhịn nhục, mẹ chồng lại quá ghê gớm đến vô lý.

Là một bộ phim được đánh giá kỳ công trong quá trình thực hiện, tốn 7 năm trời để khảo sát bối cảnh quay, song “Tình khúc Bạch dương” lại trở thành “bom xịt”. Ngay sau khi lên sóng, “Tình khúc Bạch dương” đã vấp phải sự chê trách của khán giả. Thậm chí, một du học sinh ở Nga đã nhận xét rằng, “với lời đề tặng cho những người học tập ở Nga nhưng bộ phim lại không tìm được những hình ảnh mà tôi đã gặp trong những năm tháng sống ở Nga. Phim không bám sát thực tế cuộc sống người Việt ở Liên Xô thuở trước, khai thác quá nhiều về mặt trái sinh viên đi buôn. Bối cảnh, lời thoại cũng không phù hợp thời đại”.

Nhiều phim quên đi những vấn đề thời sự nóng hổi, nhức nhối của xã hội, khiến khán giả cảm thấy xa rời thực tế, không liên quan gì đến mình. Đây cũng là câu chuyện sống còn của phim truyền hình nói riêng và cả nền điện ảnh nói chung.

Bên cạnh đó, các diễn viên bị đánh giá là “một màu”, đặc biệt là diễn viên, MC Thanh Mai diễn xuất “cứng đờ” khi đảm nhận nhân vật có nội tâm dữ dội, phức tạp như Quyên.

Ngoài ra, có thể kể đến những phim khá lặng lẽ: “Giao mùa” nhạt nhòa về câu chuyện và lồng tiếng cũ kỹ. “Đánh tráo số phận” hư cấu đến độ phi lý…

Trong số những bộ phim được ra mắt gần đây, “Thương nhớ ở ai” là bộ phim giành được nhiều lời khen ngợi nhất. Tuy nhiên, bộ phim vừa “ẵm” 4 giải Cánh diều Vàng cũng không tránh được những “hạt sạn to”. Chính vì thế, bên cạnh những giá trị nhân văn về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa, bộ phim cũng gây ồn ào bởi cảnh nóng “sập giường” của Trà My và Lâm Vissay hay chuyện các diễn viên nữ không mặc áo ngực… vô hình trung khiến bộ phim không thật sự trọn vẹn.

Nhìn lại những bộ phim truyền hình gây được tiếng vang trong thời gian qua, có thể thấy một thực tế rằng, hầu hết các bộ phim “hot” đều có yếu tố nước ngoài, từ kịch bản, bối cảnh… Duy nhất “Thương nhớ ở ai” lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam, song cũng là một phim làm lại của phiên bản điện ảnh trước đó. Điều này cho thấy, phim truyền hình Việt Nam đang gặp khó ở khâu kịch bản - yếu tố quan trọng tạo nên thành công của bộ phim.

Bên cạnh đó, một lý do khác khiến phim truyền hình Việt Nam thời gian gần đây chưa “chạm” tới trái tim khán giả, bởi quá xa rời thực tế. Ở nhiều bộ phim, chúng ta chỉ thấy biệt thự, xe hơi, hồ bơi, sân golf, chân dài, đại gia. Xem phim chỉ thấy cuộc sống xa hoa với những mối quan hệ tình cảm, quan hệ làm ăn của lớp thượng lưu ở Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít trong dân số Việt Nam. Cho nên nhiều khán giả là tầng lớp lao động đã quay lưng lại với những bộ phim xa rời thực tế cuộc sống.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, nhiều phim quên đi những vấn đề thời sự nóng hổi, nhức nhối của xã hội, mà đề cập đến những câu chuyện quá riêng tư, khiến khán giả cảm thấy xa rời thực tế, không liên quan gì đến mình. Đây cũng là câu chuyện sống còn của phim truyền hình nói riêng và cả nền điện ảnh nói chung. Tính định hướng của phim truyền hình hiện nay chưa tốt, thậm chí còn không bằng những năm trước.

“Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” thành công bởi có nhiều chi tiết lạ nhưng thật, khai thác rất sâu tâm lý của nhân vật. Phim truyền hình không phải chỉ là vấn đề công nghệ, quan trọng nhất phải là tình tiết lạ. Rõ ràng cái lạ trong truyền hình là một tiêu chí cần đạt tới, nó bắt buộc các nhà sản xuất không thể đi mãi một con đường. Nhiều phim được đầu tư nhưng vì đi mãi một con đường, không lạ nên ít người xem.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định: “Khi đề cập đến bất cứ đề tài nào, dù riêng tư hay rộng lớn của đời sống, chúng ta phải dụng công nghĩ đến cái mới lạ, để khán giả có thể tìm thấy những số phận không dễ gặp ngoài đời, những điều không thể lý giải được nhưng có thể tìm thấy trong phim. Việc nghiên cứu tâm lý khán giả cũng chưa tốt. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến lượng rating các bộ phim truyền hình vẫn trồi sụt thất thường”.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.