Phim truyền hình đang “hút khách” thế nào?

17:15 | 12/12/2017

1,396 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chiều dài lịch sử phát triển, chưa bao giờ phim truyền hình lại có sức hút lớn và tạo dựng cho mình vị trí quan trọng trong điện ảnh như bây giờ. Điều này có được là do nhà sản xuất đã có sự đầu tư kịch bản, diễn viên và công nghệ làm phim.  

Vượt qua những “định kiến” về phim truyền hình Việt chỉ loanh quanh hình sự, chân dài, đại gia, mối quan hệ tay ba…, kể từ năm 2007, đã có không ít nhà làm phim cố gắng đầu tư từ kịch bản, diễn viên và công nghệ làm phim với các sản phẩm nổi bật như “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, “Zippo, mù tạt và em”, “Khúc hát mặt trời”, “Cầu vồng tình yêu”, “Tuổi thanh xuân”... Và đến năm 2017, “Người phán xử” (đạo diễn: Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng) và “Sống chung với mẹ chồng” (đạo diễn: Vũ Trường Khoa) là hai bộ phim thật sự “gây bão” trên sóng truyền hình với lượng rating cao kỷ lục.

Thừa thắng xông lên, gần đây Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) tiếp tục “gây sốt” với bộ phim khai thác đề tài nông thôn Bắc Bộ - “Thương nhớ ở ai”. Hiện nay, dù không phát sóng khung giờ vàng VTV, nhưng “Thương nhớ ở ai” được đánh giá là một trong những bộ phim “đáng xem”. Bắt đầu lên sóng khung giờ phim của Rubic 8 từ ngày 4-11, theo VTV, trích đoạn phim đăng trên fanpage của bộ phim nhận được sự quan tâm đông đảo người hâm mộ và giới truyền thông. Nhiều người còn kỳ vọng “Thương nhớ ở ai” tiếp tục “gây sốt” như trường hợp của “Người phán xử” hay “Sống chung với mẹ chồng” trước đó.

phim truyen hinh dang hut khach the nao
Một cảnh trong bộ phim “Thương nhớ ở ai” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh)

Chia sẻ về phim truyền hình Việt hiện nay, trong hội thảo “Phim truyền hình Việt Nam: Xu thế và thách thức” tổ chức vào tháng 6-2017, Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC), đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, nhiều năm nay, phim truyền hình Việt ít được đầu tư và đội ngũ làm nghề chưa có sự bứt phá mạnh. Vì vậy về chất lượng, tuy không còn nhiều phim "nhàn nhạt", nhưng vẫn ít phim gây ấn tượng hoặc dám khai thác đề tài mới lạ.

Hiện nay, VFC chủ yếu khai thác kịch bản từ tác giả chuyên nghiệp hoặc do VFC đặt của các nhà văn, nhà báo viết và các cộng tác viên. Ngoài ra, trung tâm bản quyền của Đài Truyền hình đều tham gia các hội chợ và giới thiệu cho VFC. Năm 2017, VFC đã tìm kiếm khoảng 40-60 kịch bản. Trong đó, kịch bản nước ngoài được Việt hóa là 40%, những năm trước tỷ lệ ít hơn. Bên cạnh đó, VFC cũng đặt hàng kịch bản, như phim “Thương nhớ ở ai” là đặt hàng đạo diễn Lưu Trọng Ninh khai thác kịch bản phim truyện nhựa thành phiên bản truyền hình…

Ngoài kịch bản, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng của bộ phim chính là diễn viên. Có thể nhận thấy, cả hai bộ phim “gây sốt” trên sóng truyền hình vừa qua đều có dàn diễn viên chuyên nghiệp, rất phù hợp với vai diễn, trong đó có không ít diễn viên gạo cội, có kinh nghiệm diễn xuất ở cả điện ảnh và sân khấu như NSND Lan Hương, NSND Hoàng Dũng, nghệ sĩ Trung Anh hay dàn diễn viên trẻ có thực lực như Việt Anh, Bảo Thanh, Anh Dũng...

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phim truyền hình, kỹ năng và công nghệ làm phim cũng cần sự đầu tư đáng kể. Trong vài năm trở lại đây, chất lượng phim đã được nâng cao, từ chất lượng SD trước đây, các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim gần đây của VFC còn đạt chất lượng 4K như “Người cộng sự”, “Tuổi thanh xuân”, “Người phán xử”. Ngoài ra, một số phim truyền hình như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” cũng đã tiến hành thu tiếng đồng bộ thay vì lồng tiếng như trước đây, giúp hình ảnh và âm thanh rõ nét, chân thực và gần gũi với khán giả hơn.

Rõ ràng, việc chuyên nghiệp hóa, đầu tư thỏa đáng chính là giải pháp sống còn của phim truyền hình Việt Nam trong thế “cạnh tranh” với phim chiếu rạp. Trong cuộc đua điện ảnh hiện nay, những người giỏi nghề và muốn sống với nghề cần biết cách để tạo ra sân chơi của mình và giữ khán giả của mình chứ không còn chỗ cho những người nghiệp dư, mong muốn đánh lừa khán giả bằng những kịch bản phù phiếm.

Kết quả khảo sát ý kiến của khán giả về lượng người xem và chất lượng phim truyền hình năm 2016 của VFC: Có 42% khán giả xem phim truyền hình thường xuyên. Chủ yếu nằm ở nhóm khán giả trên 50 tuổi (74,5%) và nhóm 40-49 tuổi (50%). Đặc biệt, 51% quan tâm nhất là nội dung phim...

K.An