Phim dán nhãn 18+ dễ bị lợi dụng

21:27 | 04/10/2015

1,123 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 9 lần sửa đổi, Cục Điện ảnh lấy ý kiến sát hạch lần thứ 10 để thông qua tiêu chí phân loại phim theo lứa tuổi lần đầu tiên ở Việt Nam với bốn mức phân loại phim và trong đó có mức cấm khán giả dưới 18 tuổi. Như vậy, đến năm 2016, các nhà làm phim Việt Nam có thể lạc quan vì cánh cửa dành cho việc sáng tạo nghệ thuật đã thực sự được “hé mở”. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần có những “màng lọc” nội dung để tránh việc phim dán nhãn 18+ dễ bị lợi dụng.

PV: Cục Điện ảnh vừa đưa ra Dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam”, trong đó có phụ lục tiêu chí phân loại theo độ tuổi dành cho phim điện ảnh chiếu ngoài rạp. Theo các đạo diễn, việc này có nên không?

Đạo diễn Thanh Vân: Tôi có tham dự Hội thảo góp ý về Dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam” mà Cục Điện ảnh vừa tổ chức thời gian qua. Theo quan điểm cá nhân tôi, việc dán nhãn phân loại phim theo lứa tuổi hoàn toàn hợp lý và cũng đã đến lúc điện ảnh Việt Nam cần có những bộ phim được dán nhãn theo chuẩn quốc tế như vậy. Tôi rất mừng dù việc này lẽ ra phải làm sớm hơn nữa. Các hãng phim, đạo diễn có trong tay văn bản cụ thể, chi tiết này sẽ giải tỏa rất nhiều khi sáng tác.

phim dan nhan 18 de bi loi dung
Đạo diễn Thanh Vân

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Việc dán nhãn và cảnh báo nhằm mục đích để khán giả biết bộ phim như thế nào nên xem. Đó là công bằng cho người làm phim và cả khán giả. Thường thì người ta dán nhãn hạn chế lứa tuổi hay cảnh báo thì họ sẽ không cắt những cảnh có yếu tố đó. Nếu làm đúng thì sẽ có thêm những bộ phim thoáng hơn, điện ảnh chúng ta đa dạng hơn. Và luật điện ảnh gần với các nước hơn, điện ảnh phát triển hơn. Tuy nhiên, phải nói thật là chuyện kiểm duyệt của ta vẫn mang nhiều cảm tính nên không thể chắc chắn việc khi đã dán mác hạn chế tuổi thì phim không còn bị kiểm duyệt gắt gao và không bị yêu cầu cắt.

 PV: Nhưng các nhà làm phim và ngành điện ảnh có sự chuẩn bị gì cho việc này, thưa đạo diễn?

Đạo diễn Thanh Vân: Đúng là từ trước tới nay, điện ảnh nước ta chỉ phân ra 2 loại phim: 1 loại dành cho tất cả mọi người và 1 loại dành cho thiếu nhi. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho việc sản xuất, quảng bá và giới thiệu phim, đặc biệt là các dòng phim nghệ thuật. Tôi đánh giá đây là một “cuộc cách mạng” trong công tác sản xuất và quản lý phim.

Để chuẩn bị cho việc phân loại phim, Cục Điện ảnh cũng đã có thời gian nghiên cứu và xây dựng Dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam” với khá nhiều nội dung và quy định chi tiết về quy cách làm phim, những quy chuẩn về phim cho từng lứa tuổi. Đặc biệt, phần phụ lục của dự thảo cũng đã chỉ ra khá chi tiết những quy định cho từng đối tượng độc giả.

phim dan nhan 18 de bi loi dung
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Nếu chúng ta làm vì nghĩ đến lợi ích chung của ngành điện ảnh thì sẽ tốt thôi. Thực tế thì các đạo diễn Việt cũng có rất nhiều người có tài, quan trọng là môi trường làm việc, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ cho họ như thế nào mà thôi. Và điều tôi luôn muốn nói đến là các nhà quản lý phải có tâm, có tầm. Bởi việc dán nhãn nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thực chất bên trong lại không như vậy. Nếu làm không khéo thì vô tình sẽ trở thành chiêu trò hút khách. Mà bạn biết rồi đó, luật của ta thì nhiều kẻ hở và vốn dĩ không nghiêm, còn người Việt thì lại luôn hành xử cảm tính.

PV: Theo dự thảo, các loại phim C13, C16, C18 có mức độ mô tả bạo lực, tình dục, yếu tố kinh dị, kích thích, gây nghiện và ngôn ngữ tục tĩu phù hợp với lứa tuổi. Theo đạo diễn, quy định này liệu có khiến điện ảnh tràn ngập những bộ phim đầy đủ bạo lực, tình dục…?

Đạo diễn Thanh Vân: Tôi không nghĩ tiêu cực như vậy. Bởi trong dự thảo, Cục Điện ảnh cũng có một phần phụ lục rất dài và chi tiết về quy định cụ thể về những yếu tố như bạo lực, tình dục, yếu tố kinh dị, kích thích, gây nghiện và ngôn ngữ tục tĩu. Hiện, Cục Điện ảnh vẫn đang nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi trước khi chính thức áp dụng.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Bạn quên mất là chúng ta có hội đồng kiểm duyệt sao. Mặt khác, cũng không đơn giản để làm ra những bộ phim như vậy đâu. Thậm chí, còn đòi hỏi đạo diễn có tay nghề rất cao. Lâu nay, chúng ta có quá nhiều quy định khiến nhiều bộ phim cắt đầu, cắt đuôi trở thành người dị dạng, thậm chí phim nhập cũng chịu chung số phận. Vậy nên, tôi rất lạc quan với dự thảo này, bản thân tôi là người làm phim mà cũng mong muốn sẽ được xem những bộ phim với bản hoàn chỉnh.

PV: Vậy thì ngành điện ảnh nên có quy định về cảnh nóng, kinh dị cho từng lứa tuổi thế nào? Bởi điện ảnh Mỹ cũng có bảng quy định hết sức cụ thể về từ ngữ dùng trong phim theo lứa tuổi, kể cả phim 18+.

Đạo diễn Thanh Vân: Việc quy định về yếu tố cảnh nóng, kinh dị cho từng lứa tuổi là cần thiết và cần làm ngay. Tôi cho rằng bảng phân loại phim này nên xuất hiện sớm hơn để giải tỏa cho việc sáng tác của các nhà làm phim. Tôi đồng tình việc học hỏi bảng phân loại của Singapore bởi nó rất khoa học, ngoài ra còn có một số nước cũng có bảng phân loại cụ thể như Mỹ, Anh, Australia.

Bên cạnh đó, về vấn đề quy định cụ thể về những từ ngữ dùng trong phim theo lứa tuổi, Cục Điện ảnh cần có sự phối hợp với những cơ quan có chuyên môn về ngôn ngữ để có được bảng quy chuẩn chi tiết nhất có thể. Như trong hội thảo vừa qua, rất nhiều đạo diễn cũng nêu ý kiến về những ngôn ngữ tục tĩu trong phim, đặc biệt là những bộ phim về đề tài bụi đời hoặc xã hội đen… Một ví dụ rõ nhất là từ “đéo” rất tục tĩu, phản cảm, nhưng trong miền Nam có một từ đồng nghĩa là “đù má” lại không tục tĩu bằng. Vậy cấm những từ nào, cấm thế nào cũng là điều nên cân nhắc để có quy chuẩn cho các đạo diễn có căn cứ dựa vào.

phim dan nhan 18 de bi loi dung
Một cảnh trong phim Bi, đừng sợ

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tôi được biết ở Mỹ họ có hiệp hội phụ huynh để đưa ra khuyến cáo và dán nhãn. Vì họ sẽ biết những gì con họ không nên xem. Nên nhà làm phim, nhà phát hành nếu muốn có rộng đối tượng thì họ sẽ cắt cảnh đó, còn nếu họ thấy đó là tính chất quan trọng của phim thì họ dán nhãn khuyến cáo. Nhưng đó là ở Mỹ, họ có một nền điện ảnh phát triển nhất thế giới,và quan trọng nữa  là nền tảng văn hóa, việc giáo dục của họ cũng khác. Người Việt ta lại hay có tâm lý đám đông và thường tò mò.

Mặt khác phim có những đặc thù riêng, thường là các ranh giới rất mong manh, lại còn phụ thuộc vào cảm nhận của người xem. Chưa kể, đặc thù văn hóa của từng nước cũng không giống nhau nên cá nhân tôi cho rằng chỉ nên tham khảo bảng phân loại các nước và chúng ta nên xây dựng một bảng phân loại phù hợp với con người Việt chứ đừng bắt chước. Quan trọng là chúng ta làm thế nào để việc phân loại trở thành cánh cửa cho các đạo diễn sáng tạo ra nhiều bộ phim hay, xuất sắc chứ đừng để tạo ra một xu hướng ăn theo phim 18+.

phim dan nhan 18 de bi loi dung

Phim Việt chỉ được "nóng" trong 5 giây

Theo Dự thảo phân loại phim để phổ biến theo độ tuổi, cảnh nóng và hình khỏa thân trong phim được “giới hạn” trong 5 giây (5s) và thể hiện không quá 3 lần trong phim 18+.

phim dan nhan 18 de bi loi dung

Mỹ nam xin phép… vợ đóng cảnh “nóng”

Mỹ nam TVB xin phép vợ đóng cảnh nóng với hàng loạt mỹ nhân trong phim 18+ S for Sex, S for Secrets…

phim dan nhan 18 de bi loi dung

Chiếu phim 18+ trên VTV2: Quan trọng là cách làm

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và PGS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã chia sẻ với PetroTimes những ý kiến xung quanh vấn đề VTV2 mở giờ chiếu phim 18+.

PV: Theo đánh giá của đạo diễn việc phân loại liệu có dẫn đến xu hướng các rạp phim sẽ xuất hiện nhan nhãn phim dán nhãn 18+ và loại phim này sẽ trở thành trào lưu của phim Việt?

Đạo diễn Thanh Vân: Tôi không nghĩ đây là cách “mở cửa” cho phim 18+ hay cho nó vị trí gì đó trong làng phim. Bởi việc phân chia cấp độ phim theo lứa tuổi là việc mà thế giới đã làm trước chúng ta từ rất lâu với nhiều nghiên cứu về tâm lý, sinh lý, nhận thức của người xem.

Hiện nay đã có 124 nước áp dụng tiêu chí phân loại phim. Những nền điện ảnh tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ phân loại phim theo độ tuổi người xem chi tiết từ phổ biến rộng rãi, đến 13, 16, 18, 21 tuổi. Họ cân nhắc rất kĩ đến tâm lý lứa tuổi người xem, căn cứ vào đó để nhà sản xuất phim làm ra những sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng.

Tuy nhiên, việc quy định cụ thể những cảnh quay, ngôn ngữ… cho phim 18+ cũng cần phải xem xét lại. Đơn cử như mức độ, thời lượng cảnh “nóng” lẫn hình ảnh khỏa thân được quy định không được dài quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần trong phim. Dưới góc độ người làm phim, quy định 5 giây gây khó cho người làm nghệ thuật. Nếu cảnh phản cảm thì 5 giây là quá dài, nhưng với cảnh mang nhiều ngôn ngữ nghệ thuật, yếu tố thẩm mỹ thì 5 giây lại là quá ngắn. Điện ảnh là nghệ thuật nên không định lượng con số cụ thể như vậy. Có thời gian người Mỹ từng không cho cảnh hôn kéo dài quá 3 giây trên màn ảnh. Các nhà làm phim đã tìm cách lách luật. Như được 2 giây 59 thì hai diễn viên lại tách nhau, nhìn nhau, rồi lại hôn tiếp. Về sau, điện ảnh Mỹ đã phải bỏ quy định “phản nghệ thuật” này”. Bên cạnh đó, việc phân loại phim theo lứa tuổi cũng là cách chúng ta quản lý việc nhập khẩu hay xuất khẩu phim theo quy định quốc tế. Và cũng là động thái giúp chúng ta tránh tình trạng cắt xén phim quá đà như thời gian vừa qua.

phim dan nhan 18 de bi loi dung
Một cảnh trong phim Đập cánh giữa không trung

Còn đối với các đạo diễn, tôi nghĩ cũng sẽ không có těnh trạng quá chú trọng vŕo những yếu tố těnh dục hay kích thích trong những bộ phim 18+. Bởi theo thực tế hiện nay ở những kinh đô điện ảnh lớn, các đạo diễn đã và đang phải sửa chữa, phải cắt cúp, phải điều chỉnh lại phim của mình để mở rộng đối tượng khán giả tới những lứa tuổi 16+, 17+ chứ không chỉ phục vụ riêng cho lứa tuổi 18+.

Tất nhiên, ở nước ta hiện nay đang có tình trạng “càng cấm thì càng cứ”, nhưng theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cần có sự quản lý người xem sát sao hơn, nghiêm túc hơn để việc phân loại phim đạt hiệu quả như mong muốn.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Rõ ràng việc phân loại phim chỉ có 2 cấp độ như trước đây là sợi dây bó tay bó chân các nhà làm phim. Bản thân họ cũng ngại đụng chạm các đề tài nhạy cảm không qua được cánh cửa kiểm duyệt nên gần như không dám làm.  Vậy nên, việc dán nhãn 18+ như một không gian mới cho các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo. Họ sẽ có gan làm những phim nóng, sốc, bạo liệt… để hút khán giả 18 tuổi trở lên, tầm tuổi chiếm tỉ lệ khán giả tới rạp nhiều nhất và ưa thích sự mới mẻ, dữ dội, không bị giới hạn nào cản trở.

Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian có sự kiểm duyệt gắt gao thì cũng không ít phim Việt đã tranh thủ hướng tác phẩm của mình đến những đề tài nhạy cảm. Thậm chí không ít phim còn tranh thủ PR theo hướng vượt quá giới hạn nằm trong phạm quy 18+. Vì thế, một dòng phim 18+ trong tương lai gần như chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề chỉ còn là chúng ta ứng xử với việc này như thế nào khi mà một số lượng lớn khán giả VN ít có sự tự giác tuân theo quy định!

Bạn biết đấy, những năm gần đây, dòng phim khai thác các đề tài theo thị hiếu giải trí của khán giả  như bạo lực, kinh dị, tình dục… như một công thức mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất phim. Và rõ ràng với nhà sản xuất thì lợi nhuận là trên hết, thế nên không có lý do gì để họ bỏ qua miếng mồi ngon dán nhãn 18+ khi mà thị hiếu của khán giả chúng ta cũng đang nằm gọn trong lĩnh vực đó. Câu chuyện của chúng ta ở đây là quy định và luật bởi một khi phim phát hành ra rạp thì khó mà  kiểm soát được độ tuổi khán giả.

Theo tôi thì chắc chắn giai đoạn đầu chúng ta sẽ phải đối phó với không ít khó khăn, nhưng dần dần nó trở thành chuyện bình thường thì sẽ quen đi. Cũng đã đến lúc chính bản thân mỗi người Việt chúng ta phải tự học cách biết đọc, biết xem có chọn lọc…

PV: Theo anh thì chúng ta phải làm thế nào để khán giả tỉnh táo khi lựa chọn phim và tránh được tình trạng “cấm giả - xem thật?”

Đạo diễn Thanh Vân: Không thể phủ nhận tình trạng này chắc chắn sẽ xảy ra bởi chúng ta ai ai cũng có tính tò mò và hiếu kỳ. Cái gì càng cấm thì càng muốn xem, càng muốn biết, phim nào càng dán nhãn 18+ thì lại càng thu hút người xem. Nhưng tất cả tình trạng này sẽ chỉ diễn ra ở giai đoạn đầu khi chúng ta mới áp dụng hình thức dán nhãn phim theo lứa tuổi, vì thế tôi nghĩ chúng ta đừng nên quá bi quan. Bởi sau những tò mò ban đầu, khán giả của chúng ta sẽ tuân thủ theo đúng những nhãn phim theo lứa tuổi. Đối với khán giả xem phim chiếu rạp, việc kiểm soát lứa tuổi thông qua chứng minh thư nhân dân cũng là một căn cứ thiết thực để phân loại tùy theo từng bộ phim.

Còn về tình trạng băng đĩa lậu tràn lan, đây không phải là thực trạng riêng nước ta phải đối mặt, mà nhiều quốc gia lớn trên thế giới cũng đang tìm cách đối phó. Như trường hợp của Mỹ, hiện nay nước này cũng đang đau đầu với sự tràn lan của băng đĩa lậu nguồn gốc từ Trung Quốc, khiến việc quản lý người xem khó khăn. Tuy nhiên, việc của Cục Điện ảnh bây giờ là phối hợp chặt chẽ với những cơ quan có thẩm quyền như Sở Văn hóa, lực lượng Công an… để siết chặt việc in sao, phân phối băng đĩa trên thị trường để tránh những tình huống đáng tiếc.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Việc thực hiện khuyến cáo để không xem thường phải do ý thức cá nhân. Ví dụ khi 1 đứa trẻ dưới 16 tuổi thấy dán mác 16+ thì phải hiểu phim không dành cho mình, phải hỏi phụ huynh. Đó là giáo dục trong gia đình, nhà trường.

Thực ra, nếu để lo lắng thì chúng ta có rất nhiều nỗi lo, nhưng không thể để nỗi lo, nỗi sợ khiến chúng ta không làm những việc đúng với tiến trình phát triển. Khán giả Việt có thể họ cũng là những người thông minh, không dễ đánh lừa như chúng ta nghĩ. Việc ra rạp thất bại của không ít phim Việt cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà làm phim. Ngay mới năm ngoái thôi, phim được cho là có nhiều cảnh nóng nhất trong số các phim Việt cũng thất bại thảm hại khi ra rạp đấy thôi.

Vậy nên, cá nhân tôi nghĩ, việc phân loại chỉ để giúp cho thị trường phim Việt khởi sắc hơn, có những bộ phim đời hơn, hay hơn chứ không phải là cơ hội để cho những nhà làm phim lợi dụng cái mác dán nhãn 18+ để kiếm tiền.

PV: Xin cảm ơn đạo diễn!

Cục Điện ảnh vừa tổ chức một hội thảo để sát hạch lần cuối Dự thảo "Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam", trong đó có phụ lục tiêu chí phân loại theo độ tuổi dành cho phim điện ảnh chiếu ngoài rạp. Hóa ra, bảng tiêu chí đã được xây dựng trong 2 năm và qua 10 lần sửa đổi sau khi lấy ý kiến của công chúng và các ban, ngành qua phương tiện truyền thông đại chúng. Dự thảo mới giới thiệu gồm 4 cấp độ: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, kinh dị, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ… có trong phim.

Trong dự thảo, cảnh khỏa thân, tình dục ở cấp độ 18+ được quy định: “Cảnh khỏa thân toàn phần phải phù hợp với nội dung phim, không cận cảnh bộ phận sinh dục, không diễn ra thường xuyên (cảnh được miêu tả không quá 3 lần) và không kéo dài thời lượng (không vượt quá 5 giây)”. Không được có cảnh mô phỏng hoạt động tình dục trái tự nhiên như quan hệ với trẻ em, loạn luân hay cảnh khuyến khích sử dụng ma túy và các chất gây nghiện…

Các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm. Ngôn ngữ nhạy cảm về văn hóa như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện.

 

Thái Linh - Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.