Philippines mở mặt trận mới chống Trung Quốc

22:16 | 11/10/2015

2,648 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lúc vẫn đang theo kiện Trung Quốc tại Tòa án Liên Hiệp Quốc, cũng như đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, Philippines vừa mở một mặt trận mới chống Bắc Kinh bằng việc đâm đơn kiện Trung Quốc hủy diệt tài nguyên ở Biển Đông. 
tin nhap 20151011221141
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép đang hủy hoại môi trường Biển Đông

Mới đây, MARCHA, một tổ chức phi chính phủ tại Philippines, do Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh của chính phủ Philippines làm chủ tịch, đã gửi đơn lên Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) để kiện Trung Quốc đã hủy hoại môi trường ở Biển Đông

MARCHA tố cáo việc Trung Quốc bồi đắp các bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo đã hủy diệt các rạn san hô và vì vậy đã hủy diệt các nguồn lợi tự nhiên ở Biển Đông, vốn là nguồn sống của khoảng 300 triệu người.

“Chúng tôi không thể chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng hành động này không phá hoại môi trường sinh thái Biển Đông. Trung Quốc thực hiện hành động này một cách đơn phương, không quan tâm đến nhân dân các nước ven biển đã sống dựa vào biển từ nhiều thế hệ qua” – đơn kiện nêu rõ.

MARCHA yêu cầu UNEP điều tra và nhanh chóng có các hành động thích đáng đối với Trung Quốc theo đúng Công ước về đánh cá và bảo tồn các tài nguyên sinh vật biển. Theo MARCHA, hành động của Trung Quốc tại biển Đông còn vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận “bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên biển cho sự phát triển bền vững” vốn đã được xem là một trong những mục tiêu phát triển bền vững nhằm giảm nghèo đói của cộng đồng quốc tế.

Hồi đầu tháng 10/2015, một số nhà khoa học cảnh báo, không chỉ gây bất ổn, Trung Quốc còn đang hủy diệt Biển Đông. Việc bồi đắp các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo để thiết lập chuỗi căn cứ quân sự nhằm khống chế Biển Đông đã hủy diệt hệ sinh thái đa dạng của biển Đông.

Căn cứ vào các không ảnh chụp bốn hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp từ bốn bãi đá ngầm là: Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn, Subi, một số chuyên gia về hải dương của Anh nhận định, Trung Quốc đã hủy diệt những rặng san hô đa dạng nhất về hệ sinh thái trên thế giới.

Tờ The Guardian của Anh, dẫn ý kiến của ông John McManus, một chuyên gia về sinh thái biển, đang là giáo sư tại đại học Miami, cho rằng, chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại xảy ra tình trạng hàng ngàn mẫu vuông rặng san hô bị phá hủy nhanh đến như vậy.

Việc hủy diệt các rặng san hô tại Biển Đông để tạo ra các đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự không chỉ gây tổn hại cho sự đa dạng sinh thái trên trái đất mà còn đe dọa một trong những mỏ cá lớn nhất trên thế giới.

Giới khoa học từng ước đoán, cá ở Biển Đông chiếm khoảng 10% trữ lượng trên toàn cầu. Sở dĩ cá ở Biển Đông nhiều vì chúng có các rặng san hô để trú ẩn trong chu kỳ sinh sản. Phá hủy các rặng san hô sẽ làm giảm lượng cá.

Terry Hughes, một chuyên gia về san hô, nhận định, tại khu vực quần đảo Trường Sa, số bãi đá bị tổn hại nghiêm trọng về sinh thái là hơn 20 chứ không không chỉ có bốn. Cũng vì vậy, tương lai của ngành ngư nghiệp trong toàn khu vực đang bị đe dọa.

Chưa kể các không ảnh chụp bãi đá Subi - nơi Trung Quốc đã bồi đắp xong và đang chuẩn bị xây sân bay quân sự thứ ba - cho thấy, việc tạo ra đảo nhân tạo trên rìa các rặng cạn vốn được phủ kín bằng trầm tích sẽ biến vùng nước sạch thành bùn và sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn với quy mô chưa từng có cho môi trường.

Gạt yếu tố tranh chấp chủ quyền sang một bên, ông Reef Johnson nói rằng, việc phá hủy các rặng san hô ở Biển Đông sẽ tác động đến việc làm, văn hóa, dinh dưỡng, kinh tế và hòa bình đối với tất cả các quốc gia ở ven Biển Đông.

Hồi giữa tháng 5/2015, tạp chí Foreign Policy một của Mỹ cũng đã từng dẫn ý kiến của nhiều nhà khoa học, phát ra những cảnh báo tương tự.

Lúc đó, Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên Cứu Philippines, cho biết, khu vực quần đảo Trường Sa là một trong những nơi tập trung nhiều rặng san hô nhất Đông Nam Á. Những rặng san hô này là nhà của vô số loài cá, song vùng biển quanh các đảo nhân tạo của của Trung Quốc giờ đã là vùng chết.

Trò chuyện với Foreign Policy, đại diện Cơ quan Quản lý đại dương (SOA) của Trung Quốc, tuyên bố, “mục đích tối thượng” của Trung Quốc tại Biển Đông là “phát triển một nền kinh tế biển bền vững.” Tuy nhiên khi bị chất vấn tại sao lại bồi đắp các đảo nhân tạo, hủy diệt các rặng san hô thì đại diện SOA không trả lời.

Trước đó, các chuyên gia Trung Quốc từng loan báo, trong 30 năm gần đây, các rặng san hô dọc bờ biển Trung Quốc đã giảm khoảng 80%. Ở Biển Đông, so với cách nay 15 năm, diện tích san hô cũng đã giảm từ 60% xuống 20%.

Ông Golez tin tưởng LHQ và UNEP sẽ đồng ý với MARCHA rằng các hoạt động của Trung Quốc là "vi phạm trực tiếp và phá hoại Mục tiêu Phát triển bền vững mà đã được phê duyệt" và xem xét đề nghị của tổ chức phi chính phủ này.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AP, BBC, AFP)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc