Phía sau những công trình thủy điện

08:00 | 06/06/2015

1,072 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử 60 năm của ngành điện, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều gắn với một công trình thủy điện. Và đằng sau những công trình ấy luôn có hình ảnh của những lính thủy điện. Họ sẵn sàng rời xa gia đình, bạn bè, người thân, giữa cái nhộn nhịp chốn thị thành để đến những nơi “thâm sơn cùng cốc”, sống cảnh cô đơn, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài để làm nên những nhà máy thủy điện và cho dòng điện tỏa sáng.

Năng lượng Mới số 428

Ghi ở Thủy điện Trung Sơn

Dự án Thủy điện Trung Sơn nằm ở xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa). Đây là khu vực nằm ở thượng nguồn sông Mã, phía tây tỉnh Thanh Hóa. Đồng bào sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái. Trước năm 2007, xã Trung Sơn nằm gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, chỉ biết trông vào việc trồng luồng, và cũng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện đi nương làm rẫy. Giao thương với bên ngoài hầu như không có, cuộc sống tự cung tự cấp vì thế thiếu thốn đủ bề. Đã vậy, Trung Sơn ngày đó lại có nạn nghiện. Nghèo khó, nghiện ngập cộng với sự biệt lập, xa xôi, cách trở khiến Trung Sơn trở thành mảnh đất đầy ám ảnh, lo sợ với bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến đây.

Phía sau những công trình thủy điện

Anh Nguyễn Viết Cường

Tuy nhiên, đến năm 2007, những cán bộ đầu tiên của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn - chủ đầu tư Dự án Thủy điện Trung Sơn - đã đặt chân tới mảnh đất này. Nhiệm vụ của họ là quan trắc, khảo sát, rồi sau đó lập sơ đồ, thiết kế bản vẽ kỹ thuật xây dựng Nhà máy Thủy điện Trung Sơn. Bên cạnh nhiệm vụ đó, một số cán bộ của công ty cũng được cử lên đây để tiến hành tham vấn chính quyền, người dân với mục đích chính là tranh thủ sự ủng hộ tối đa từ địa phương khi dự án được triển khai.

Nhớ lại quãng thời gian này, anh Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn vẫn nhớ như in cái cảm giác rờn rợn, hoang mang, lo lắng ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này. Theo lời anh, tôi được biết, anh quê ở Nghệ An. Tốt nghiệp đại học năm 2006 và được nhận vào làm việc tại Ban Quản lý các dự án điện miền Trung (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Vào làm việc được 6 tháng, anh nhận được lệnh của lãnh đạo lên Thủy điện Trung Sơn nhận nhiệm vụ. Thời điểm đó, không chỉ với anh mà còn rất nhiều anh em khác, cái tên Trung Sơn vô cùng xa lạ. Nó gần như không có một chút ấn tượng nào trong suy nghĩ của anh và gia đình.

Nghe chuyện, gia đình, bạn bè và đặc biệt là người yêu của anh ai nấy đều lo lắng, bày tỏ không đồng tình. Tuy nhiên, với suy nghĩ, mình còn trẻ, cần phải phấn đấu, xông pha vào những nơi khó khăn, thử thách thì mới mau chóng trưởng thành, anh đã vận động gia đình và đặc biệt là người yêu từ thuở học đại học ủng hộ và tạo điều kiện để anh đến với Trung Sơn. Và từ đó đến nay đã gần 8 năm, có rất nhiều thứ đã thay đổi ở mảnh đất Trung Sơn, cái cảnh nghèo khó, nạn nghiện hút đã không còn, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, đầy đủ hơn, rồi thì anh Chinh cũng đã có gia đình, được làm bố... nhưng cái khát vọng, cái tinh thần xông pha của tuổi trẻ ngày nào vẫn không hề thay đổi. Thậm chí, cái tinh thần ấy đang rực cháy, trở thành ngọn lửa khát vọng để anh truyền nhiệt huyết cho những người lính thủy điện trẻ ở Trung Sơn.

Có dịp ngồi tâm sự cùng anh, khi tôi hỏi: “Anh có hối tiếc vì quyết định lên Trung Sơn không?”, anh trả lời dứt khoát một câu: “Không”. Rồi khi tôi hỏi: “Anh có thấy buồn, thấy cô đơn không?”, giọng anh trầm xuống đôi chút rồi nói: “Kể ra nhiều khi cũng thấy buồn, thấy tủi, nhớ gia đình, vợ con nhiều lắm. Nhưng vì nhiệm vụ, vì công việc và cũng là vì trách nhiệm mới chính bản thân, với đồng nghiệp nên lại phải nén lòng, kiềm chế cảm xúc”.

Phía sau những công trình thủy điện

Thi công khoang đặt tổ máy ở Thủy điện Trung Sơn

Giữ nhịp Nậm Cắt

Trong số các dự án điện của ngành Dầu khí, Nậm Cắt có lẽ là công trình chứa đựng nhiều biến cố, thăng trầm nhất. Nhà máy được đặt tại xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) - một trong những xã nghèo, khó khăn nhất cả nước. Với công suất chỉ 3,2MW nhưng Nậm Cắt lại đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Nhà máy đã đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêu thụ điện và góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp của tỉnh năm 2014 tăng trưởng tới 19%. Với riêng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Nậm Cắt cũng là nhà máy thủy điện hoàn thành sớm nhất kế hoạch được giao năm 2014 và nếu tính đến hết năm thì cũng vượt chỉ tiêu nhiều nhất.

Cuối tháng 4 vừa rồi, có dịp lên Bắc Kạn, vào thăm Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt và trò chuyện cùng cán bộ, công nhân viên ở đây, tôi mới thấy rằng, phía sau những kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực, hy sinh rất nhiều của những người lính thủy điện. Anh Nguyễn Viết Cường - Quản đốc Phân xưởng Vận hành nhà máy kể: Có những thời điểm, do yêu cầu của công việc, 4-5 tháng liền anh không về thăm nhà. Mọi thông tin về gia đình, bạn bè, anh chỉ biết qua điện thoại. Nhiều khi gọi điện về nhà, nghe con gọi “ba” mà thấy buồn, thấy nhớ vợ, nhớ con vô cùng. Nhưng vì công việc, vì nhà máy, không chỉ anh mà cả vợ, cả gia đình anh đã phải gác lại.

Ở Nậm Cắt, nhiệm vụ của các anh không chỉ đơn thuần là vận hành mà còn kiêm luôn việc sửa chữa. Anh tâm sự: Vì Nậm Cắt nằm ở vị trí xa trung tâm, địa hình đồi núi phức tạp, đường sá đi lại khó khăn nên lãnh đạo Công ty Điện lực Dầu khí Bắc Kạn (đơn vị trực tiếp quản lý Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt) quán triệt tinh thần, cái gì mình tự làm, tự khắc phục được thì cố mà học hỏi, cố mà làm. Một giờ nhà máy phải ngừng hoạt động là thiệt hại không nhỏ, nào là tiền thuê người sửa chữa, bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ... rất mất thời gian. Vậy nên mới có chuyện, năm 2014, Nậm Cắt đạt số giờ phát điện kỷ lục, lên tới 5.200 giờ. Các sự cố nhỏ, các đợt tiểu tu nhà máy hầu như do một tay cán bộ, kỹ sư đang làm việc nhà máy thực hiện. Từng chi tiết, từng bộ phận, rồi cả những biểu hiện nhỏ to của nhà máy các anh đều nắm được, hiểu nó như chính cơ thể mình.

Nói như vậy để thấy rằng, đằng sau những kết quả mà Nậm Cắt đạt được trong thời gian qua có sự hy sinh rất lớn của những người lính thủy điện dầu khí. Họ đã chấp nhận cuộc sống xa nhà, xa gia đình để gắn bó, cống hiến cho nhà máy ngày một phát triển. Như anh Cường, nhà mãi tận Gia Lai, con ốm, con đau anh cũng chỉ có thể động viên, chia sẻ với vợ, với con qua điện thoại. Anh bảo rằng: Có những đêm không ngủ, nhìn bầu trời đêm đen kịt, giữa bốn bề là núi rừng mà lòng thấy trống vắng, nghe những tiếng kêu keng kéc từ xa vọng lại mà thấy gai người. Nhớ vợ, nhớ con vô cùng.

Khó khăn, thách thức mà những người lính thủy điện phải trải qua là thế. Nó không đơn thuần là vấn đề địa lý, về điều kiện, môi trường sống... Nó còn là cuộc chiến nội tâm giữa vô vàn những cảm xúc giằng xé. Đó còn là cuộc chiến của hạnh phúc cá nhân với khát vọng cống hiến. Ông Hoàng Ngọc Hiển - Phó trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn, người từng lăn lộn, gắn bó với hàng chục công trình thủy điện khắp miền Trung bảo rằng: Đã xác định theo cái nghiệp này là phải biết chấp nhận hy sinh. Hy sinh đó là những mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Ai chẳng có gia đình, có vợ, có con, có bạn bè, người thân. Ai chẳng muốn sống cuộc sống nhẹ nhàng, ấm no giữa chốn thị thành sầm uất. Nhưng đã là người lính thủy điện thì phải biết chấp nhận kiềm chế, hy sinh tất thảy như thứ đó. Niềm vui, niềm hành phúc với họ chính là khi dòng điện tỏa sáng, mang ánh sáng đến khắp mọi miền Tổ quốc!

Thanh Ngọc

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps