Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022):

Phi công chiến đấu - “nghề bảo vệ Tổ quốc” (Kỳ 2)

18:45 | 11/12/2022

3,534 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhưng từ giữa năm 1966 trở đi, không quân ta đã sáng tạo ra cách đánh phù hợp với MiG-21 và cũng phù hợp với điều kiện của ta, ấy là: Dùng lực lượng nhỏ, phát huy ưu thế tốc độ, tính cơ động của MiG-21, kết hợp với dẫn đường và các đài bổ trợ... tạo điều kiện thuận lợi để MiG-21 phát hiện và tấn công mục tiêu rồi thoát ly nhanh, không “đánh quần” với bọn tiêm kích Mỹ thường cậy số đông áp đảo.

Từ tháng 4 năm 1972, khi Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc và tiến hành chiến dịch phong tỏa một số cảng biển của ta, thì bộ đội không quân bước vào những ngày tháng chiến đấu quyết liệt nhất. Giai đoạn này cũng là “thời” oanh liệt của MiG-21.

phi cong chien dau nghe bao ve to quoc ky 2
Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh gắn danh hiệu Anh hùng LLVT cho phi công Nguyễn Đức Soát năm 1973

Trong những năm tháng chống Mỹ, phi công MiG-21 Nguyễn Đức Soát đã xuất kích hơn trăm lần và bắn rơi 6 chiếc máy bay Mỹ. Chiếc đầu tiên anh bắn rơi vào năm 1969 là một máy bay trinh sát không người lái. Và trong số 5 chiếc phản lực còn lại, có chiếc F4 của Thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là chiếc F-4J duy nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ bị bắn rơi.

Chuyện anh bắn rơi chiếc máy bay này đã trở thành một đề tài mà chính các phi công Mỹ rất muốn tìm hiểu và họ phải gửi thư rồi sang Việt Nam chỉ để hỏi một việc: Tại sao lúc đó các phi công Mỹ đã nhìn thấy máy bay ta, 2 bên đều nhìn thấy nhau cùng bay song song với dãn cách 8km ở độ cao hơn 8.000m. Vậy mà, chỉ thoáng một cái, các máy bay MiG-21 biến mất. Và trong khi các phi công Mỹ còn đang ngơ ngáo tìm xem MiG-21 đi đâu thì đã bị tên lửa bắn rơi. Hai phi công trên chiếc F-4J đã nhảy dù xuống một vùng rừng núi. Phi công chính lái chiếc F-4J tên là Sam Gary Cordova bị thương nặng rồi chết.

Một phi công Mỹ là Đại úy Richard Berry, bạn của phi công Sam đã viết thư cho Đại tá - Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam để tạo điều kiện gặp Trung tướng Soát. Ông viết: “Như Đại tá đã biết, Trung tướng Soát là phi công MiG-21 tuyệt vời trong Không quân Việt Nam với 6 lần bắn rơi máy bay. Vào ngày 26 tháng 8 năm 1972, Trung tướng Soát bắn rơi máy bay F-4 của Thủy quân lục chiến trong một cuộc không chiến, đây là chiếc duy nhất của loại này bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Phi công trong máy bay F-4 đó là Trung úy Sam Gary Cordova, một người bạn thân của tôi trong thời gian gần 2 năm học tại trường đào tạo phi công. Dù vậy, tôi không có cảm xúc khó chịu nào, tôi sẽ rất vinh hạnh nếu được gặp Trung tướng Soát.

Như tôi đã nói, tôi không có cảm giác nặng nề vì Trung tướng Soát khi đó đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước mình trong cuộc chiến kéo dài. Tôi cũng là phi công chiến đấu, nhưng phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Vì tôi hiểu rõ các chiến thuật mà cả hai phía áp dụng trong cuộc chiến, sẽ rất thú vị nếu tôi được nghe chiến thuật mà Trung tướng Soát hạ được máy bay F-4 của Sam.

Hãy tin tôi, lẽ ra Sam đã có cơ hội bắn rơi Trung tướng Soát, tương tự như tôi nếu vào hoàn cảnh đó. Phi công chiến đấu như chúng tôi không lưu lại cảm giác xấu về bất cứ mất mát nào từ cả hai phía, bởi vì chúng tôi đơn giản phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều khiến tôi thấy thú vị nhất là cách Trung tướng Soát có thể tiếp cận phía sau máy bay F-4 của Sam mà không bị phát hiện. Tôi biết rằng Không quân Việt Nam sử dụng kỹ thuật “cao - thấp”; đây là cách mà tôi tin rằng Trung tướng Soát có thể dùng tên lửa tầm nhiệt để bắn vào động cơ chiếc F-4.

phi cong chien dau nghe bao ve to quoc ky 2
Các phi công MiG-21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu

Như Đại tá biết, Sam đã thoát khỏi máy bay an toàn cùng sĩ quan hỏa lực. Tuy nhiên, Sam bị thiệt mạng trên mặt đất chứ không phải do tên lửa của Trung tướng Soát. Nếu Trung tướng Soát biết sự thực về cái chết của Sam ở mặt đất cũng là tốt, nhưng đó không phải là lý do mà tôi đề nghị gặp ông. Cuộc gặp đơn thuần chỉ là hai phi công chiến đấu trao đổi về các chiến thuật áp dụng để bắn hạ máy bay. Ngoài ra, tôi đã thuê máy bay trực thăng 1 ngày để tới địa điểm máy bay của Sam bị rơi gần biên giới Lào; chúng tôi hoan nghênh Trung tướng Soát tham gia cùng nếu ông muốn.

Trung tướng Soát là Anh hùng của Không quân Việt Nam và tôi lấy làm vinh hạnh được trao đổi về các chiến thuật của không quân hoặc trong văn phòng của ông hoặc bất kỳ địa điểm nào mà ông thấy thoải mái. Vợ tôi sẽ đi cùng tôi và tôi hy vọng Đại tá cũng sẽ đi cùng”.

Phải đến ngày 26 tháng 12 năm 2012, cựu phi công Mỹ này mới gặp được Trung tướng Soát. Lúc ấy, anh Soát mới kể lại trận đánh của mình.

Ấy là khi nhìn thấy nhau ở độ cao trên 8.000m, với tốc độ đều trên 1.200km/h, anh Soát thấy 2 chiếc F-4 của Mỹ đang bắt đầu nhào xuống thấp, dụ MiG-21 bay theo. Sở dĩ phi công Mỹ muốn xuống thấp vì ở độ cao dưới 4.000m, F-4 có tính năng vượt trội so với MiG-21. Thế là, ngay lập tức Nguyễn Đức Soát nghĩ ra một kế, đó là nhanh chóng giảm tốc độ máy bay bằng cách giảm tốc độ vòng quay của động cơ xuống mức thấp nhất, rồi thả cánh cản... Chiếc máy bay đang ở tốc độ âm thanh bị khựng lại rồi anh vòng gấp với bán kính rất nhỏ và chiếc F-4 của Mỹ bị vọt lên phía trước. Và thế là, đang từ thế hai bên bay ngang nhau, Soát đã bám được phía sau và rồi anh tăng tốc đuổi theo và phóng tên lửa. Trận đánh diễn ra chỉ trong vòng 1 phút 30 giây. Hai viên phi công Mỹ, một bị thương nặng và chết trong rừng; còn viên phi công sống sót thì không thể hiểu được tại sao lại bị bắn rơi. Cho đến lúc đó, phía Mỹ vẫn cho rằng đã có một tốp MiG-21 khác bay thấp hơn bắn rơi F-4 chứ không phải tốp mà các F-4 đã nhìn thấy. Chính vì vậy khi được Soát kể lại, họ hết sức khâm phục.

phi cong chien dau nghe bao ve to quoc ky 2
Các phi công Trần Hạnh, Phạm Ngọc Lan kiểm tra phim xạ kích sau trận đánh

Việc các phi công Mỹ khâm phục, kính nể phi công Việt Nam, tôi đã được chứng kiến.

Ấy là vào ngày 13 tháng 4 vừa rồi, tại khách sạn Intercontinental (Hà Nội), đã có cuộc gặp mặt lịch sử giữa 12 cựu phi công Hoa Kỳ với một số cựu phi công tiêm kích lừng danh của Việt Nam.

Cuộc gặp lịch sử này được tổ chức bởi sáng kiến của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, ông Nguyễn Sĩ Hưng nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vietnam Airline (ông Hưng cũng từng là phi công tiêm kích); và ông Charile Tutt, đã từng tham chiến tại Việt Nam từ tháng 10 năm 1969 đến 9 năm 1970, ông lái máy bay F-4B, chuyên làm nhiệm vụ yểm trợ và cường kích.

Về phía Việt Nam, tham dự cuộc gặp hôm ấy có các phi công danh tiếng, đó là: Trung tướng Phạm Phú Thái, phi công lái MiG-21, Anh hùng Lực lượng vũ trang, bắn rơi 4 máy bay Mỹ; ông Lê Thanh Đạo, phi công MiG-21 bắn rơi 6 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Văn Bảy lái MiG-21 đã 100 lần xuất kích, 13 lần nổ súng và đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ; phi công Mai Đức Toại bắn rơi 2 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi 5 máy bay Mỹ; phi công Đồng Văn Song lái MiG-21 bắn 4 máy bay Mỹ; Từ Đễ lái MiG-17 và sau lái cả A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 và một số phi công, kỹ sư của Lực lượng Không quân Việt Nam.

phi cong chien dau nghe bao ve to quoc ky 2
Trung tướng phi công Nguyễn Đức Soát và các bạn chiến đấu

Về phía Mỹ cũng có những phi công đã từng bắn rơi 2 máy bay MiG-17 của ta, như Đại tá Jack Ensch lái F-4B bắn rơi 2 MIG-17 trận ngày 23-5-1972; Chuẩn đô đốc Kenneth Pete Pettigrew đã tham gia không chiến trong trận ngày 6 tháng 5 năm 1972 và bắn rơi 1 MiG-21 của ta (người lái là phi công Lê Văn Lập). Tổng cộng có 12 phi công, nhưng số lái máy bay tiêm kích trực tiếp không chiến chỉ có 5 người, còn lại là lái cường kích, yểm trợ chiến thuật hoặc tìm kiếm, cứu nạn.

Đặc biệt, trong cuộc gặp hôm ấy có ngài cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson đã từng tham chiến ở Việt Nam và đã bị bắn rơi trên bầu trời Hải Dương.

Buổi gặp diễn ra rất xúc động, bởi suốt một thời gian dài họ từng là đối thủ trên trời của nhau và chỉ biết tên tuổi của nhau qua sách báo, chưa từng một lần gặp mặt. Các cựu phi công gặp nhau có cảm giác rằng giữa họ không có sự khác biệt. Thời gian đã trôi đi, những vết thương quá khứ đã liền sẹo và Trung tướng Nguyễn Đức Soát trong lời phát biểu khai mạc buổi gặp đã mong muốn rằng, các cựu phi công hãy làm cho nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.

Còn Chuẩn đô đốc Kenneth Pete Pettigrew rất xúc động khi hỏi rằng, trong các phi công ngồi đây, có ai là không mất bạn bè, người thân ruột thịt hoặc vợ con. Ông cũng cho rằng giữa các phi công đều có một điểm tương đồng, đó là họ đều có lòng yêu nước.

Tại cuộc gặp, tôi đã được nghe phỏng vấn một số cựu phi công Mỹ và tất cả ai cũng đều công nhận rằng phi công Việt Nam quá giỏi. Cũng phải nói thêm rằng, một số phi công Mỹ trong số này từng tham chiến ở Chiến tranh Triều Tiên, họ đối đầu với phi công Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và cả Liên Xô cũ, nhưng với họ, phi công Việt Nam là những người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc.

Khó có thể kể hết những lời các cựu phi công Mỹ ca ngợi phi công tiêm kích Việt Nam. Nhưng khi người ta lên tiếng ca ngợi một cách thật lòng đối phương thì đó là những đánh giá chính xác.

Cũng phải nói thêm trong cuộc chiến tranh bảo vệ vùng trời phía Bắc từ năm 1965 đến 1972, các phi công Việt Nam đã bắn rơi 320 máy bay Mỹ. Và phía ta, 73 phi công tiêm kích, 28 phi công máy bay vận tải hy sinh.

Có một chuyện buồn đối với Nguyễn Đức Soát, ấy là ngày 19-1-1972, anh đã bắn rơi một chiếc MiG-19 của ta. Trong nhật ký của anh vẫn còn ghi những dòng đẫm nước mắt về việc này, mặc dù anh hoàn toàn không có lỗi, mà do lỗi của Chỉ huy Trung đoàn Không quân 925. Ấy là khi được giao nhiệm vụ đưa MiG-19 lên bay trực ban trên đỉnh sân bay Yên Bái, chỉ huy đã tùy tiện cho MiG-19 bay theo đường bay Nghĩa Lộ - Phú Thọ mà không thông báo cho Bộ Tư lệnh Quân chủng biết. Và khi Soát phát hiện có 2 máy bay màu trắng đang bám phía sau biên đội của anh. Thấy nghi nghi, anh liền hỏi Sở Chỉ huy: “Phía dưới có bạn công tác không?”. Sở Chỉ huy trả lời: Đó là máy bay địch và ra lệnh công kích ngay. Anh Soát hỏi lại lần nữa, Sở Chỉ huy vẫn khẳng định là “địch”. Thế là anh lao vào bắn. Khi máy bay bùng cháy, anh lướt qua ngang chiếc máy bay còn lại, thấy đúng là MiG-19 với cờ đỏ sao vàng liền hô số 2 thoát ly.

Trở về đơn vị, Soát như người mất hồn. Mặc dù tối hôm đó, khi kiểm điểm, Bộ Tư lệnh Quân chủng khẳng định rằng, Nguyễn Đức Soát đã hành động đúng theo mệnh lệnh của Sở Chỉ huy. Lỗi thuộc về Chỉ huy Trung đoàn Không quân 925, khi đưa máy bay rời khu vực trực ban mà không thông báo cho Sở Chỉ huy. Và điều may mắn, an ủi cho anh Soát là người phi công lái chiếc MiG-19 đó đã nhảy dù ra an toàn.

Một số máy bay MiG do nhiều phi công điều khiển đã lập công bắn rơi máy bay Mỹ đang trưng bày tại các bảo tàng ở Việt Nam

1. MiG-17A, số 2310, do phi công Phạm Ngọc Lan điều khiển tham gia trận đầu và bắn rơi 1 máy bay F-8.

2. Chiếc MiG-17F, số hiệu 2011, từng được phi công Ngô Đức Mai sử dụng trong trận ngày 12-5-1967 bắn rơi chiếc F-4C của Đại tá Norman Gaddis, Phó không đoàn trưởng Không đoàn 366 TFW. Hiện nay chiếc MiG-17 số hiệu 2011 được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, đường Trường Chinh, Hà Nội.

3. Hai chiếc MiG-17F số 2047 (Nguyễn Văn Bảy B bay) đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và chiếc MiG-17 số 2011 (phi công Lê Xuân Dự bay) đang trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là hai chiếc đã ném bom hai chiến hạm Oklahoma City và Highbee của Mỹ ngày 19-4-1972.

4. Máy bay MiG-17 số 2002 đang trưng bày tại Bảo tàng TP Đồng Hới - Quảng Bình.

5. Máy bay MiG-17 số 2614 đang trưng bày tại Bảo tàng Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, Khánh Hòa.

6. Máy bay UmiG-15 số 2635 đang trưng bày tại Trường Không quân Nha Trang, Khánh Hòa.

7. Máy bay MiG-19 số 6058 đang trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân, đường Trường Chinh, Hà Nội.

8. MiG-21 (F-13), số 4420, do nhiều phi công sử dụng, trong đó có phi công Nguyễn Ngọc Độ (người đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ) điều khiển.

9. MiG-21 (F-13), số 4320, phi công Phạm Thanh Ngân (người đã hạ 8 máy bay Mỹ) đã từng bay, hiện nay chiếc MiG-21 này đang trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 1 ở Thái Nguyên.

10. MiG-21PF, số 4324, được sử dụng bởi 12 phi công khác nhau, xuất kích chiến đấu 69 lần, phóng 25 quả tên lửa R-3S, bắn hạ 14 máy bay Mỹ. Trong số các phi công đã sử dụng chiếc MiG-21 này có 9 phi công bắn hạ máy bay Mỹ, 8 phi công bắn rơi từ 5 chiếc trở lên, 5 người trở thành sĩ quan cấp Tướng. Hiện chiếc MiG-21 này đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội.

11. MiG-21PF, số 4326, có 13 ngôi sao, các phi công nổi tiếng như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Phú Thái đã từng lập công trên chiếc máy bay này. Hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.

12. MiG-21PFM, số 5020, với 12 ngôi sao, do nhiều phi công bay, trong đó có các anh hùng, phi công nổi tiếng như Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa. Hiện nay trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.

13. Chiếc MiG-21, số 5121, với 8 ngôi sao, trong đó có ngôi sao của Phạm Tuân bắn rơi B-52 đêm ngày 27-12-1972. Máy bay này đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia.

14. MiG-21PFM, số 5033, với 3 ngôi sao, trong đó có chiến công của phi công Trần Việt bắn rơi 1 chiếc F-4 ngày 27-12-1972. Hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 Hà Nội (phố Đội Cấn).

15. Máy bay MiG-21 số 5021 và 5023 trưng bày tại huyện Kiến Xương, Thái Bình.

16. Máy bay MiG-21 số 5207 trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh.

17. Máy bay MiG-21 số 5239 và 5249 trưng bày tại Trung đoàn Không quân 921, sân bay Nội Bài, Hà Nội.

18. Máy bay MiG-21 số 5236 trưng bày tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội.

19. Máy bay MiG-21 số 6124 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một số Bảo tàng Không quân ở Mỹ và một số nước đã tìm mua lại các máy bay MiG (chủ yếu qua Ba Lan), sơn lại giống phù hiệu và số đăng ký của Việt Nam (nhưng không phải là các chiếc MiG đã tham chiến ở Việt Nam) và trưng bày ở một số Bảo tàng Không quân, như các máy bay sơn lại số 5022 (Bảo tàng Không quân Thái Lan), 4326 (Bảo tàng Không quân và Vũ trụ Mỹ - Washington DC)… Tại Bảo tàng Không quân căn cứ Wright-Patterson, bang Ohio, Mỹ, trưng bày các máy bay MiG-17 số 3029; máy bay MiG-21 số 5063. Máy bay MiG-17 số 2047, trưng bày tại Bảo tàng Hàng không - Không quân, thành phố Houston, Texas, Mỹ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Phi công chiến đấu - “nghề bảo vệ Tổ quốc” (Kỳ 1)Phi công chiến đấu - “nghề bảo vệ Tổ quốc” (Kỳ 1)

Nguyễn Như Phong

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps