Phát triển nền nông nghiệp sạch cần vào cuộc đồng bộ

07:00 | 18/05/2017

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một thực trạng đáng lo ngại đã và đang diễn ra trên địa bàn cả nước đó là tình trạng lạm dụng các loại phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, quá trình xử lý các phụ phẩm, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi chưa triệt để cũng là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tới sức khỏe con người. Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần phải phát triển nền nông nghiệp sạch để ngành nông nghiệp nói chung có hướng đi bền vững.

Lạm dụng thuốc kháng sinh

phat trien nen nong nghiep sach can vao cuoc dong bo
Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở nước ta có những bước tiến tích cực, năng suất nuôi, gia súc, gia cầm, thủy hải sản ngày càng cao. Tuy nhiên, việc lạm dụng chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... được đánh giá nguy hiểm hơn chất tạo nạc. Nếu lạm dụng, có thể gây phá vỡ hệ vi sinh đường ruột của vật nuôi, dẫn đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Người sử dụng loại thực phẩm này sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Cụ thể là chức năng gan, thận, sức đề kháng cơ thể suy giảm, gây nên tình trạng kháng thuốc của cơ thể.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về tình trạng này, ông Trịnh Đình Mao, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra ở hầu hết các khâu như: sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, chế biến và tiêu dùng. Trong đó, khâu sản xuất giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Vì đây là khâu đầu tiên, sản phẩm được làm ra do nhiều cơ sở, tổ chức và người nông dân nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng kháng sinh, thuốc hóa chất độc hại quá liều.

Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi tập trung và hộ gia đình vẫn có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh ngay cả khi vật nuôi còn khỏe mạnh. Một điều đáng lo ngại là: Khi vật nuôi bị bệnh, chủ trang trại hoặc chủ hộ gia đình tự chẩn đoán, lựa chọn thuốc kháng sinh, tự quyết định liều lượng để chăm sóc và điều trị.

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp một cách bừa bãi, tràn lan, Bộ NN&PTNT đã có quyết định dừng nhập khẩu kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi từ ngày 1-10-2017. Trong đó có cả 15 loại kháng sinh được quy định về hàm lượng cho phép sử dụng. Việc làm kịp thời này sẽ góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững và tạo ra sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

phat trien nen nong nghiep sach can vao cuoc dong bo
Người dân chăm sóc rau trong nhà kính (ảnh cổng Thông tin điện tử Lai Châu)

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Chưa bao giờ nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người dân trên cả nước lại cấp bách như hiện nay, có lẽ đây là hệ quả của vấn nạn thực phẩm bẩn bủa vây đầu độc người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn đang gặp phải những “điểm nghẽn” chưa giải quyết được trên diện rộng. Đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều; vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ mới và thông tin thị trường vào sản xuất nông nghiệp vẫn là khâu yếu…

Đặc biệt, chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, ngay cả với người tiêu dùng trong nước, khiến nông sản Việt “lép vế” ngay trên sân nhà. Do đó, vấn đề cần kíp là phát triển một nền nông nghiệp sạch trên cả nước. Và để phát triển nông nghiệp sạch cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ tới các cơ quan chức năng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Muốn xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, có nhiều thương hiệu mạnh để cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đòi hỏi phải phát huy vai trò của Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách; phát huy được vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà người nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng đối với giá trị gia tăng mang lại; phát huy được vai trò của nhà khoa học để hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học mới vào nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn. Ngoài ra, cũng cần phát huy vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã nhằm tạo sức mạnh liên kết giữa các hộ gia đình để ứng phó với những bất lợi của cơ chế thị trường. Các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là Hội Nông dân Việt Nam phải làm “bà đỡ” cho nông dân phát triển bền vững để chống chịu tốt hơn với các rủi ro, khó khăn, thách thức, mà cao hơn là làm chủ chính mình, làm chủ các mối quan hệ phức tạp trong kinh tế thị trường.

Về chiến lược phát triển lâu dài, theo một số chuyên gia kinh tế nhận định, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng tăng nhiều hơn về giá trị sản phẩm và giảm về chi phí đầu vào. Chính phủ nên kiến tạo vào 3 nhóm nội dung. Đầu tiên là xây dựng môi trường công bằng, thông thoáng cho các nhà cùng vào cuộc chơi kinh doanh nông nghiêp. Thứ hai là phải có cơ chế chính sách đất đai bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, doanh nghiệp; xây dựng chính sách tín dụng để hỗ trợ nhiều hơn cho nhà khoa học nghiên cứu, cho nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất; chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội liên quan cũng cần thiết phải cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn cho người sản xuất về dung lượng thị trường. Cần có những cảnh báo sớm khi các sản phẩm nông nghiệp có dấu hiệu, nguy cơ dư cung trên thị trường tiêu thụ. Từ đó hỗ trợ, định hướng cho người nông dân sản xuất những mặt hàng gắn liền với nhu cầu của thị trường.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo đó, lãi suất cho vay đối với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của khách hàng để thực hiện chương trình thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại, phù hợp với quy định tại Thông tư 39.

Nguồn vốn cho vay chương trình do các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường để thực hiện.

Thiên Minh - Đông Nghi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc