Phát triển kinh tế là “sức ép chính” đối với các khu bảo tồn biển

08:20 | 12/08/2017

2,025 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, Việt Nam có 10/16 khu bảo tồn biển được quy hoạch, trong đó có một số khu bảo tồn hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, sức ép từ kinh tế đã làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của biển, cũng như công tác bảo tồn.

Bảo tồn biển

Tại hội thảo “Quản lý hiệu quả mạng lưới Việt Nam” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) và Tổng cục Thủy sản phối hợp tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết, hiện chỉ có 0,17% tổng diện tích biển (khoảng 1 triệu km2) đã được đặt mục tiêu bảo tồn nghiêm ngặt, dự kiến tăng 0,24% trong những năm tới. Hầu như không có khu vực nào trong các khu bảo tồn biển đã được công bố giới hạn khai thác.

“Việc lập kế hoạch chậm và một khuôn khổ pháp lý còn yếu kém là những rào cản đối việc tăng cường thực thi tại các khu bảo tồn biển. Do vậy, các biện pháp hiệu quả hơn đã được lên kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020 bao gồm việc mở rộng khu bảo tồn biển, giám sát đa dạng sinh học và quản lý cộng đồng” - ông Bình nói.

Trong khi đó, ở góc độ trực tiếp, anh Phạm Quốc Vịnh - Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) cho biết, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học là thách thức lớn nhất đối với Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

“Để phục vụ phát triển du lịch, hàng loạt nhà hàng, khách sạn xây dựng trong vườn quốc gia bởi các tập đoàn lớn. Hoạt động tham quan, du lịch làm đang ảnh hưởng đến số lượng, nơi cư trú và sinh sản của một số loài chim sinh sống ở các khu rừng ngập mặn. Ngay cả bãi rùa đẻ cũng được quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế tại địa phương” - anh Vịnh cho hay.

phat trien kinh te la suc ep chinh doi voi cac khu bao ton bien
Kinh phí cho hoạt động bảo tồn Vịnh Hạ Long được dành tới 18% từ doanh thu du lịch

Bên cạnh đó, hiện nay ở các khu bảo tồn biển, hoạt động nổ mìn và đánh bắt cá quá mức diễn ra trên diện rộng; trong khi việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ du lịch cũng tăng lên. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn biển.

Nhìn ở góc độ khái niệm, bà Bùi Thị Thu Hiền, Điều phối Chương trình Biển và Vùng bờ của IUCN cho biết, các địa phương đang tồn tại sự hiểu nhầm rằng, việc thành lập khu bảo tồn biển là để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Bà Hiền khẳng định: Đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn đang bị tổn thương từ hoạt động của con người.

Tăng ngân sách, giảm áp lực

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, phát triển kinh tế và bảo tồn có quan hệ tương tác với nhau, phát triển kinh tế bền vững, đúng hướng là nguồn lực để thực hiện bảo tồn, ngược lại bảo tồn sẽ giúp làm kinh tế hiệu quả.

“Do đó, phải làm sao để các nhà đầu tư nhận thức được rằng, phải lấy môi trường làm hạt nhân để phát triển kinh tế xanh. Nếu làm tốt được điều này thì chúng ta sẽ có một mô hình giải quyết được bài toán hài hòa giữa phát triển và bảo tồn” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

Ông Trần Lê Nguyên Hùng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế cho rằng, cần có chính sách cho các cộng đồng chuyển sang các nghề khác nhằm giảm áp lực trên các khu bảo tồn biển; bởi hiện tại hầu hết người dân sống trong vùng lân cận của khu bảo tồn biển đều thuộc diện nghèo.

Đồng thời, những vấn đề như thiếu ngân sách, sự hợp tác thiếu hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương phải được giải quyết một cách rõ ràng và minh bạch.

Để tăng ngân sách cho hoạt động bảo tồn, theo các chuyên gia đó chính là việc trích trực tiếp nguồn thu từ kinh tế biển (các hoạt động đánh bắt, du lịch biển…) để chi cho hoạt động bảo tồn. Theo báo cáo mới nhất, Ban Quản lý Di sản Vịnh Hạ Long đã thu được 783 tỉ đồng (khoảng 35 triệu USD) từ dịch vụ du lịch vào năm 2016, trong đó 18% số thu này đã được trả lại cho các hoạt động bảo tồn.

Quần đảo Chàm - Hội An (Quảng Nam) được coi là ví dụ điển hình trong quản lý và bảo tồn khi đã thực hiện thành công chiến dịch “Không có túi nhựa” và “Không đánh bắt cá”. Đảo Chàm cũng đã cấm đánh bắt 0,5% trong tổng diện tích 6.716ha biển và sẽ tăng lên đến 10% trong những năm tới.

An An