Phát triển du lịch - phải biết tự lực!

07:00 | 25/03/2017

1,063 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ phim bom tấn của Hollywood “Kong: Skull Island” với sự góp mặt của những ngôi sao hàng đầu nước Mỹ đang được công chiếu trên toàn cầu đã mở ra cơ hội để hình ảnh Việt Nam đến với đông đảo công chúng trên thế giới. Đây được đánh giá là thời cơ để Việt Nam phát triển du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn chưa nhạy bén và dường như việc chủ động nắm lấy cơ hội phát triển vẫn còn quá lúng túng. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia văn hóa, du lịch về vấn đề này.

TS Nguyễn Ngọc Thơ, Nhà nghiên cứu Văn hóa Du lịch: Khai thác tốt tiềm lực cảnh quan và tiềm lực văn hóa

phat trien du lich phai biet tu luc

PV: Bộ phim bom tấn của Hollywood “Kong: Skull Island” có tới 90% cảnh quay được lấy bối cảnh từ Việt Nam đang được công chiếu trên toàn cầu. Điều này mở ra cơ hội quảng bá du lịch của Việt Nam, ông đánh giá thế nào về sự kiện này?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Đúng, đây là lần đầu tiên những bối cảnh của Việt Nam được lên phim Hollywood. Và việc khi bộ phim được công chiếu, chúng ta đã chọn ông Jordan Vogt Roberts - đạo diễn của bộ phim là Đại sứ Du lịch. Tôi cho rằng, điều đó là cần thiết, nhưng chúng ta cũng không nên trông cậy quá nhiều vào điều đó, bộ phim và bản thân ông Roberts không phải là “đôi đũa thần” để thu hút du khách tới Việt Nam được. Làm thế nào thu hút du khách thì vẫn là nhiệm vụ của chúng ta, mà chủ yếu dựa vào hai yếu tố chính: Đó là nguồn lực cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Sự kiện phim Kong thiên về cảnh quan thiên nhiên là chính.

PV: Vậy từ hai yếu tố cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa, ông có đánh giá thế nào về tiềm năng của du lịch Việt Nam?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Thực ra để các chuyên gia nghiên cứu phát triển du lịch nước ngoài đánh giá thì sẽ khách quan hơn, nhưng tôi vẫn có những ý kiến thế này. Bản thân tôi đã từng khảo sát cách làm du lịch của nhiều nước tương đồng với chúng ta trong khu vực Đông Nam Á thì thấy rằng, chúng ta có đủ hai tiềm lực là cảnh quan thiên nhiên cũng như tiềm lực văn hóa. Các cảnh quan kéo dài từ Vịnh Hạ Long đến quần đảo Nam Du, đảo Thổ Chu, Côn Đảo… Từ đó chúng ta có tài nguyên về biển đảo, có tài nguyên ven biển, có tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ. Điều này thì cả thế giới công nhận chứ không phải nhận vơ. Chúng tôi có tiến hành khảo sát ý kiến của khách du lịch khi họ đến các cảnh quan này thì câu trả lời đều là cảnh quan quá đẹp, nhưng để quay lại thì không hẳn có câu trả lời.

Tôi nhận thấy rằng, cách chúng ta khai thác hiện nay mới ở chừng mực, mới dừng ở khai thác cảnh quan, chứ chưa đi sâu. Nếu chỉ khai thác ở vẻ đẹp cảnh quan thì không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Vì nét đẹp cảnh quan là nét đẹp vốn có, du khách sẽ chỉ đến đó nghỉ 1-2 ngày, chứ không thể ở đó lâu được. Vậy ngoài cảnh quan thiên nhiên thì những yếu tố về con người, về cuộc sống, dịch vụ, giao thông, giao tiếp là rất cần thiết.

So sánh mặt bằng chung, ngay cả với các nước Đông Nam Á thì chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ, nghĩa là yếu tố về dịch vụ, con người chưa đáp ứng được ngang bằng với yếu tố về điều kiện tự nhiên, yếu tố này thể hiện khá rõ. Những nơi như Vịnh Hạ Long hay Nha Trang khi khách đi du lịch vẫn bị chèo kéo, xâm hại rồi giao thông đôi khi đi lại cũng chưa thuận tiện, chưa kể yếu tố giao tiếp giữa con người với con người ở những vùng phát triển du lịch mạnh trở nên bị thương mại hóa. Ngay cả những sản phẩm chúng ta trưng bày và tương tác với du khách nó vẫn mang giá trị kinh tế là chính chứ không thể hiện được câu chuyện cuộc sống. Việc này chúng ta đã nhận ra nhưng vẫn chưa có giải pháp.

phat trien du lich phai biet tu luc
Hình ảnh Việt Nam trong bộ phim “Kong: Skull Island”

Tôi thấy câu chuyện của Thái Lan mà chúng ta nên học hỏi, đó là trong tour giới thiệu về làng nghề họ làm rất bài bản. Khi một làng nghề trở thành điểm dừng chân song hành với cảnh quan thiên nhiên nào đó thì trên cung đường du khách đến sẽ có điểm dừng, người ta chỉ bày bán hàng của làng nghề đó thôi chứ không có hàng từ bên ngoài vào. Thế nhưng, ở Việt Nam, nhiều làng nghề chẳng quan tâm đến nghề của mình, sản phẩm của làng nghề mình mà lại bày bán nhan nhản hàng Trung Quốc.

Người Thái Lan họ rất quan trọng việc này. Chưa kể về cách tổ chức một tour du lịch, trước khi cho khách đến làng nghề thì họ dẫn khách vào một nhà truyền thống giới thiệu tổng quan về làng nghề, có khi bằng hiện vật để du khách có cái nhìn bao quát về ngôi làng. Thậm chí du khách còn trực tiếp được tiếp xúc với các nghệ nhân, đương nhiên các nghệ nhân này đã được trang bị khả năng ngoại ngữ rất tốt. Từ việc được tiếp xúc với nghệ nhân là du khách được chạm đến tầm sâu của làng nghề, đó là những nét đẹp chiều sâu, là những bí quyết được nghệ nhân gói ghém trong từng sản phẩm, là những tinh hoa chất chứa trong những sản phẩm đó. Du khách không chỉ là mua hiện vật trên tay mà biết được hiện vật ấy chứa đựng điều gì. Nghĩa là du khách “đụng chạm” trực tiếp đến cộng đồng chứ không phải đến những sản phẩm đã bị thương mại hóa.

PV: Thực ra những việc này ở Việt Nam cũng đã triển khai rồi, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Có một số nơi, như Hội An chẳng hạn. Khi đưa khách đi tham quan khu phố cổ xong thì hướng dẫn viên có đưa du khách đến làng trồng rau Trà Quế… nhưng mô hình này chưa được mở rộng. Yếu tố tương tác khách du lịch với cộng đồng là một xu hướng gần như mới nổi, nhưng nó rất quan trọng. Đã có nghiên cứu rằng: Du lịch đại chúng và du lịch có chọn lọc thì cuối cùng giá trị văn hóa, kinh tế nó đạt tới đâu thì mới thấy được chính du lịch động chạm đến cộng đồng, tức là cuộc sống của người dân, trải nghiệm nhiều hơn và lâu dài. Người ta quảng bá về hình ảnh của đất nước người ta tới, trong khi đó du lịch đại trà không đáp ứng được nhu cầu của họ, bởi nhu cầu thì bao la. Nên tập trung phân khúc thị trường, những nơi nào du lịch đại trà thì chúng ta cứ triển khai, nhưng khi du lịch đặc biệt có giá trị về làng nghề, về truyền thống thì chúng ta nên triển khai du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, cần có những góc nhìn, rồi phân tích, đánh giá trào lưu du khách hiện tại. Du khách sẵn sàng chi số tiền lớn để sống cùng làng nghề, được trải nghiệm cuộc sống cùng làng nghề đó. Vậy chúng ta có thể nhân rộng mô hình làng nghề nông dân ở một số nơi như: Hội An, khu Bảy Núi An Giang, Đà Lạt, Tây Nguyên… Điều này, lẽ ra phải làm chuyên nghiệp từ lâu nhưng chúng ta lại làm chưa tới.

Điều đó cho thấy chúng ta còn nhiều lúng túng trong phương pháp cũng như đón nhận thời cơ. Ngay như trường hợp chớp cơ hội của bộ phim “Kong: Skull Island” vừa qua, tôi nghĩ chúng ta có thể tham khảo phương thức của Thái Lan. Họ làm khá đơn giản là tiếp cận bằng nghệ thuật chứ không phải chớp thời cơ một cách máy móc. Thái Lan tiến xa hơn là, ngay khi bộ phim được quay, rồi được công chiếu, họ sẽ làm những bức hình đẹp mô phỏng hình ảnh của Kong với những dòng thông tin thú vị như: Kong đã đến đây và thích địa điểm này, còn bạn thì sao? Rồi đó là hình ảnh hang Sơn Đoòng, hình ảnh ở Bái Đính, Vịnh Hạ Long. Có nghĩa là Kong đã khám phá nét đẹp kỳ quan này thì tiếp theo có phải là bạn không? Hoặc bạn sẽ là người tiếp theo chứ? Đó là cách nêu lên bí mật để hấp dẫn du khách, chứ đâu cần những thứ đao to búa lớn, tự nhiên nó trở thành phản cảm. Kong cũng không đại diện cho vẻ đẹp tự nhiên, Kong không thể đại diện cho vùng đất và con người được. Thế thì đừng dựng hình ảnh Kong để đại diện cho vùng đất đó, nó chỉ mang tính chất giới thiệu, quảng bá mà thôi.

PV: Vậy những tồn tại của chúng ta là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Cái chúng ta còn thiếu đó là tư duy về làm du lịch vẫn chưa chuyên nghiệp, ngay ở nơi có cảnh quan đẹp thì việc chuẩn bị những tiểu cảnh nơi du khách đứng ở chỗ nào, ngồi ở chỗ nào để chụp hình cũng không có mà cứ ung dung tự tại, du khách cứ thấy góc nào đẹp thì chụp thôi. Nên những chuyên gia du lịch phải tính được việc này, thiết bị trang trí thêm để khung cảnh nó đẹp đặc trưng của khu thắng cảnh đó. Bây giờ thời đại công nghệ rồi, nếu biết thiết kế đẹp, đặc trưng thì khi được lên hình, vẻ đẹp ấy dễ dàng lan tỏa. Thành công trong làm du lịch đôi khi xuất phát từ những điều rất nhỏ vậy thôi. Như đường hoa Nguyễn Huệ, mấy năm trước đẹp vậy đó, nhưng làm gì có chỗ cho du khách chụp hình, người ta phải giẫm lên hoa để chụp chứ sao. Hồ Gươm cũng chưa có những tiểu cảnh để cho du khách có những bức ảnh đẹp, rồi chúng ta chưa thực sự đầu tư quảng bá bằng những video, clip… rồi chất lượng dịch vụ thì vẫn là điều nhức nhối khi nạn chặt chém còn nhiều và văn hóa giao tiếp cũng chưa chuyên nghiệp. Chưa biết đan cài những giá trị truyền thống với dịch vụ hiện đại, đặc biệt khi chất lượng dịch vụ là vấn đề rất quan trọng. Du khách đến rồi có quay lại hay không là do chất lượng dịch vụ của mình.

phat trien du lich phai biet tu luc

Thêm nữa, việc đào tạo dịch vụ của mình cũng chưa ổn, chất lượng hướng dẫn viên du lịch am hiểu về lịch sử văn hóa còn kém. Có lần tôi chứng kiến thế này, trong đoàn khách du lịch người Trung Quốc rất đông, tôi quan sát thấy nhiều lần hướng dẫn viên du lịch của mình đang cố tình nói sai lịch sử văn hóa như để cố lấy tình cảm với du khách. Tôi không hiểu làm điều đó để làm gì? Đó là sai lầm về lịch sử văn hóa, nó rất nguy hiểm. Có thể họ làm vậy để có tiền “típ” từ du khách nhưng không biết rằng, việc làm đó ảnh hưởng lớn thế nào. Điều này, những người làm nghề cần phải trau dồi lại. Còn để phát triển du lịch một cách dài hơi, trong khi chờ những định hướng mang tính chiến lược, thì ngay tại những vùng có danh lam thắng cảnh, chính người dân ở đó phải chủ động quảng bá văn hóa của mình. Mỗi địa phương cần có định hướng phát triển du lịch, đương nhiên phải có sự phân khúc, chứ không thể na ná như nhau được.

PV: Như vậy để thấy tầm nhìn quảng bá du lịch, cấp quản lý địa phương rất quan trọng, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Thực chất quản lý du lịch địa phương họ rất muốn làm nhưng bản thân họ thụ động. Họ mới chỉ chú trọng đến việc quảng bá những gì mình có, chứ chưa biết du khách cần gì. Nhiều địa phương cũng sốt sắng tổ chức hội nghị, hội thảo đó, nhưng chỉ dừng ở phân tích đặc trưng mình có. Thực tế là khi muốn du khách tìm đến mình thì mình phải biết người ta cần gì chứ. Cứ khai thác những gì mình có mãi thì không bao giờ phát triển được. Nhưng suy cho cùng thì việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cùng với sự phát triển của kinh tế của địa phương, đó vẫn là một trong những yếu tố quyết định để du khách đến và có quay trở lại hay không.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Phải thừa nhận là chúng ta chưa nhạy bén

phat trien du lich phai biet tu luc

Có thể nói, bộ phim “Kong: Skull Island” được quay trên đất nước chúng ta là cơ hội vàng để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam nói chung, cũng như du lịch Việt Nam nói riêng. Những ngày qua, truyền thông, báo giới trên toàn thế giới đã đồng loạt đưa tin về bộ phim này. Ông Jordan Vogt-Roberts, người đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trao quyết định là Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020 cũng cho rằng: Việt Nam đang sở hữu những tạo vật tuyệt vời và đây chính là cơ hội tốt để ông ấy làm tròn sứ mệnh của mình.

Về việc định hướng phát triển du lịch sau bộ phim này thì để tận dụng triệt để cơ hội này, tỉnh Quảng Bình cũng đã có kế hoạch cụ thể, dài hơi cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với phim Kong. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã cho mở rộng, sâu thêm các tuyến tham quan mà đoàn làm phim Kong đã quay để du khách có thể tham quan như: Hệ thống hang động Tú Làn, động Thiên Đường… Trong tháng 4 tới, Quảng Bình sẽ đón những đoàn khách du lịch đầu tiên.

Đến giờ khi nhìn lại thì chúng ta vẫn phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa nhạy bén, cũng như chưa có cách làm phù hợp để gắn kết điện ảnh với du lịch, chưa biết quảng bá và định vị thương hiệu du lịch để giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Thực tế từ cuối năm 2016, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nỗ lực đưa thông tin về bộ phim bom tấn này được quay ở Việt Nam. Ngay tại Hội chợ Du lịch ITB Berlin (Đức) vừa qua những hình ảnh du lịch về bộ phim “Kong: Skull Island” tại các địa phương Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh đã được Tổng cục Du lịch giới thiệu với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ cao hơn nếu chúng ta biết khuếch trương, biết phối hợp với đoàn làm phim ngay từ giai đoạn quay, làm hậu kỳ, hay cả khi công chiếu… để hình ảnh của Việt Nam được lan tỏa. Sau đó thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ du lịch, sử dụng trường quay nơi đoàn làm phim quay xong để biến nó thành sản phẩm du lịch cũng là thời cơ, nhưng chúng ta đã bỏ qua là những thiếu sót.

Trong thời gian tới, ngành du lịch tiếp thu và tận dụng những cơ hội tiếp theo để quảng bá hình ảnh Việt Nam một cách tốt nhất. Chúng tôi sẽ cho xây dựng những video clip ngắn liên quan đến bộ phim để khi tham gia các hội chợ quốc tế, chúng tôi sẽ trình chiếu các video clip cho bạn bè, khách hàng không chỉ Việt kiều mà khách quốc tế biết đến. Qua đó sẽ thu hút họ đến với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội, chúng tôi sẽ quảng bá được những hình ảnh này đến công chúng trên toàn thế giới. Từ đó để họ biết rằng, Việt Nam không chỉ là đất nước có nền văn hóa độc đáo, mà còn là đất nước có phong cảnh tuyệt đẹp. Cũng từ bộ phim “Kong: Skull Island”, chúng tôi hy vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ trở thành phim trường của nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt NamNguyễn Phú Đức: Nói đi đôi với làm

phat trien du lich phai biet tu luc

Phải thừa nhận rằng, bộ phim có tác động tích cực, mở ra cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, để nói là tạo được dấu ấn về thương hiệu du lịch của Việt Nam thì có lẽ là không. Câu hỏi: Làm thế nào để phát triển du lịch Việt Nam? Đã từ rất lâu rồi, 20 năm nay chúng ta đều hỏi câu hỏi đó, nhưng vẫn chưa có câu trả lời, tất cả vẫn giậm chân tại chỗ.

Nói đúng ra thì những năm gần đây cơ hội để phát triển du lịch của chúng ta cực kỳ tốt, từ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến Quốc hội đã đều có chính sách, có luật để phát triển du lịch. Thế nhưng, triển khai và làm thì chưa thực sự quyết liệt.

Cách làm du lịch hiện nay của chúng ta đang thiếu chuẩn, thiếu một chiến lược thương hiệu rõ ràng để xác định đường đi, nước bước tiếp theo. Cơ hội đến, chúng ta chỉ có những động thái nhất thời nhằm xử lý phần ngọn, chứ chưa đủ bản lĩnh để đón nhận cơ hội một cách chủ động. Tôi biết, để làm được thì phải có tiền, mà để tận dụng được cơ hội đến thì phải có chiến lược bài bản và bản thân những người làm du lịch phải thực sự chuyên nghiệp.

Như trường hợp của phim “Kong: Skull Island”, đúng là cơ hội đã đến với chúng ta, nhưng nó sẽ chỉ dừng ở cơ hội nếu như chúng ta không biết nắm lấy. Tuy nhiên, cái gốc để phát triển du lịch vẫn phải là tự thân chứ không chỉ là chớp thời cơ. Chúng ta đã có rất nhiều cơ hội, nhưng sự chuyên nghiệp thì không có nên nó thành như vậy. Việc nhận định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn nhưng lại đưa nó về Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch quản lý tôi nghĩ là khó. Hiện tại, thì tất cả những định hướng đã có rồi và việc nói cũng nói rồi, tôi không nói lại. Tôi nghĩ rằng, việc đơn giản nhất là cứ làm tốt những thứ đã nói, nói đi đôi với làm thì mới mong du lịch khởi sắc được.

Huyền Anh - Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc