Quảng Bình

Phát triển du lịch biển theo hướng bền vững

09:48 | 08/01/2018

1,200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngoài hệ thống hang động độc đáo đã được khai thác, biển Quảng Bình vẫn được ví như “nàng tiên chưa tỉnh giấc”. Bởi thế, khai thác tiềm năng du lịch biển - đảo theo hướng bền vững và đa dạng là một trong những việc làm cần thiết để du lịch Quảng Bình phát triển một cách toàn diện, tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Biến tiềm năng thành lợi thế

Quảng Bình có đường bờ biển dài hơn 116km, với 5 cửa sông: sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh, sông Nhật Lệ, từ đó hình thành nhiều tụ điểm dân cư ven biển, nhiều trung tâm văn hóa như thành phố biển Đồng Hới, làng biển Cảnh Dương, Lý Hòa, Nhân Trạch, Quang Phú, Bảo Ninh.

Đường bờ biển đẹp và chạy dài ngay ở trung tâm thành phố, đó là một lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Dọc bờ biển có 9 bãi tắm, trong đó biển Nhật Lệ, Quang Phú và Bảo Ninh nằm ngay trung tâm thành phố Đồng Hới, được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh và biển Nhật Lệ xứng danh là 1 trong 10 thắng cảnh du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam…

Sau thời gian bị chững lại bởi sự cố môi trường biển, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình và phục hồi mạnh mẽ. Các điểm đến của du lịch Quảng Bình được phát triển thêm và chất lượng hơn các năm trước. Nhiều điểm đến được đầu tư để mở rộng quy mô dịch vụ và nhiều điểm đến mới được ra mắt...

phat trien du lich bien theo huong ben vung

Sơn Đoòng là tâm điểm của du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch thế giới WTM London 2017

Theo ngành du lịch Quảng Bình, cơ sở hạ tầng du lịch ven biển vẫn là nơi có khu nghỉ dưỡng đạt các tiêu chuẩn cao nhất tỉnh. Ngay cả lao động trong ngành du lịch, lao động du lịch biển cũng chiếm tỷ lệ cao nhất, với trên 60%. Đặc biệt, các bãi tắm từ Đá Nhảy đến khu vực Đồng Hới, Hải Ninh đã thu hút được lượng lớn khách du lịch đến tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức hải sản, tạo cho khách du lịch có nhiều sự lựa chọn, giảm được áp lực lên các điểm du lịch tập trung quá đông khách.

Đặc biệt, công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho các khu vực bãi tắm được chú trọng. Tỉnh đã thành lập ban quản lý các bãi tắm biển nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên du lịch biển, đảm bảo công tác an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Nhờ đó, trong những năm vừa qua, lượng khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại tỉnh tăng mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo thống kê, trong năm 2016, tuy gặp nhiều khó khăn bởi sự cố môi trường biển, cùng với những tác động do thiên tai, nhưng ngành du lịch tỉnh Quảng Bình vẫn thu hút được gần 2 triệu lượt du khách. Với những nỗ lực trong phát triển du lịch, năm 2017, toàn tỉnh Quảng Bình đã đón tổng số khách du lịch là 3,3 triệu lượt khách, tăng 70,9% so với năm 2016. Trong đó, khách quốc tế đạt 100.000 lượt, tăng gần 120% so với năm 2016; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.706,3 tỉ đồng, tăng 64,7% so với năm 2016.

Phát triển bền vững du lịch biển đảo

Nhận biết tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch biển - đảo, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như sân bay, bến cảng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch, gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch biển.

phat trien du lich bien theo huong ben vung

Các làng biển đang dần nhộn nhịp

Bên cạnh đó, Quảng Bình đã tăng cường dự án, xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch biển. Tỉnh cũng quy hoạch toàn bán đảo Bảo Ninh - “hòn ngọc” bên bờ sông Nhật Lệ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp với các khu resort, nhà thi đấu đa chức năng, quảng trường biển, khu vực vui chơi giải trí, làng chài đánh bắt, chế biến hải sản.

Để phát triển du lịch cũng như thu hút, kêu gọi đầu tư, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 13/CTr-TU ngày 12-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 (bổ sung, sửa đổi); đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ tại các trung tâm du lịch của tỉnh. Quảng Bình cần có những chính sách tốt hơn nữa để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Dự kiến nâng số lượng phòng lưu trú lên 7.500 đến 8.000 phòng vào năm 2020, tăng khoảng 2 lần so với mức hiện tại. Điều này vừa giúp đảm bảo đủ số lượng phòng lưu trú trong xu thế du lịch ngày càng phát triển, vừa là cơ hội tốt để mở rộng thành phố ra phía bờ biển, phát triển cơ sở hạ tầng, biến biển thành điểm nhấn và là trung tâm du lịch của thành phố Đồng Hới.

Ngoài việc chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp các khu, tuyến, điểm du lịch đã có; kêu gọi đầu tư phát triển các khu, tuyến, điểm du lịch mới, theo các nhà quản lý và các chuyên gia, Quảng Bình cần phải nhận thức rõ, phát triển du lịch biển đảo không có nghĩa là chỉ tập trung vào các dịch vụ vui chơi trên biển. Đối với một vùng đất mà du lịch chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố thời tiết như Quảng Bình thì nhất thiết cần kết hợp phát triển thêm các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch gắn với các hoạt động thể thao biển, du lịch văn hóa và du lịch công vụ… liên kết các dịch vụ đó tạo thành sản phẩm trọn gói mới, làm giảm bớt tính thời vụ và tạo sự phát triển bền vững.

Quảng Bình được website Tripadvisor bình chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 4 tại Việt Nam và Phong Nha - Kẻ Bàng được tạp chí Lonely Planet xếp hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách 15 điểm đến đáng trải nghiệm nhất Việt Nam năm 2017. Sơn Đoòng trở thành tâm điểm của du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch thế giới WTM London 2017.

Lan Khanh