Phát hiện điện thoại Trung Quốc đánh cắp thông tin

14:21 | 23/06/2014

1,819 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một công ty Đức vừa lật tẩy thủ đoạn đánh cắp thông tin của Trung Quốc thông qua một loại điện thoại thông minh.

Phát hiện điện thoại Trung Quốc đánh cắp thông tin

Star N9500 - điện thoại do Trung Quốc sản xuất có cài phần mềm ăn cắp thông tin

Hãng tin Mỹ AP mới đây dẫn lời một đại diện công ty an ninh mạng của Đức, G Data Software, nói họ đặt mua một điện thoại di động kiểu Star N9500 từ một nhà bán lẻ trên mạng hồi tháng trước, và khám phá một chương trình đánh cắp thông tin được ẩn mình sâu trong phần mềm của máy.

G Data cho hay mã độc này khiến cho người thứ ba có thể lấy cắp dữ kiện cá nhân của người dùng máy.

Công ty Đức nói họ vẫn chưa thể tìm ra địa điểm nơi sản xuất loại điện thoại này sau hơn một tuần dò tìm, mặc dù điện thoại này có thể mua tại nhiều công ty bán lẻ lớn.

Ðây là khám phá mới nhất trong một loạt những phát hiện mà Trung Quốc cài phần mềm đánh cắp thông tin vào các thiết bị mạng và điện tử.

Trước đây, cuộc điều tra của hãng phần mềm Microsoft phát hiện ra một số máy tính mới mua tại Trung Quốc đã bị cài đặt sẵn mã độc. Để điều tra, Microsoft đã mua về 10 máy laptop và 10 máy desktop mới tại một số cửa hàng tại Trung Quốc.

Theo báo cáo công bố trên blog của Microsoft, sau khi tiến hành kiểm tra, các nhà nghiên cứu của Microsoft phát hiện ra 4 trong số 20 chiếc máy tính đã bị cài sẵn một số loại mã độc, trong đó nguy hiểm nhất là malware Nitol. Ngay khi máy tính mới mua được khởi động lần đầu, Nitol sẽ tìm cách liên lạc với hệ thống máy chủ điều khiển và kiểm soát của kẻ chủ mưu và đánh cắp dữ liệu từ máy tính bị lây nhiễm.

Trước đó, một người đàn ông Trung Quốc đã khởi kiện công cụ tìm kiếm Zhongsou sau khi phần mềm điện thoại VoIP mà anh ta tải từ mạng về có chứa cả chương trình đánh cắp dữ liệu. Sun Zhongpeng cáo buộc rằng Zhongsou.com, công cụ tìm kiếm bằng tiếng Hoa tự xưng là lớn nhất thế giới, đã lén lút chèn phần mềm độc hại vào phần mềm điện thoại Internet "IGPhone" do công cụ này phát triển.

Tháng 4/2013, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các cơ quan chính phủ không được phép sử dụng các thiết bị công nghệ do các công ty được "sở hữu, chỉ đạo hoặc tài trợ bởi Trung Quốc" sản xuất, chế tạo, lắp ráp nếu không được sự cho phép của cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Mục tiêu chính của đạo luật này được cho là nhằm vào Huawei và một công ty khác của Trung Quốc là ZTE.

Australia năm 2011, Chính phủ Australia cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei cho Hệ thống băng thông rộng Quốc gia Australia (NBN) và ngăn chặn công ty viễn thông này tham dự đấu thầu dự án xây dựng đường truyền băng thông rộng trị giá gần 38 tỉ USD. Thủ tướng Australia khi đó là bà Julia Gillard khẳng định "đây là một biện pháp phòng ngừa" nguy cơ tấn công mạng từ Trung Quốc. Ngoài ra các quốc gia khác như Ấn Độ, Canada cũng từng có nhiều động thái cứng rắn đối với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc trước lo ngại về những mối đe dọa an ninh quốc gia.

Các chuyên gia bảo mật từ FPT cho rằng trước tình hình căng thẳng của vụ Trung Quốc thả giàn khoan vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, các hacker Trung Quốc đang tăng cường thả nhiều malware, spyware dưới dạng file .doc và .pdf để gây hại cho người dùng máy tính Việt Nam và khuyến cáo người sử dụng Việt Nam nên cẩn trọng.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc