Pháp trước nguy cơ phải nhập khẩu điện thường xuyên

17:32 | 27/03/2017

1,648 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hai tháng đầu mùa đông 2016 - 2017, Pháp đã trở thành nước nhập khẩu ròng điện - một điều chưa từng xảy ra trong vòng 5 năm qua. Xu hướng này cũng có thể tiếp tục trong giai đoạn nhu cầu tăng cao sắp tới, cho dù kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 - 5 là như thế nào.

Trong tháng 1/2017, Pháp - từng là nước xuất khẩu ròng điện đã phải nhập khẩu tổng cộng 950 GWh, cao nhất kể từ năm 1980, khi đợt không khí lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ điện để sưởi ấm của người dân tăng cao và trong bối cảnh hàng loạt lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục đích dân sinh bị tạm ngừng hoạt động. Việc phụ thuộc vào điện nhập khẩu từ nước ngoài trong giai đoạn nhu cầu tăng đến đỉnh điểm vào mùa đông có thể còn lớn hơn nữa, nếu Pháp không thể phát triển ngành năng lượng tái tạo hay kéo dài tuổi thọ của 58 lò phản ứng hạt nhân.

Tập đoàn Truyền tải Điện Pháp (RTE) viết trong báo cáo về tình hình sắp tới cho biết, trong mùa đông 2016-2017, khối lượng điện nhập khẩu của Pháp đã tăng thêm 30% lên 12,2 GW so với mùa đông 2015-2016.

Dữ liệu từ Bộ Tài chính Pháp cho thấy nước này đã chi 290 triệu Euro (307 triệu USD) tiền điện vào tháng 1/2017, so với mức 56,5 triệu Euro trong cùng thời gian này năm 2016.

Pháp đã thông qua một đạo luật về năng lượng đầy tham vọng vào năm 2015 với mục tiêu cắt giảm thị phần điện hạt nhân từ 75% như hiện nay xuống 50% vào năm 2025, trong khi tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và các nỗ lực hạn chế tiêu thụ điện và tổn thất nhiệt.

phap truoc nguy co phai nhap khau dien thuong xuyen
Đường dây điện cao thế ở Aix en Provence, Pháp

Mặc dù việc sử dụng năng lượng tái tạo đã tăng lên khoảng 16%, nhưng Pháp vẫn còn cách mục tiêu này khá xa và vẫn chưa thể tiến gần tới mục tiêu trung bình mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đặt ra là 24%. Trong báo cáo đánh giá về các chính sách năng lượng của Pháp được công bố hồi tháng 1 vừa qua, IEA nhận định: “Việc đạt mục tiêu (50%) cần những chính sách thận trọng và các biện pháp quyết liệt để đảm bảo việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả”.

Các nhà phân tích cho rằng, tình hình trong tháng 12 và tháng 1 là ngoại lệ, khi cùng lúc khoảng 12 lò phản ứng hạt nhân tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng và sản lượng thủy điện sụt giảm do thiếu mưa và tuyết rơi, khiến mực nước ở các hồ chứa xuống tới mức thấp chưa từng có.

Nhà phân tích Utomi Odozi của Freepoint Commodities nói: “Nhu cầu tiêu thụ điện của Pháp sẽ luôn tăng cao trong mùa lạnh, trong khi sản lượng điện trong nước giảm do nhiều nhà máy than trong nước đã bị đóng cửa sẽ khiến vấn đề này lặp lại hàng năm, dù có thể là không trầm trọng như trong năm nay”.

Mặc dù Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bắt đầu thực hiện một số biện pháp trong dự thảo luật về năng lượng, song việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo sẽ phải được thực hiện bởi chính phủ kế tiếp của người chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 4-5 tới.

Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, người được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dự định sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các nhà máy điện than vào năm 2022. Ông cũng có kế hoạch giữ mục tiêu 50% là thị phần điện hạt nhân, đồng thời tiến hành dự án sản xuất 26 GW điện từ năng lượng tái tạo.

Điểm chính trong chính sách năng lượng của ông Macron là 15 tỷ Euro đầu tư vào nhiều mục tiêu, trong đó có các khoản hỗ trợ dành cho người thu nhập thấp để sửa chữa khoảng 2 triệu căn nhà cũ nhằm giảm bớt tình trạng mất nhiệt và tiết kiệm điện tiêu thụ.

Trong khi đó, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, người được cho là sẽ dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử và sẽ thua ở vòng thứ hai - vòng quyết định, lại muốn nước Pháp độc lập về năng lượng và Tập đoàn Điện lực EDF quốc doanh là trụ cột trong kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng.

Bà Le Pen cũng cam kết sẽ duy trì điện hạt nhân chừng nào Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN) vẫn chứng nhận độ an toàn của các lò phản ứng. Bà dự định hủy bỏ kế hoạch tư nhân hóa các nhà máy thủy điện của Pháp.

Người hiện đang ở vị trí thứ 3 trong các cuộc thăm dò dư luận về các ứng cử viên Tổng thống Pháp, ông Francois Fillon của phe bảo thủ, cũng muốn Pháp phải độc lập về năng lượng. Trong chiến dịch tranh cử, ông ta từng tuyên bố sẽ hủy bỏ mục tiêu giữ 50% thị phần là điện hạt nhân và cho rằng đây là một dự định ngu ngốc. Ông có kế hoạch kéo dài thời gian sử dụng các lò phản ứng lên mức từ 40 - 60 năm với sự chấp thuận của ASN và sẽ trì hoãn việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất nước Pháp là Fessenhelm.

Tuy nhiên, ông Fabien Roques - Phó Chủ tịch tập đoàn tư vấn về điện năng FTL.CL cho rằng, việc độc lập về năng lượng có thể sẽ rất tốn kém. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo cần tập trung làm thế nào để đưa nhập khẩu điện vào an ninh nguồn cung. Ngoài ra, cơ chế năng suất được sử dụng để cấp vốn cho các nhà máy sản xuất điện có thể không hiệu quả về chi phí, song có thể đảm bảo nguồn cung trong suốt mùa cao điểm.

Linh Phương

  • el-2024