Pháp đang làm gì vậy?

09:49 | 08/09/2015

3,142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc khủng hoảng di dân tại châu Âu hiện nay là do chiến tranh tại Iraq và Syria. Thay vì tìm cách giải quyết trong hòa bình, Pháp huy động máy bay đánh bom tổ chức IS tại Syria. Một hành động sẽ càng đưa Syria vào hỗn loạn.
phap dang lam gi vay
Tổng thống Pháp François Hollande thông báo quyết định đánh bom IS tại Syria trong cuộc họp báo ngày 7/9

Bắt đầu từ hôm nay, 8/9, không quân Pháp sẽ thực hiện các phi vụ trinh sát trên bầu trời Syria để chuẩn bị cho những cuộc oanh kích sau đó. Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua thông báo sẽ mở rộng chiến dịch oanh kích từ Iraq sang Syria, nhưng loại trừ giải pháp đưa quân can thiệp trực tiếp trên bộ.

Theo AFP, trong khuôn khổ liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo, Pháp đã bố trí nhiều máy bay loại Mirage 2000 và Rafale để oanh kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq, nhưng từ chối can thiệp vào Syria vì không muốn mang tiếng tiếp tay cho Tổng thống Bachar al-Assad cho đến khi quyết định thay đổi chiến lược thông báo hôm qua.

Lý do là vì Pháp cho rằng chính IS đã gieo kinh hoàng khiến hàng triệu người Syria bỏ xứ sang châu Âu. Thứ hai là vì đánh IS cũng là bảo vệ chính cho an ninh của nước Pháp. Một nhà ngoại giao Pháp xin giấu tên tuyên bố với AFP: Syria có vai trò trung tâm đối với tình hình an ninh của Pháp, vì hàng trăm công dân Pháp theo phe thánh chiến tại Syria.

Bị chấn động và xúc động vì thảm nạn thuyền nhân chết trên biển Địa Trung Hải và từng đoàn người vượt biên giới trên bộ tràn vào châu Âu, đa số công luận Pháp có vẽ nghiêng về giải pháp tấn công trên bộ.

Tuy nhiên, cho dù 61% người được hỏi ý kiến ủng hộ giải pháp Liên quân quốc tế trực tiếp tham chiến tại Syria (theo một kết quả thăm dò được báo chí đăng tải hôm 6/9), Chính phủ Pháp không muốn lao vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc.

Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với quyết định trên của Tổng thống Hollande. Tờ báo Le Figaro viết: “Sự dấn thân mới của Pháp sẽ chẳng thể một mình thay đổi hiện trạng hiện nay. Việc xem xét lại chiến lược rộng lớn hơn đòi hỏi có một sự liên minh Arập – phương Tây. Liên minh này phải thành lập một quân đội khu vực thật sự để giành lại những vùng lãnh thổ do quân thánh chiến chiếm đóng”.

Đồng quan điểm với tờ báo thiên hữu này, nhật báo La Croix cũng cho rằng: “Giải pháp duy nhất cho thảm kịch Syria và sự chạy trốn của người tị nạn phải bằng con đường ngoại giao. Hình thức khủng hoảng và câu chuyện gần đây đòi hỏi phải đàm phán với Iran và Nga. Và buộc Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc vương xứ Arập cũng phải hành động”.

Riêng nhật báo L’Humanité phản đối thẳng thừng quyết định trên của chính phủ Paris. Tờ báo lên án “các nhà lãnh đạo Pháp đã không ngừng đưa ra lập luận hiếu chiến và sẵn sàng dấn thân vào một cuộc leo thang mới không thông qua LHQ”.

Tờ báo còn đăng bài nhận định của ông François Heisbourg – chuyên gia địa chính trị - cố vấn đặc biệt cho Quỹ vì Nghiên cứu Chiến lược tại Pháp cho rằng đó là “một sai lầm chiến lược”. Theo quan điểm của Heisbourg, một hành động như vậy trong một đất nước Syria hỗn loạn, có lẽ vừa vô ích vừa phản tác dụng.

François Heisbourg cho rằng các vụ dội bom của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu không những không làm suy yếu được quân thánh chiến IS, mà còn củng cố thêm sức mạnh của vương quốc tự xưng này. Bằng chứng hiển nhiên là các vụ phá hoại các ngôi đền tại khu di tích cổ Palmyra.

Hơn nữa người dân trong khu vực có liên quan không thể không tin là có sự thông đồng giữa các lực lượng liên quân chống IS với không quân của Damas nhắm vào cùng thành phố, gây ra những thiệt hại to lớn về nhân mạng.

Nước Pháp cho đến giờ đã tỏ ra rất khôn khéo không can dự vào sự hỗn độn này. Điều dễ hiểu là Paris muốn chứng tỏ là luôn làm nhiều hơn nữa để chống lại chủ nghĩa cực đoan vào lúc mà các mối đe dọa không ngừng gia tăng. Đương nhiên các vụ oanh kích là hấp dẫn, vì dễ đưa ra quyết định và thực hiện và rất thích hợp cho việc dàn cảnh truyền thông.

Theo ông Heisbourg, tốt hơn hết là nên chú trọng vào việc tăng cường dần các phương tiện cho DGSI –Tổng cục an ninh quốc gia, trợ giúp nhiều bộ phận và lực lượng đặc nhiệm chống lại “du khách thánh chiến” tại Syria. Việc này sẽ ít ngoạn mục hơn nhưng hiệu quả hơn. Hơn nữa, chính những phương cách này sẽ không làm trỗi dậy những ngờ vực cho là Pháp, khi gửi những chiến oanh tạc cơ, muốn làm cho mọi người quên đi việc Paris tiếp nhận rất ít người tị nạn chiến tranh Syria.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Tổng hợp từ báo chí Pháp)