Phải thận trọng với “Sách trắng quốc phòng” của Trung Quốc

07:00 | 30/05/2015

1,583 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 26-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc sẽ tham dự Đối thoại Shangri-la tại Singapore (từ 29 đến 31-5). Và ông Tôn Kiến Quốc sẽ trình bày chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc, đồng thời giới thiệu về sự hợp tác an ninh quốc tế của quân đội Trung Quốc, cũng như chủ trương về an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Năng lượng Mới số 426

 Theo nhận định của nhà nghiên cứu Richard Bitzinger đến từ Viện Nghiên cứu Quốc tế  Rajaratnam (Singapore), cho dù “Sách trắng quốc phòng 2015” (khoảng 9.000 từ) chủ yếu nhắc lại nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công bố chiến lược quân sự một cách có tổ chức tại một diễn đàn mang tầm quốc tế. Bởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ tham dự Đối thoại Shangri-la tại Singapore.

Phải thận trọng với “Sách trắng quốc phòng” của Trung Quốc

Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Ngày 27-5, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ tái khẳng định quan điểm của Mỹ phản đối hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La. Ông Ashton Carter vừa hối thúc tất cả các bên chấm dứt ngay những hoạt động xây dựng và bồi lấp ở Biển Đông, kêu gọi ngừng quân sự hóa để tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại khu vực.

Cách đây không lâu, tờ The Wall Street Journal từng đưa tin, ông Ashton Carter đã yêu cầu nhân viên nghiên cứu cách trực tiếp phản đối Trung Quốc tuyên bố độc bá Biển Đông. Đại tá Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, Bắc Kinh đã báo trước tài liệu này cho quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ biết từ gần một năm trước, và Washington liên tục kêu gọi Trung Quốc minh bạch, và Sách trắng quốc phòng 2015 là một bước đi đúng hướng.

Trước đó (thượng tuần tháng 5), Lầu Năm Góc từng cảnh báo: Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa quân sự và có tiềm năng làm giảm ưu thế kỹ thuật quân sự của Mỹ trong tương lai.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Barack Obama đánh giá “tình hình an ninh Biển Đông rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ và kinh tế thế giới”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke đã từ chối bình luận về “Sách trắng quốc phòng 2015”, chỉ nhắc lại quan điểm của Washington - kêu gọi Bắc Kinh sử dụng khả năng quân sự theo hướng bảo vệ hoà bình và ổn định ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng ngày 27-5, tờ The Straits Times (Singapore) đã dẫn từ chối của ông Jeff Rathke khi nói rằng “tôi chưa đọc Sách trắng quốc phòng 2015 của Trung Quốc”. Trong khi đó, tờ Business Insider khẳng định, Trung Quốc đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ tới Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia láng giềng châu Á, khi công bố “Sách trắng quốc phòng 2015”.

Về phần mình, khi giới thiệu “Sách trắng quốc phòng 2015”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cáo buộc, có một số quốc gia đã tăng số lần áp sát vùng biển Trung Quốc để trinh sát, và có người còn “bôi nhọ” quân đội Trung Quốc, cố tình làm rùm beng tình hình căng thẳng khu vực! Ông Dương Vũ Quân cũng ám chỉ việc Mỹ điều máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon tới chụp ảnh 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép trên Biển Đông.

“Sách trắng quốc phòng 2015” cũng không quên chỉ trích các nước láng giềng có “hành động khiêu khích” đối với 7 rạn san hô và bãi đá ngầm mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giáo sư Hugh White, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học quốc gia Australia cảnh báo, “Sách trắng quốc phòng 2015” mà Trung Quốc vừa công bố “vượt xa các vấn đề lãnh thổ” và Bắc Kinh muốn “hướng tới việc leo thang một cuộc đối đầu chiến lược Mỹ - Trung”.

Và Canberra không thể tránh được các thách thức trong hoạch định chính sách khi Bắc Kinh (đối tác thương mại lớn nhất) và Washington (đồng minh quân sự lớn nhất) trở thành đối thủ chiến lược của nhau. Giáo sư Hugh White cho rằng, một khi chiến tranh xảy ra, Australia không tránh khỏi bị ảnh hưởng, cho dù Canberra đứng giữa trong cuộc tranh chấp giữa “2 người khổng lồ”.

Trong khi Giáo sư Hugh White và giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xung đột lớn tại Biển Đông, thì Tiến sĩ Adrian Hearn, chuyên gia nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Melbourne lại cho rằng: Mỹ, Trung Quốc và Australia sẽ không để cho căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến đối đầu quân sự bởi họ đều thông minh.

Tạp chí Chính trị - Quân sự của Nga vừa có bài phân tích về “Sách trắng quốc phòng 2015”, cũng như thực trạng quân đội Trung Quốc. Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc công bố “Sách trắng quốc phòng” - cách diễn giải mới về học thuyết quân sự của Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc thay thế học thuyết “chiến tranh nhân dân” bằng học thuyết “phòng thủ tích cực” - tự cho mình quyền “tấn công đề phòng ở mức độ khu vực” nếu bị đe dọa. Và an ninh trên biển được Trung Quốc xếp đầu tiên trong số 4 “lĩnh vực an ninh quan trọng”, bao gồm đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng và lực lượng hạt nhân.

Theo “Sách trắng quốc phòng 2015”, Trung Quốc đang phải đối mặt với “hàng loạt mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và phức tạp, bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông”. Trước đây Trung Quốc không có học thuyết cho lực lượng hải quân và không quân, nhưng theo cuốn sách này thì hải quân sẽ chuyển dần từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp giữa “phòng vệ ngoài khơi” với “bảo vệ trên các đại dương”.

Theo giới chuyên gia Nga, điều này đồng nghĩa với việc tăng cường sức mạnh sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc thường xuyên hiện diện ở biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhưng phần lớn tàu thuyền đang hoạt động của Trung Quốc chỉ trang bị vũ khí lạc hậu, đặc biệt là hệ thống phòng không và săn ngầm, nên các hạm đội Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho không quân và tàu ngầm đối phương.

Không quân cũng sẽ chuyển từ phòng thủ sang phòng thủ và tấn công. Tuy nhiên, giới chuyên gia Nga coi việc xây dựng lực lượng không quân hiện đại vẫn chỉ là mục tiêu (bởi số máy bay và phương tiện phòng không hiện đại chỉ chiếm 15%) và Trung Quốc đang đẩy nhanh vấn đề này.

Bên cạnh đó, Binh đoàn pháo binh số hai được tăng cường sức mạnh nhằm ngăn chặn và phản công bằng hạt nhân, cũng như thực hiện chính xác các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm trung và tầm xa.

Tuấn Quỳnh