Phải sử dụng quyền tẩy chay để chống thực phẩm bẩn

07:10 | 09/05/2016

809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mất an toàn thực phẩm (ATTP) đang trở thành nỗi lo thường trực của từng người dân, từng gia đình khi không ai có thể từ chối trong bữa ăn hằng ngày.

 Từ rau, quả, đến thịt, cá… giờ đều có nguy cơ là thực phẩm “bẩn” mà người dân không biết làm thế nào để tránh, dù ai cũng hiểu hậu quả khôn lường của việc sử dụng phải thực phẩm mất an toàn. Tính cấp bách của vấn đề đã càng được chứng tỏ, khi ATTP trở thành một trong các nội dung nóng của kỳ họp Quốc hội mới đây, cũng như là một vấn đề trọng tâm trong chỉ đạo của Chính phủ.

phai su dung quyen tay chay de chong thuc pham ban
Nhiều vụ ngộ độc tập thể do mất ATTP

Mất ATTP đã trở nên đáng báo động khi việc lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm của các bộ, ngành đã cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong 10 tháng đầu năm 2015 là hơn 10% so với trước đó còn ở mức 3-5%. Chỉ cần tồn dư hóa chất vượt ngưỡng 1% đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vậy mà ở nước ta, con số này tới trên 10% quả là nguy cơ với sức khỏe con người quá sức tưởng tượng. Nhưng thực phẩm “bẩn” vẫn nhan nhản ở các chợ, các ngõ ngách của đời sống, như những bóng mây đen ám ảnh khiến người dân hết sức hoang mang…

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), một trong những nguyên nhân của việc mất ATTP đang phổ biến là do ở nước ta, việc sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, khi gần 10 triệu hộ nông dân hầu như đều trồng rau, trồng lúa, nuôi gà, lợn; 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm quy mô nhỏ, nhiều làng nghề chế biến thực phẩm… là mô hình đã tồn tại nhiều đời.

Các hộ gia đình, các làng nghề hầu hết đều thiếu hụt kiến thức thực hành trong sản xuất, chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong sử dụng phụ gia, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón khi sử dụng không theo chuyên môn, mà là theo truyền thống, theo kinh nghiệm cá nhân truyền lại cho nhau. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất biết phụ gia không đảm bảo vẫn sử dụng.

Gần đây, nhiều nơi đã tổ chức được cơ sở sản xuất sản phẩm an toàn và có cơ sở đã được chứng nhận là an toàn lại trà trộn sản phẩm không an toàn vào, dẫn đến làm mất lòng tin của người tiêu dùng, như vụ tuồn rau không sạch ở Công ty Trung Thành vào trường học là một dẫn chứng điển hình.

Trong bối cảnh rủi ro do sử dụng thực phẩm không an toàn cũng là thách thức với nhiều nước chứ không riêng ở Việt Nam, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn có sự cố về ATTP và riêng ở Mỹ, dù dân trí cao, môi trường và hệ thống pháp luật rất tốt nhưng họ vẫn phải xử lý 48 triệu ca tiêu chảy mỗi năm.

Ở những nước có mức sống cao còn thế, trong khi ở Việt Nam, đời sống còn nhiều khó khăn, nên có khi biết rõ là thực phẩm đã hỏng như thịt ôi thiu mà vẫn sử dụng do giá rẻ; hay biết thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn phải sử dụng vì không có lựa chọn khác. Đó chính là những lý do khiến thực phẩm “bẩn” đáng vẫn còn đất sống thay vì bị tiêu hủy.

Tình hình mất ATTP xảy ra phổ biến và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại là do đâu? Trả lời câu hỏi về nguyên nhân của tình hình mất ATTP hiện nay, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết: Liên quan đến vấn đề ATTP có 3 chủ thể chính tham gia vào là Nhà nước, tức là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với vai trò của mình, Nhà nước phải ban hành chính sách kiểm tra, giám sát, thực hiện các văn bản và hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật hiện đã đầy đủ, đáp ứng công tác quản lý, nhưng vấn đề là việc thực thi ra sao khi mà hệ thống quản lý vừa thiếu cán bộ vừa yếu về chuyên môn, lại thêm, ở nhiều nơi, nhiều lúc còn buông lỏng quản lý, dẫn đến mất ATTP tràn lan.

TS Nguyễn Thanh Phong nói rõ hơn: Ở nước ta chưa có đào tạo về quản lý ATTP, nên chính lực lượng làm nhiệm vụ quản lý về ATTP còn chưa được đào tạo về chuyên môn ATTP, nên họ phải vừa làm, vừa nghiên cứu, học hỏi để tham gia công tác quản lý. Năm 2009, mới hình thành hệ thống chi cục ATTP ở các tỉnh, thành và cán bộ vẫn còn yếu và thiếu, đặc biệt ở tuyến xã phường còn chưa có.  Kinh phí dành cho ATTP có được chỉ đạo tăng cường, nhưng thực tế chỉ bằng 20-25% của Thái Lan.

Một đối tượng rất quan trọng trong việc đảm bảo ATTP là người tiêu dùng. Thế nhưng, chính người tiêu dùng còn chưa coi trọng quyền của mình để bảo vệ chính mình trong việc đấu tranh chống thực phẩm bẩn. Vì thế, nhiều cửa hàng ăn uống bán thực phẩm ăn ngay cạnh thùng rác, rãnh nước, hay rửa bát đũa, rau quả… đều không đảm bảo vệ sinh, nhưng người tiêu dùng vẫn nhắm mắt mà sử dụng, thay vì tẩy chay để khẳng định quyền của mình, cũng như phản ứng với thực phẩm mất an toàn.

Liệu có phải mất ATTP hiện nay phổ biến là do công tác quản lý Nhà nước chưa tốt, chế tài xử lý chưa phù hợp, mức xử phạt chưa có tính răn đe hay không? Trước câu hỏi này, người đứng đầu Cục ATTP nhấn mạnh: Thực ra thì về mặt văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hành chính hiện đã đầy đủ, chỉ cần thực hiện nghiêm là đủ sức ngăn chặn. Mức phạt cho các hành vi vi phạm ATTP tối đa là 200 triệu, ngoài ra có thể phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm cùng với việc áp dụng các hình phạt bổ sung, rút giấy phép… Từ ngày 1-7-2016, các hành vi vi phạm ở mức nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Rõ ràng, vấn đề còn lại là việc xử lý có được áp dụng nghiêm hay không.

Tuy nhiên thời gian tới, để giải quyết tình trạng thực thi pháp luật chưa nghiêm, ràng buộc trách nhiệm bảo đảm ATTP cho những người quản lý ở cơ sở, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt vấn đề này khi thực hiện theo đúng luật quy định là chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước hết về các vụ vi phạm ATTP trên địa bàn. Theo đó, cùng với xử lý vi phạm về ATTP, cán bộ buông lỏng trách nhiệm để xảy ra vi phạm cũng sẽ xử lý. Các vụ việc như rửa rau bằng nước bẩn ở Hưng Yên, hay vụ phơi mứt bí trên cống đều diễn ra thời gian rất lâu, hay vụ ngộ độc thực phẩm ở Bình Phước ngày 22-4 khiến gần 200 công nhân phải nhập viện mới đây đã chỉ ra việc vi phạm ở nhiều nơi không được làm nghiêm, khi không ngăn chặn kịp thời, dẫn tới các vi phạm đáng tiếc như đã xảy ra.

Không phải nơi nào cũng làm được như Cục ATTP trong việc hằng tuần đều công khai danh sách các đơn vị vi phạm, mức độ và hành vi vi phạm cùng hình thức xử lý để báo chí thông tin đến người dân, nhằm biết được những sản phẩm kém chất lượng, cũng như tên tuổi những đơn vị có sản phẩm đó, để tẩy chay, góp phần chấn chỉnh hoạt động này.

Hoạt động giữa các bộ, ngành trong phối hợp để đảm bảo ATTP cũng đã có nhiều chuyển biến. Cùng lĩnh vực ATTP nhưng hiện do 3 bộ, là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng quản lý. Trước đây, đã xảy ra nhiều chồng chéo trong quản lý khiến người dân kêu trời vì không hiểu khi xảy ra một vi phạm người dân hoàn toàn có thể biết được, đó là do bộ, ngành nào quản lý, để “gõ cửa” phản ánh. 

TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, theo Luật ATTP, nhiệm vụ của Trung ương và của tỉnh đều được phân công rõ ràng và phân cấp cụ thể. Các nhóm ngành hàng được chia theo đặc trưng nên trong thực thi nhiệm vụ, các bộ, ngành không còn sự giao thoa như trước. Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn; quản lý phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống, bao bì trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm...; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về ATTP với rau củ quả, thịt cá, trứng sữa, chăn nuôi; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm ATTP ở lĩnh vực rượu bia, nước giải khát… Cấp tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo ATTP trên địa bàn. Để tránh chồng chéo, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã có Thông tư liên tịch về việc, nếu doanh nghiệp kinh doanh nhóm ngành hàng thuộc cả 3 bộ quản lý, thì trách nhiệm thuộc về bộ quản lý mặt hàng mà doanh nghiệp sản xuất chủ yếu.

Tuy nhiên, để có thể bảo đảm công tác ATTP chuyển biến, TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, thời gian qua, các địa phương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng việc xử lý lại không đáng kể. Vì thế, phải thực thi kiên quyết hơn với việc xử phạt, công khai các cơ sở vi phạm để người dân biết và tẩy chay, đồng thời, biểu dương các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch, để lấy lại lòng tin của nhân dân.

Dạ Miên

Năng lượng Mới 520

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc