Phải làm tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế

08:20 | 03/08/2012

759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là mong muốn cũng như nỗi trăn trở của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khi nói tại hội thảo về xây dựng Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 do Bộ Y tế tổ chức chiều 2/8.

Bất cập trong việc mở rộng thực hiện BHYT

Theo Bộ Y tế, cho đến nay, ngoài Chỉ thị số 38/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới, một số địa phương đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch thực hiện Luật Bảo hiểm y tế thì chúng ta vẫn còn thiếu những chỉ đạo cụ thể và mạnh mẽ của các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể, công đoàn trong công tác BHYT.

Rất ít địa phương có nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND về thực hiện BHYT. Có tình trạng cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại địa phương, đơn vị. Chưa coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải tập trung chỉ đạo, vì vậy ở nhiều nơi còn có biểu hiện “khoán trắng” việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho ngành Y tế và cơ quan BHXH địa phương, chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn BHYT phải có sức hấp dẫn người mua.

Trong tổ chức thực thi luật BHYT, việc thiếu đồng bộ về phương pháp cũng như sự phối hợp dẫn đến hạn chế trong mở rộng đối tượng tham gia đối với một số nhóm đặc thù.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng quyền lợi BHYT chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia, đôi khi những dịch vụ y tế thuộc phạm vi quyền lợi đã được xác định cũng không được đảm bảo. Thủ tục hành chính phức tạp có nguyên nhân từ cơ chế thanh toán chi phí và cách thức tổ chức khám chữa bệnh BHYT cũng góp phần làm giảm đi tính hấp dẫn của BHYT đối với người đã tham gia BHYT và những người chưa tham gia BHYT. Hạn chế này vẫn đang là một trở ngại cho việc mở rộng bao phủ BHYT.

Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay thì số lượng người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, lao động phi chính quy sẽ không ngừng tăng lên, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ ngày càng giảm dần. Trong khi mức đóng BHYT của nhóm người lao động này do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, quản lý số lượng lao động này cũng tương đối khó khăn, đây sẽ là một thách thức không nhỏ trong việc mở rộng bao phủ ở những đối tượng này nếu như không có sự vào cuộc đồng bộ, triệt để của các Bộ, ngành, cấp.

Mặt khác, việc bao phủ BHYT ở các nhóm đối tượng là thân nhân người lao động, hộ nông dân có mức sống trung bình trở lên cũng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của các đối tượng về lợi ích của chính sách BHYT còn hạn chế, chưa có chế tài xử lý khi các đối tượng không tham gia BHYT.

Giải pháp hướng tới BHYT toàn dân

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho hay, nếu tham gia đầy đủ, sẽ có khoảng 23 triệu học sinh, sinh viên, 10 triệu người cận nghèo và 12 triệu người lao động tham gia BHYT. Đối với nhóm thân nhân người lao động được quy định là có trách nhiệm tham gia BHYT vào năm 2012, nếu tính bình quân mỗi người lao động có 1 người phụ thuộc thì với khoảng 12 triệu người lao động, chúng ta sẽ có thêm được 12 triệu người.

Khi cơ bản các nhóm đối tượng trong xã hội với khoảng 75% dân số đã tham gia BHYT thì sẽ tạo phong trào, động lực và cơ hội thúc đẩy những đối tượng còn lại tham gia BHYT vào năm 2014 với mục tiêu đến 2015 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 85%.  Như vậy, mục tiêu BHYT toàn dân sẽ sớm trở thành hiện thực.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần có giải pháp làm cho người dân nhận thức được  BHYT là chia sẻ với cộng đồng, là quyền lợi của chính mỗi người tham gia. Với mức đóng khiêm tốn nhưng hưởng cao khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Nhà nước chỉ có thể lo cho người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, còn lại cá nhân mỗi người trong xã hội cùng chia sẻ. Nếu người dân không mua BHYT, sẽ  không thể có nguồn để cân bằng giữa khả năng tài chính với cung cấp dịch vụ tối thiểu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dù thời gian qua chúng ta đã tăng cường đầu tư nhưng về lâu dài phải tăng cường công tác phòng bệnh để giảm số người chữa bệnh. Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân thì chất lượng dịch vụ y tế và hệ thống khám chữa bệnh phải tăng cường củng cố hơn nữa. Tuyến khám chữa bệnh cơ sở phải tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh; cơ chế tài chính giá dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu cơ bản tính đúng, đủ mới có đủ chất lượng. chất lượng dịch vụ y tế phải đi theo cơ chế này không để tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế để khám chữa bệnh vỡ quỹ BHYT.

Chinhphu.vn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc