Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

Phải chống thói quen ăn sẵn của doanh nghiệp

08:25 | 27/09/2016

441 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiệp định Thương mại tự do EAEU - Việt Nam ngày 5-10 này sẽ có hiệu lực. Từ lâu rồi Chính phủ và đặc biệt là Bộ Công Thương rất lo lắng, sốt ruột và chuẩn bị quyết liệt cho việc thực hiện hiệp định sắp tới.

Nhiều hội nghị bàn về hiệp định này đã được tổ chức, thông tin cung cấp về hiệp định này đã được đăng tải rất nhiều trên website của Bộ Công Thương. Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ mà thông tin về một hiệp định quan trọng lại được đăng tải, phổ biến kỹ lưỡng như vậy.

Nhưng thật bất ngờ, trong buổi gặp gỡ của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng với một số doanh nghiệp Việt đang hoạt động ở Liên bang Nga thì có đại diện một tổng công ty lớn của Việt Nam có chi nhánh hoạt động tại Nga đứng lên thắc mắc rằng, muốn tìm hiểu thông tin về hiệp định thương mại tự do này thì tìm ở đâu. Nghe vị này hỏi xong thì Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và đại sứ Việt Nam tại Nga đều sững sờ.

phai chong thoi quen an san cua doanh nghiep
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng gặp gỡ các doanh nhân tại Nga

Khá khen cho vị lãnh đạo Bộ Công Thương đã rất nhã nhặn thông báo rằng, hiệp định này đã được đăng tải ở những đâu, rồi đồng chí cũng giải thích cặn kẽ những nét cơ bản của hiệp định này và phân tích thêm về những khó khăn có thể sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại Nga.

Sau này mới biết, không ít doanh nghiệp chẳng hiểu biết gì về hiệp định này. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã phải nói rằng, doanh nghiệp cần phải chống lại thói quen ăn sẵn. Nghĩa là cái gì cũng chờ ở trên chỉ đạo, hướng dẫn, rồi cung cấp thông tin, mà doanh nghiệp lẽ ra phải sôi sùng sục tự mình lần mò, tìm hiểu và nếu có gì chưa hiểu thì phải đi hỏi.

Quả thật, cái thói quen ăn sẵn, kiểu làm ăn “há miệng chờ sung” của người Việt ta bây giờ xem ra ngày một nặng nề.

Một ví dụ nhỏ như thế này để bạn đọc có thể thấy được cái ý thức tự mình chịu trách nhiệm với công việc của mình, với hành động của mình kém như thế nào.

Ai đã từng đi máy bay ở tại các sân bay của Việt Nam thì đều đau đầu nhức óc bởi cứ độ vài ba phút lại có tiếng loa thông báo số chuyến bay, cửa ra máy bay, giờ lên máy bay, rồi chuẩn bị giấy tờ tùy thân. Và hầu như chuyến bay nào cũng có người ra muộn, phải để hàng không nhắc nhở, gọi tên, có khi gọi đến hàng chục lần.

Lẽ ra một người đi máy bay thì phải tự chịu trách nhiệm về bản thân mình, phải xem kỹ giờ bay, cửa ra máy bay ở đâu. Và khi đến giờ thì phải ra cửa chờ sẵn sàng, đằng này cứ phải chờ gọi, thúc giục. Thậm chí trong tay cầm sẵn vé cũng không đọc mà phải đi ra hỏi nhân viên.

Thật kỳ lạ, một việc liên quan đến mình sát sườn như thế mà còn không có trách nhiệm với chính bản thân mình thì làm sao còn có trách nhiệm với những loại việc khác được.

Gần đây ngành hàng không cũng đã có những cải tiến là nhắc nhở ít hơn nhưng xem ra vẫn còn quá ồn ào về việc thông báo này.

Ai đã từng đi ra nước ngoài, ở các sân bay lớn thì hầu như không nghe thấy có tiếng loa thông báo mấy, cứ đến giờ thì máy bay khởi hành, còn thiếu ai mặc kệ.

Trong một chuyến đi công tác nước ngoài gần đây, tôi đã chứng kiến chuyện có một anh đi cùng, anh đã rất cẩn thận ra ngồi ngay ở cửa ra máy bay và rồi ngủ, vì anh nghĩ rằng thế nào họ cũng sẽ gọi. Nhưng anh ngủ thì mặc anh, họ vẫn tôn trọng để cho anh ngủ, còn chuyến bay vẫn cứ đi. Và báo hại anh phải mất tiền đi chuyến khác để sang cho kịp.

Từ một chuyện nhỏ như vậy mới thấy rằng, đúng là cái thói quen ăn sẵn đã ngấm quá sâu vào trong suy nghĩ và cách làm của nhiều người Việt, mà các doanh nghiệp có lẽ là nhiều nhất. Thời buổi này, thông tin về các vấn đề kinh tế có lẽ không thiếu gì trên truyền thông đại chúng và các website chuyên ngành bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Ấy vậy mà họ vẫn không chịu tìm hiểu và cứ đến khi bắt tay vào thực hiện, bị sai sót, thì mới à lên rằng, hóa ra là thế.

Thời gian gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành đang có nhiều biện pháp nhằm cải cách quyết liệt thủ tục hành chính, tạo các điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Và theo thông báo mới nhất, số liệu doanh nghiệp được thành lập mới đã tăng hơn 30%. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, điều đó chứng tỏ rằng, các chính sách của Chính phủ đã và đang đi vào cuộc sống.

Lập doanh nghiệp thì không khó, thậm chí rất đơn giản, nhưng để cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển bền vững được thì đó là cả một vấn đề nếu như không muốn nói trước mặt doanh nhân là cả một chặng đường đầy chông gai ở phía trước.

Để vượt qua được thì đầu tiên là chính người chủ doanh nghiệp đó phải chống bằng được thói quen ăn sẵn, thói quen “há miệng chờ sung” và mỗi một doanh nghiệp đều phải có ý thức rằng, phải tự mình cứu mình, đừng có hơi tí là kêu gào, van xin Chính phủ cứu. Khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, giàu có thì chắc chắn chẳng có ai xung phong nộp thêm tiền cho Nhà nước, nhưng đến khi khó khăn, mà nhiều khi khó khăn đó do chính họ gây ra thì lại tìm cách đổ lỗi cho người khác. Rất hiếm doanh nghiệp Việt dám thừa nhận rằng, kết quả kinh doanh bết bát như thế này là do tôi dốt, tôi không biết làm kinh tế, hoặc tôi đã sai lầm.

Như Thổ

Năng lượng Mới 561

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc