Trước tình trạng dược liệu bị cạn kiệt ở Hà Giang:

Phải bảo tồn nguồn thuốc quý

19:00 | 08/07/2013

1,395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nguồn dược liệu quý hiếm ở nước ta đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt mà không có phương án bảo tồn. Hiện nay, khoảng 90% dược liệu ở Việt Nam phải nhập từ nước ngoài với giá thành rất cao nhưng chất lượng thì phải “ăn lại nước hai, nước ba”. Nhận thấy tầm quan trọng này, có một công ty đã đứng ra với quyết tâm bảo tồn dược liệu quý hiếm này giữa vùng cao nguyên đá Hà Giang hùng vĩ.

“Chảy máu” dược liệu

Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo của cả nước nhưng lại được thiên nhiên ban tặng một số nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm mà nhiều nơi không có. Nhiều vùng đồi núi cao có khí hậu rất thích hợp cho cây dược liệu phát triển. Tuy nhiên những năm gần đây, người dân một số đồng bào các dân tộc thiểu số đã khai thác dược liệu tự nhiên đem bán khiến nguồn dược liệu nơi đây cạn kiệt.

 Ông Trung Anh - Giám đốc Công ty Bình Minh 3 ở Quản Bạ

Anh Hứa Văn Huân, một người dân ở xã Phong Quang, địa phương có nhiều khu rừng già, rừng nguyên sinh cho chúng biết: “Cách đây độ ba năm và cho đến bây giờ, dân bản các địa phương như Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì… chỉ cần đi bộ vài bước chân lên bìa rừng là có thể lấy được dược liệu. Mỗi ngày, ít nhất một người dân cũng gùi về nhà được ngót nghét 200kg dược liệu. Giá dược liệu vào thời điểm ấy rất rẻ, 1kg đã qua sơ chế - băm nhỏ, phơi khô được thương lái Trung Quốc mua với giá 2.000 đồng. Vì kinh tế khó khăn do chỉ trông chờ vào cây ngô nên người dân ở đây cứ xong vụ mùa họ lại rủ nhau đổ xô lên rừng tìm dược liệu kiếm thêm thu nhập”. Vào thời điểm ấy, nhẩm tính sơ sơ tại một số địa phương thì mỗi ngày cũng phải có đến hàng chục tấn dược liệu được lấy từ trên rừng về và đem bán sang bên kia biên giới. Sau đó, người Trung Quốc tinh chế, chiết xuất thành các thành phẩm từ dược liệu rồi lại xuất khẩu “ngược trở lại” nước ta với giá “cắt cổ”.

“Chảy máu” dược liệu là bài toán nan giải cho ngành chức năng tỉnh Hà Giang. Trước tình trạng người dân ồ ạt tìm dược liệu quý đem bán thì lãnh đạo tỉnh này đã nghĩ đến phương án cần sớm ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, dược liệu. Để làm tốt điều này thì lực lượng kiểm lâm, lực lượng an ninh địa phương đóng vai trò chủ chốt. Thế nhưng, khi thực  hiện công tác này thì tỉnh Hà Giang lại gặp phải chiêu bài của thương lái Trung Quốc là thu mua giá cao ngay khi họ “đánh hơi” thấy dược liệu được cơ quan quản lý chặt chẽ. Điều đó làm cho người dân Hà Giang bằng mọi cách lùng sục dược liệu quý để bán cho người Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Hà Giang đã xây dựng dự án trồng cây cải dầu trên vùng cao nguyên đá để tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sản phẩm cải dầu thiếu đầu ra, mặt khác lại ảnh hưởng đến những cây lương thực như ngô, lúa do liên quan thời vụ và vấn đề an ninh lương thực của địa phương nên dự án lại trở nên khó khăn.

Vậy phải làm thế nào để vừa bảo tồn được dược liệu quý vừa giúp người dân làm kinh tế nhằm tránh tình trạng tìm dược liệu quý đi bán? 

Nhận thấy vùng cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang có lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có thể phát triển và bảo tồn cây dược liệu quý hiếm, Công ty CP Thương mại Nông lâm nghiệp Bình Minh 3 (gọi tắt là Công ty Bình Minh 3) dám cả gan đứng ra làm “liều” nhận “khôi phục” nguồn dược liệu tại mảnh đất địa đầu tổ quốc này. Công ty đã được giao diện tích đất để trồng và bảo tồn dược liệu.

Chung tay bảo tồn

Đường lên địa điểm trồng dược liệu của Công ty Bình Minh cao hun hút, dốc cua tay áo, núi đá. Trên đường đi chứng kiến rất nhiều đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày… thu gom dược liệu tự nhiên lấy từ trên rừng đem phơi ở dọc đường. Đi xe máy hơn một giờ đồng hồ, vượt qua nhiều dãy núi cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi mới đến được địa chỉ Công ty Bình Minh 3 nơi quy hoạch trồng được gần 90 ha cây dược liệu tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ.

Dược liệu người dân khai thác tự nhiên ngày càng cạn kiệt

Dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng dược liệu, anh Trung Anh - Giám đốc Công ty Bình Minh 3 chia sẻ, từ tháng 8 năm 2012, doanh nghiệp Bình Minh quyết định đầu tư trồng và bảo tồn cây dược liệu tại Hà Giang. Là kỹ sư trẻ tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, nhưng vì đam mê, yêu thích công việc nên khi được nhận nhiệm vụ chuyển công tác từ Hà Nội lên vùng cao, Trung Anh không hề đắn đo, ngại ngần. Anh cho biết, để mục tiêu bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở Hà Giang bước đầu đạt được những khả quan như hôm nay là nhờ  có thời gian nghiên cứu, công sức và tiền của, đặc biệt là sự chung tay góp sức của lực lượng công an, bộ đội tỉnh Hà Giang và nhân dân địa phương các dân tộc.

Tổng số diện tích cây dược liệu Công ty Bình Minh 3 đã trồng tại xã Quyết Tiến thì có 28 loại dược liệu nằm trong danh mục 40 loại dược liệu được Bộ Y tế khuyến cáo trồng và 6 loại dược liệu quý của bản địa. Trong 8 tháng trồng thử nghiệm (từ tháng 8/2012  đến nay) thì có 34 loại dược liệu mà Công ty Bình Minh 3 đem trồng như bạch chỉ, đương quy, hà thủ ô, đỗ trọng, atiso, sâm Hàn Quốc… phát triển tốt. Trong quý 4/2013 Công ty Bình Minh 3 sẽ xây dựng một nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu tại huyện Quản Bạ và tương lai mỗi huyện sẽ có 1 nhà máy sơ chế dược liệu. Hiện tại, Công ty Bình Minh 3 đã đầu tư khoảng 100 tỉ đồng để triển khai trồng 500ha dược liệu trong năm 2013.

Gặp chị Hoàng Thị Mận (dân tộc Tày) là công nhân của Công ty Bình Minh 3 ở xã Quyết Tiến, chị Mận cho biết: “Lâu nay dân bản mình thường lên rừng tìm cây thuốc mang về bán cho thương lái Trung Quốc, giờ dược liệu hiếm rồi, mình phải trồng, chăm sóc nó thì mới có”. Không riêng gì gia đình chị Mận, nhiều bà con dân bản khi được tuyên truyền, giảng giải về việc bảo tồn và gìn giữ cây thuốc quý hiếm tại đia phương đã thấy đây là việc làm cấp thiết. Nếu không, không những về kinh tế mà sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng khi dược liệu quý bị thất thoát.

Bước đầu, việc trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu của Công ty Bình Minh 3 đã có những tín hiệu vui. Tuy nhiên, theo anh Trung Anh, đầu tư, kinh doanh, sản xuất dược liệu như “đánh bạc” với trời, được mất khó lường. Để đảm bảo cho dự án phát triển cây dược liệu thành công, Công ty Bình Minh 3 đã phải cắt cử cán bộ túc trực ngày đêm tại các “điểm nóng” để tránh một số đối tượng xấu phá hoại, trục lợi từ cây dược liệu.

Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hiện nước ta phải nhập khẩu tới 90% dược liệu để sản xuất dược. Tuy nhiên, trong 90% dược liệu nhập khẩu đó thì “độ tinh” có trong dược liệu chỉ còn 10-20% bởi hầu như những “tinh chất” này đã bị chiết xuất. Chính vì vậy, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế rất quan tâm và ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu trong nước nhằm cung cấp sản phẩm tốt nhất để đảm bảo việc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.


Hà Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc