Làm mới ca khúc cách mạng:

“Phá cách” đừng “phá hỏng”!

07:00 | 23/05/2018

1,521 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài năm trở lại đây, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã làm mới nhiều bản nhạc cách mạng theo phong cách riêng. Điều này cho thấy một thực tế, khi đối tượng khán giả thay đổi, âm nhạc cũng cần thay đổi để vừa “tiếp lửa” cho các ca khúc cách mạng, vừa phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc thời kỳ mới. 

“Trẻ hóa” nhạc cách mạng

Có thể khẳng định, nhiều nhà sản xuất, nhiều ca sĩ đã và đang nỗ lực rất nhiều để góp phần “trẻ hóa” nhạc cách mạng - dòng nhạc vốn gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhiều ca sĩ hát nhạc thị trường như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hoàng Quyên, Noo Phước Thịnh… cũng thử sức với những ca khúc cách mạng. Các ca khúc như “Biển hát chiều nay”, “Và ta lại viết sử xanh” do Mỹ Tâm thể hiện đã nhận được nhiều tình cảm của công chúng. Đàm Vĩnh Hưng khi ra mắt album “Chiếc vòng cầu hôn” cũng mong muốn với cách làm mới các bài hát, khán giả sẽ đón nhận dễ dàng hơn các ca khúc cách mạng.

pha cach dung pha hong
Một tiết mục trong chương trình “Giai điệu tự hào”

Đặc biệt, có nhiều sản phẩm sau khi được làm mới khiến chính “cha đẻ” của các ca khúc đó phải thấy bất ngờ và hứng thú. Đó là trường hợp “Chiếc khăn piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho với bản phối mới của nhạc sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê, qua sự thể hiện của ca sĩ Tùng Dương. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, “Chiếc khăn piêu” qua tiếng hát của Tùng Dương đã vượt qua thời đại nó sinh ra để tiếp tục gắn bó với cuộc sống âm nhạc đương thời.

Gần đây, nhiều người có cảm tình với “Giai điệu tự hào” trên VTV - một chương trình có chủ trương làm mới nhạc cách mạng. Trong chương trình, ca khúc “Hò kéo pháo” cũng được nhạc sĩ Thanh Phương phối khí lại và mạnh dạn đưa vào rock heavy metal, hay ca sĩ Tùng Dương đã thể hiện ca khúc “Nơi đảo xa” với phong cách Jazz Blue…

Mới đây, ca sĩ Phạm Thu Hà tung ra album “Giai điệu tự hào” với 10 ca khúc cách mạng: “Cánh chim báo tin vui”, “Tự nguyện”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Lời ru trên nương”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Bài ca may áo”… Cô sử dụng các kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao đưa vào các ca khúc vốn đã quen thuộc.

Ca sĩ Đức Tuấn sau rất nhiều năm ấp ủ cũng cho ra đời album “Những bài ca không quên” và DVD “Bài ca không quên”. Không chỉ tự mình thể hiện các ca khúc, Đức Tuấn còn mời Hiền Thục, Ngọc Mai, Noo Phước Thịnh… tham gia để thổi sức sống trẻ vào các ca khúc.

Làn sóng “trẻ hóa” các ca khúc cách mạng cũng tác động tới các gameshow truyền hình như “Đồ Rê Mí”, “Giọng hát Việt nhí”… khi không ít các ca sĩ nhỏ tuổi mặc trang phục bộ đội, áo du kích, trang phục dân tộc hát các bài “Lì vào Sáo”, “Bạch Đằng Giang”, “Trường ca Sông Lô”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”…

Đổi mới cần có “tâm” và “tầm”

Việc làm mới nhạc cách mạng là một hướng đi vừa có nhiều ý nghĩa vừa có tính tiếp nối. Bên cạnh những lo ngại về việc “phá cách” quá đà các ca khúc cách mạng, rất nhiều nhạc sĩ và ca sĩ đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với việc “làm mới” ca khúc mà vẫn bảo đảm tính thẩm mỹ và ý nghĩa của ca khúc.

Nhạc sĩ Huy Thục chia sẻ: “Tôi trân trọng các nhạc sĩ trẻ đã kỳ công cách tân những bài hát thời mưa bom bão đạn. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng nhiều bản phối cũ chỉ phù hợp với những thời kỳ nhất định, vì vậy, người làm nhạc cần phải phối lại để các sáng tác cũ không xa lạ trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự đổi mới trong âm nhạc không nên hướng đến một đối tượng cụ thể nào, dù là già hay trẻ, mà phải là hướng tới mục tiêu xây dựng nền âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc, không bao giờ chấp nhận sản phẩm âm nhạc lai căng. Người sáng tạo phải tự hỏi xem tác phẩm âm nhạc của mình đã xứng đáng với tình cảm của công chúng hay chưa? Một bài hát hay không chỉ là sự hòa quyện của kết cấu tốt, giai điệu tốt, giọng ca tốt mà còn là sự đánh giá của công chúng. Với tôi, một tác phẩm âm nhạc chỉ được coi là thành công khi được công chúng ủng hộ và tán thưởng”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Minh Thái cho rằng, mới hay cũ không quan trọng bằng việc truyền tải thông điệp của bài hát. Mỗi bài hát đều có thông điệp của tác giả, thậm chí có cái tứ của nó. Nhiệm vụ của ca sĩ hay của nhạc sĩ phối khí mới là phải hiểu được hoàn cảnh sáng tác của bài hát cũng như tình tự của dân tộc có trong bài hát.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng ủng hộ quan điểm làm mới các ca khúc cách mạng. Ông nói: “Chỉ những nghệ sĩ có trình độ và chuyên môn mới làm được các bản nhạc mới. Tuy nhiên, các ca khúc cách mạng được làm mới cần phải làm “tử tế” và có chuyên môn, nếu không ca sĩ sẽ phá hỏng bản nhạc vốn có của nó, vì ranh giới giữa “phá cách” và “phá hỏng” rất mong manh. Tôi cho rằng, các ca sĩ trẻ cần phải có trách nhiệm để làm mới những giá trị tinh thần trong ca khúc cách mạng với thế hệ kế tiếp. Để làm được như vậy, các ca sĩ trẻ phải có thời gian và chuyên môn, đầu tư nhiều vào bài hát để các ca khúc cách mạng khoác lên mình tấm áo mới mà không bị chê là phá hỏng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Các ca khúc cách mạng được làm mới cần phải làm “tử tế” và có chuyên môn, nếu không, ca sĩ sẽ phá hỏng bản nhạc vốn có của nó, vì ranh giới giữa “phá cách” và “phá hỏng” rất mong manh.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.