PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nhiều người dân Thủ đô đang "dẫm" lên văn hóa

16:27 | 18/06/2015

2,567 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau bài viết: “Báo động nạn mất dạy ở Hà Nội” được đăng tải trên Báo Năng lượng Mới – PetroTimes, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý đối với nạn “mất dạy” trên địa bàn Thủ đô mà Báo Năng lượng Mới - PetroTimes đã phản ánh. Chỉ đạo nhanh nhạy này chứng tỏ những vấn nạn trong lối sống và hành xử của một bộ phận người dân Thủ đô đang khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu.

>> Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội

>> Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý "nạn mất dạy ở Thủ đô"

Không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến những hành vi “phản văn hóa” đã và đang tồn tại trong đời sống thường nhật của người dân Thủ đô, nhiều người phải thốt lên rằng: “Hà Nội thanh lịch không còn”. 

Điều này chạm đúng vào “nỗi đau” của rất nhiều người vẫn “nặng lòng” với Hà Nội.

Có một thực tế không thể phủ nhận là giới trẻ, thanh thiếu niên ở Thủ đô có nhiều biểu hiện "vô văn hóa" hơn hẳn so với giới trẻ ở các địa phương khác, kể cả so với TP HCM. Vì sao giữa Thủ đô lại có hiện tượng “nhờn luật” như vậy? 

Báo Năng lượng Mới - PetroTimes đã có cuộc trao đổi với nhà Xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình về vấn đề này:

Nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình.

PV: Chưa khi nào những hành vi phản văn hóa như nói tục, chửi bậy, chống đối người thi hành công vụ… ở Thủ đô lại trở nên đáng báo động như hiện tại. Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đây là vấn đề quan trọng nhưng khá nhạy cảm, nó chạm đến nỗi bức xúc của rất nhiều người. Bởi chính những “Người Hà Nội” (theo nghĩa đầy đủ), họ đều bất bình với sự xuống cấp này.

Xưa người ta vẫn nói Hà Nội được nhìn nhận là nơi hội tụ văn hóa dân tộc, không phải ngẫu nhiên có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để dành cho bộ phận tinh tú. Xin nhớ rằng, Hà Nội là phép cộng của những tinh hoa văn hóa được tích tụ về đây.

Bên cạnh nét rêu phong cổ kính với những tinh hoa văn hóa trong ứng xử, giao tiếp, người Hà Nội xưa đã đem đến một niềm kiêu hãnh với nét đặc trưng là kín đáo, thanh lịch, văn minh, không ồn ào và xô bồ. Thế nhưng giờ đây, những giá trị này hoàn toàn bị đảo lộn.

Quan sát những chuẩn mực trong nếp sống người Hà Nội suốt một thời gian dài, tôi cho rằng đó là cái dấu ấn tác động của cả một giai tầng dài, khi chúng ta lăng-xê đạo đức tập thể với những bài thuyết giảng đạo đức sáo rỗng, tinh thần chủ nghĩa và không ai chịu thua thiệt. Đến khi chuyển sang nền kinh tế thị trường thì những căn bệnh thành tích, thích nói những lời to tát… vẫn không bị loại trừ.

Khi căn bệnh thành tích phổ quát, bệnh vô cảm lên ngôi sẽ dẫn đến hệ quả là sự trượt gãy của hệ giá trị mà con người ta từng tôn thờ, nhất là khi người ta hay nhìn vào nhau để hành xử.

Điều gì đã đem đến những hiện tượng đáng buồn như sự chen lấn trong các lễ hội, xô đẩy trong những cuộc ăn, chơi miễn phí hay tranh giành ngay cả cái áo mưa tài trợ? Bởi, ai cũng nghĩ đến việc người được lợi tại sao không phải là mình?

Không phải tất cả nhưng đại bộ phận con người đang quên đi cái thời chúng ta đã từng hô hào “mỗi người vì mọi người”. Ở thời đại này, không thiếu những người hô hào khẩu hiệu đó nhưng sau khi hô mọi người đứng lên thì người đó lại cố thủ để lo xây dựng vững chắc cho cái lâu đài riêng của mình.

Tất nhiên cái tốt, cái tuyệt vời vẫn còn đâu đó nhưng chúng ta cứ phải kích họat nó lên. Một ví dụ điển hình như, đi nghĩa vụ quân sự là cao quý, là tuyệt vời. Vậy thì tầng lớp con em cán bộ cũng phải nhập ngũ chứ? Tại sao lại phần đông là con em nông dân? Tại sao lại có chuyện dùng tiền mua để không phải thực hiện nghĩa vụ? 

Vậy mới nói, toàn các giá trị ảo lên ngôi, người ta không còn biết đâu là thực, đâu là ảo; đâu là thăng hoa, đâu là trần thế. Để rồi trong bối cảnh đó, ai cũng nghĩ rằng việc gì mình không tự đục khoét và mối quan hệ giữa người với người nó bị trượt đi, ai cũng chỉ nhìn thấy cái lợi của mình.

Điều này khiến tội phạm, tội ác ngày càng gia tăng, thậm chí nói không ngoa là "phát triển rực rỡ" trong xã hội này.

PV: Không chỉ có nói bậy, văng tục mà nhiều thanh niên còn có thái độ thách thức pháp luật… Từ thực trạng này, người ta đặt câu hỏi tại sao lại có hiện tượng hiện tượng "nhờn luật" ở Thủ đô?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình:  Cách đưa Luật pháp vào thực tiễn của người Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề. Cùng trên một nội dung nhưng ta thấy ở TP. Hồ Chí Minh họ hành xử khác. Tôi cho rằng, lý do cũng bởi một khía cạnh chúng ta đã quen với cái tư duy viện dẫn kiểu huyết thống, rồi quen biết tiểu nông, tư tưởng “chim di là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen…”, cứ dựa dẫm mãi vào những mối quan hệ thân quen thành thử cái duy tình nó thắng cái duy lý. Cái hoạt động vô chính phủ, tùy tiện ăn đứt với tinh thần nghiêm cẩn, thượng tôn luật pháp dẫn tới luật pháp không được lên ngôi.

Không phải ngẫu nhiên người ta đưa ra cái quy chế công chức hay bổ nhiệm, nâng lương…  bằng công thức: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ”. Công thức này nó viện dẫn vào trong đời sống Thủ đô rất là nhiều và chúng ta cũng mạnh dạn nhìn vào tầng lớp “trên” của Thủ đô là nặng vào đối phó. Tư duy nhiệm kỳ, che chắn nhiễm vào thành một hệ ứng xử của người Hà Nội. Hệ ứng xử đó nó nhiễm từ nhóm thượng đỉnh, cho đến cả dân ngụ cư lao động. Cứ thử hình dung, cả xã hội đang sống với gia đình, các thành viên chủ chốt mà hành xử không ra gì thì không hy vọng gì những nhóm yếu thế hơn họ khâm phục.

Cựu người mẫu Trang Trần được biết đến với thói quen văng tục, chửi bậy, hành xử vô văn hóa.

 

PV: Vậy trên phương diện xã hội học, ông có nhìn nhận về hành xử trong lối sống của người Hà Nội?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Thực ra xét về các quy trình, các thể chế thì ở nơi nào cũng có vấn đề. Tuy nhiên, thể chế quy trình đưa luật pháp vào thực hiện thì Hà Nội hơn ở bất cứ nơi nào khác vẫn cứ là nặng chất “du di”. Tức là không đẩy tới được pháp trị mà là nhân trị. Một khi đã nói chuyện nhân trị là gia đình chủ nghĩa, là họ hàng, là đi ngang về tắt… thì nó không thể vào khuôn khổ.

Chuyện buộc lòng tôi phải nói đi nói lại ở đây là đâu đó người Hà Nội gốc người ta vẫn giữ được hành vi ứng xử, vẫn có cái gì đó cầu kỳ hơn, thanh sạch hơn, có trật tự hơn. Vẫn duy trì được thói quen ứng xử nhưng chúng ta sống trong giai đoạn xô bồ, mọi người đến rồi đi, nên xây dựng lên cái bản giá trị cho người Hà Nội trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

PV: Giữa những bộn bề ấy người ta tự an ủi Thủ đô Hà Nội cũng có những “cái khó” riêng?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Hà Nội là nơi du nhập những thành phần di cư đến từ các vùng miền, dòng chuyển cư tự phát đó cũng làm thêm một màu sắc cho phố phường thủ đô. Chúng ta đang trong quá trình chuyển động từ cái cũ, sang cái mới mà cái mới thì chưa định hình hoàn toàn. Nên mới nảy sinh những trường hợp giao đãi về văn hóa, khi văn hóa xưa đang bị phai nhạt thì màu sắc của chủ nghĩa thực dụng trở nên thắng thế, những khái niệm bị tráo đổi. Ví dụ những con người sạch sẽ, kính già nhường trẻ thì lại trở thành bị chê cười là… hâm.

PV: Lại có ý kiến cho rằng: Truyền thông tập trung quá nhiều tại Thủ đô, khiến Hà Nội hay bị “săm soi” và đôi khi, dư luận trở nên “vô lối”?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Ở đây có hai khía cạnh, tất nhiên truyền thông ở Hà Nội nhiều và mạnh nên mức độ “săm soi” cũng nhiều hơn. Thế nhưng, cũng phải nói Hà Nội là Thủ đô nên các cơ quan truyền thông cũng đòi hỏi anh phải hơn kẻ khác, chỉ cần anh tụt hậu hơn là anh đáng phải nhận búa rìu rồi. Xét về sơ đồ hóa là vậy. Nhưng nói lại thì cũng để thấy, thanh niên Hà Nội “mất dạy” chỉ có hai nhóm tạo nên sự mất dạy đó.

Thứ nhất là nhóm liên quan đến tầng lớp có quyền lực và có tiền.

Thứ 2 là nhóm hoặc tụt đáy, hoặc không có gì để mất. Nhóm không có gì để mất họ còn có một cái mất sâu sắc đó là mất niềm tin vào thể chế. Nên cái làm nên “mất dạy” của nhóm con ông cháu cha, có liên quan đến quyền lực và tiền bạc, tác động mạnh đến xã hội hơn là nhóm “ngồi xổm, ngồi bệt”. Bởi nhóm bần cùng của xã hội không có điều kiện để làm nên sự cộng hưởng đến các nhóm, mà họ chỉ tác động đến nhóm dưới đáy của họ mà thôi.

Còn phía dư luận, tôi cho rằng một bộ phận không nhỏ người dân ở Hà Nội mắc căn bệnh là “bạ gì cũng chê, bạ gì cũng chửi”. Điển hình khi bộ quy tắc ứng xử được quy định của Hà Nội được đưa ra thì rất nhiều ý kiến chê bai rằng chỉ là hình thức. Khi bộ quy tắc được đưa ra rất nhiều người đặt câu hỏi nó khác gì với những đòi hỏi mà một cơ quan cần đối với việc quản lý?

Nhưng thử hỏi, những điều kiện tưởng chừng cơ bản đó có mấy tổ chức thực hiện được? Và tất cả những điều khoản đưa ra không quá lố bịch, nó dựa trên những đòi hỏi chung. Cá nhân tôi nghĩ, trước tình trạng này nếu có một bộ quy tắc vào vận hành thì cũng vẫn tốt. Người ta cứ nghĩ rằng đó là những điều tầm thường, tại sao phải quy định? Nhưng nếu như không có những điều tầm thường đó như một “điển lệ” để chúng ta soi vào… thì chúng ta sẽ tiến bộ hơn.

PV: Trước thực trạng này, nếu nói phải hành động thì theo ông làm thế nào thể cải thiện tình hình này?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Câu chuyện muôn đời là quay về giáo dục. Bởi giáo dục là cốt lõi của mọi vấn đề, cách giáo dục từ gia đình đến nhà trường. Tất nhiên, giáo dục không phải là cái “bị bông” để viện dẫn cho mọi lý giải. Nhưng giáo dục là đơn vị đầu tiên, nhỏ nhất ngay cả khi sống trong một ốc đảo thì một gia đình vẫn cần có giáo dục.

Ngoài xã hội, vị trí người đứng đầu, tầng lớp trên đóng vai trò chủ đạo. Họ cần biết đề cao các giá trị nhân văn, nhân bản của con người, thực hành quyền con người, một cách ưu trội hơn nữa. Đi liền với thiết chế chính trị thì thiết chế pháp luật cũng phải được củng cố, nghiêm ngặt hơn bởi thiết chế pháp luật có nghĩa vụ điều chỉnh hành vi của con người.

Cần thực hiện rõ ràng nguyên tắc: “Luật pháp nghiêm minh, quân pháp bất vị thân”.

Huyền Anh

(Thực hiện)

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc