PGS Văn Như Cương và những “dấu ấn” trong giáo dục

14:07 | 09/10/2017

1,917 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Rạng sáng ngày 9/10, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh đã trút hơi thở cuối cùng. Song, những “dấu ấn” mà thầy để lại cho học trò Lương Thế Vinh nói riêng và những người quan tâm tới lĩnh vực giáo dục thì khó có thể phai mờ.  

Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và thể hiện “dấu ấn cá nhân” cũng như tư duy giáo dục đậm nét thông qua mô hình trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thắn, những hành động quyết liệt. Không dài dòng, không thỏa hiệp nhưng cũng đầy tình yêu thương, những chia sẻ, những phát biểu của PGS Văn Như Cương vẫn luôn ghi dấu ấn sâu sắc trong tâm trí nhiều thế hệ học sinh.

Khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường hết sức quan trọng vì nó sẽ quyết định cho tương lai của mỗi người

Trong lễ khai giảng năm học 2012-2013, PGS Văn Như Cương đã chia sẻ với học sinh của mình mục đích của học tập và đề cập tới nhiều vấn đề "nóng" trong học đường hiện nay. Trong bức thư đầu năm học mới, thầy nhấn mạnh: “Trong đời sống của con người, khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường hết sức quan trọng vì nó sẽ quyết định cho tương lai của mỗi người. Bằng cách nỗ lực trong học tập và rèn luyện, các em đang chuẩn bị cho mình hành trang về kiến thức cũng như về nhân cách để bước vào đời, bước vào cuộc sống sôi động, phong phú với nhiều thử thách và nhiều cơ hội. Các em có thể vượt qua thử thách, có thể nắm bắt được cơ hội nếu như các em không bỏ phí hoài thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Hãy nhớ câu châm ngôn: “Ai bắt đầu từ lúc còn trẻ người đó sẽ trở thành bậc thầy”.

pgs van nhu cuong va nhung dau an trong giao duc
PGS Văn Như Cương và học sinh trường Lương Thế Vinh

Thầy cũng nhắn nhủ: "Hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không lên mạng để “câu giờ”, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí… Hãy học tập hết mình, học chủ động, sáng tạo, không hời hợt qua loa. Ngay trong thời gian trên ghế nhà trường Lương Thế Vinh các em hãy rèn luyện cho mình những phẩm chất cần có về nhân cách. Hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu…”.

Không có lao động thì không có sáng tạo

Đó là những dòng nhắn nhủ đầy tâm huyết của thầy Văn Như Cương gửi các phụ huynh nhân dịp đầu năm học mới năm 2013. Những nhắn gửi ấy khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình khi nhận ra mình có nhiều thiếu sót trong dạy con, khiến xã hội suy ngẫm về cách giáo dục thế hệ trẻ, và khiến các học sinh càng yêu quý người thầy trọn đời dành cho giáo dục...

Trong tâm tư, thầy chia sẻ: “Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó.

pgs van nhu cuong va nhung dau an trong giao duc
PGS Văn Như Cương trong lễ khai giảng năm học mới

Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn "được voi, đòi tiên", bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Trước hết, chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành. Đối với con cái, nếu "yêu cho roi cho vọt" là quan điểm sai lầm thì "yêu cho ngọt cho bùi" cũng sai lầm không kém.

Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kì việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng "dùi mài kinh sử". Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rút ra một nhận định: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công.

Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận... và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.

Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày… để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng”.

Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình!

Trong lễ khai giảng năm học 2014-2015, PGS Văn Như Cương đã có một bài phát biểu về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc khiến toàn thể giáo viên và học sinh cảm động.

pgs van nhu cuong va nhung dau an trong giao duc
PGS Văn Như Cương tại lễ khai giảng với áo cờ đỏ sao vàng

Trong bài phát biểu đầu năm học mới, thầy căn dặn: “Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô… Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng…

Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chúng ta mong muốn là "dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh’’.

Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, trước hết các em phải là những người tử tế!

Trong lễ khai giảng năm học 2015-2016, vị hiệu trưởng khả kính của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh đã có những chia sẻ đầy chân tình và cảm động tới học sinh về mục đích của việc học tập.

Thầy Văn Như Cương cho rằng: “Đã bao giờ các em suy nghĩ một cách nghiêm túc để trả lời đúng đắn cho một câu hỏi có vẻ tầm thường sau: “Hàng ngày chúng ta đến trường để học cái gì?”. Phần lớn các em đều nhanh chóng có câu trả lời: “Học những điều có trong sách vở, cụ thể nhất là trong sách giáo khoa”. Chính vì thế mà người ta hay nói: “Cắp sách đến trường”…

Thầy năm nay đã 79 tuổi, thầy cũng được “cắp sách đến trường” liên tục từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ… Và bây giờ, khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, thầy phải thừa nhận rằng những điều mình đã được học ở trường thực sự ra không phải là toàn những “bảo bối” và cũng không phải những “cẩm nang kỳ diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy…, trong cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân định được rõ ràng. Bởi vì hồi bấy giờ, nhà trường chỉ truyền thụ những kiến thức thuần túy sách vở, ít gắn liền với đời sống xã hội ngoài nhà trường”.

“Bởi vậy với tư cách là một thầy giáo nhiều tuổi nghề và nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng “Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi”.

pgs van nhu cuong va nhung dau an trong giao duc
PGS Văn Như Cương và học sinh trường Lương Thế Vinh

Nền giáo dục của chúng ta đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt thì ngoài những kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp”.

“Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác… nhưng trước hết phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta… Đó là điều thầy mong chờ ở các em”.

"Hãy nhớ rằng công việc gì có thể làm hôm nay thì đừng có để đến ngày mai mới làm!"

Trong lễ khai giảng năm học 2017-2018 của trường THPT Lương Thế Vinh, PGS. TS Văn Như Cương đã truyền cảm hứng cho học sinh thông qua một thông điệp giàu ý nghĩa: Một phút chữa bệnh lười!

Thầy nhấn mạnh: “Bệnh này có những biểu hiện và triệu chứng như sau: lười học, lười nghe giảng, lười làm bài tập, lười suy nghĩ, lười phản biện, lười đặt câu hỏi.

Tại sao như vậy? Lười đọc sách hoặc chỉ đọc những cuốn sách nhảm nhí, lười đọc kiến thức tham khảo; lười lao động, lười làm việc chân tay kể cả những điều phục vụ cho chính bản thân mình; lười tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể. Kể ra thì còn nhiều triệu chứng lười nữa. Chắc rằng mỗi em đều cảm thấy mình đã mắc phải những triệu chứng đó.

Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi. Con bệnh sống một cách uể oải, họ không suy nghĩ gì, không làm được một việc gì mặc cho thời gian vẫn trôi đi từ giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác, thậm chí năm này qua năm khác”.

PGS Văn Như Cương cũng đưa ra phương pháp “chữa bệnh lười” cho các học sinh: “Thầy nói về phương pháp giúp con bệnh mau chóng khỏi bệnh, thầy xin giới thiệu một phương pháp hết sức quan trọng và có tác dụng rất lớn với hầu như toàn thế giới, đó là phương pháp “Kaizen”. Phương pháp này được ghép từ hai từ “kai” tức là “đổi mới”, “zen” là “một cách thông minh”. Phương pháp này được phát minh bởi nhà hiền triết Nhật Bản Masaaki Imai.

pgs van nhu cuong va nhung dau an trong giao duc
Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh

Theo phương pháp này, mỗi ngày em chỉ cần bỏ ra đúng một phút. Đúng một khung thời gian quy định để làm công việc mà các em lười nhất, chán nhất. Một phút sau em lại kết thúc không làm công việc đó nữa. Quan trọng nhất là ngày nào cũng phải làm và làm đúng giờ quy định.

Em có thể sử dụng phương pháp “Kaizen” này và chắc chắn sẽ bất ngờ với những kết quả nhận được. Chính bản thân thầy đã thử nghiệm phương pháp này và thấy có tác dụng hết sức rõ rệt. Hãy nhớ rằng công việc gì có thể làm hôm nay thì đừng có để đến ngày mai mới làm”.

Bên cạnh đó, thầy Văn Như Cương còn nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ và đề ra các phương án đổi mới giáo dục, chống tiêu cực thi cử, gian dối trong trường học, bạo lực học đường, lương tâm người làm nghề giáo, phẩm chất của học sinh… Có thể nhắc đến câu: “Ai cũng vào đại học là lạc hậu”, “Tôi thương con em chúng ta khi phải học đủ mọi thứ” hay “Giới thiệu đại biểu mà quên không kèm giáo sư, tiến sĩ là rất phiền. Card visit cũng phải đầy đủ chức danh. Đây là háo danh chứ không phải hiếu học”.

PGS Văn Như Cương, sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.

Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới. PGS Văn Như Cương là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông được Chính phủ công nhận chức danh Phó giáo sư và có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

PGS Văn Như Cương còn chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.

Khoảng 1h ngày 9/10, Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh) đã qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật.

Lê Huyền

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.