20 năm sau sự ra đời của thuốc Viagra

Pfizer tiếp tục tìm kiếm điều “thần kỳ”

08:08 | 14/04/2018

3,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
20 năm sau sự ra đời của thuốc Viagra, Công ty Dược Pfizer vẫn tiếp tục nghiên cứu các loại thuốc mới vừa có khả năng đem lại cho họ lợi nhuận hàng tỉ USD vừa thu hút thêm nhiều khách hàng trong khi vẫn giữ được các quan niệm về đạo đức.

Do chính sách chung về việc cắt giảm chi phí sản xuất, kể từ năm 2014, Pfizer đã ngừng nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới. Vì vậy, sẽ mất khá nhiều thời gian để công ty ra mắt loại thuốc “thần kỳ” mới.

pfizer tiep tuc tim kiem dieu than ky
Trụ sở của Pfizer tại Mỹ

Theo các dự báo được công bố vào tháng 2-2018, các chi phí dành cho việc nghiên cứu và phát triển thuốc của Pfizer trong năm nay ước tính khoảng 7,4-7,9 tỉ USD, đã giảm đi 3,4% so với năm trước. Trong khi đó, các công ty đối thủ cạnh tranh của họ là Merck và Johnson & Johnson đã đầu tư lần lượt là 10,1 tỉ USD và 10,55 tỉ USD cho việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới.

Công ty Dược Pfizer đã thực hiện việc cắt giảm chi phí bằng cách từ bỏ các mảng hoạt động điều trị, đồng thời sa thải bớt nhân viên làm việc trong các mảng này. Vào tháng 1-2018, công ty dược lớn thứ hai trên thế giới về doanh thu này đã quyết định ngừng việc nghiên cứu các loại thuốc trị các bệnh về thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson, sau khi việc thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc này của họ thất bại.

Pfizer cũng có dự định bán luôn mảng các loại thuốc không kê đơn của công ty (thuốc chống viêm Advil, các loại thực phẩm bổ sung Centrum và Caltrate, son dưỡng môi ChapStick).

Chia sẻ các rủi ro

Nói chung, các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp dược phẩm Hoa Kỳ hiện đang phải trả các chi phí cao nếu họ muốn cho ra mắt sản phẩm thuốc mới và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành. Bên cạnh đó hiện nay, thời gian để chờ phê duyệt cấp giấy chứng nhận một loại thuốc cũng bị kéo dài, doanh thu mà các hãng dược thu được cũng không ổn định do họ phải chịu áp lực từ phía các quy định của chính phủ về việc không được bán thuốc với giá quá cao.

pfizer tiep tuc tim kiem dieu than ky
Thuốc Viagra có mặt khắp nơi trên thế giới
Công ty Pfizer được hai anh em Charles Pfizer và Charles Erhart thành lập để sản xuất hóa chất tại Brooklyn, New York vào năm 1849. Thế mạnh lớn nhất của Pfizer không phải là phát triển dược phẩm mà là phân phối dược phẩm khi có trong tay lực lượng trình dược viên lớn nhất và các chi nhánh phân phối dược phẩm trên toàn thế giới. Pfizer ngày càng tỏa sáng nhờ vào những loại biệt dược thu về hàng tỉ USD mỗi năm.

Theo Trung tâm Tufts, chuyên nghiên cứu phát triển thuốc, một công ty dược phải đầu tư trung bình khoảng 2,6 tỉ USD để loại thuốc mới của họ được cấp giấy chứng nhận. Theo Viện QuintilesIMS, trong vòng 20 năm trở lại đây, chỉ có 19 loại thuốc có thể tạo ra doanh thu hằng năm khoảng 1 tỉ USD sau 5 năm ra mắt.

Đối mặt với tình hình thị trường thuốc không ổn định như hiện nay, công ty dược Pfizer cảm thấy nên chia sẻ các rủi ro này, do đó họ quyết định đưa công ty đi theo một mô hình kinh doanh mới đang được phổ biến rộng rãi trong ngành công nghiệp hiện nay.

Họ đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty đối thủ như Merck và Bristol-Myers Squibb. Bên cạnh đó, họ còn hợp tác phát triển các công nghệ sinh học với các công ty mới khởi nghiệp và các trường đại học để phát triển các mảng thuốc trị ung thư và miễn dịch trị liệu. Công ty này cũng đã tạo ra quỹ đầu tư để tài trợ cho các nghiên cứu khoa học được tiến hành bên ngoài công ty.

Thâu tóm và sáp nhập

Mới đây, phát ngôn viên của Công ty Dược Pfizer nói rằng: “Với kinh phí hiện tại, trong 5 năm tới, chúng tôi có thể tạo ra 15 loại thuốc mang lại lợi nhuận cao”. Đồng thời họ cũng đảm bảo rằng, trong 3 năm nay, chi phí của công ty dành cho lĩnh vực R&D cũng rất ổn định.

Trong Công ty Pfizer, ngoài thuốc Viagra thì họ còn đưa ra thị trường một số loại thuốc đặc hiệu nổi tiếng như thuốc chống cholesterol Lipitor, thuốc chống trầm cảm Zoloft, thuốc chống viêm Celebrex...

Năm 2017, doanh thu của công ty dược phẩm này đã giảm 0,54% xuống còn 52,54 tỉ USD. Và thậm chí nếu theo đúng như dự đoán về sự phục hồi của công ty trong năm nay thì mức tăng doanh thu cũng sẽ không vượt quá 5%. Doanh thu của công ty bị ảnh hưởng nguyên nhân là do sự cạnh tranh chung trên thị trường, do sự phát triển nhanh chóng của các loại thuốc so sánh (biosimilar) và các loại thuốc sinh học có giá thành rẻ hơn như vắc-xin hay các loại thuốc từ tế bào gốc.

Tại châu Âu, thuốc kháng viêm sinh học Enbrel cũng đang phải cạnh tranh với sự phát triển của các loại thuốc biosimilar.

Trong thời điểm hiện tại, Công ty Pfizer hy vọng có thể vượt qua những khó khăn đang gặp phải bằng các vụ thâu tóm, sáp nhập. Theo các nhà phân tích tài chính, sau hai nỗ lực không thành công trong việc mua lại AstraZeneca và Allergan, công ty này đang tìm kiếm một mục tiêu lớn.

Năm 2016, Công ty Dược phẩm Pfizer đã mua lại Medivation và Anacor, giúp thêm vào danh mục thuốc Xtandi, một loại thuốc chống ung thư tuyến tiền liệt và thuốc Eucrisa (crisaborole), một loại thuốc mỡ để điều trị bệnh chàm.

Thương vụ mua lại Hospira, doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại thuốc tiêm và các loại thuốc biosimilar vào năm 2015, đã giúp Pfizer tăng cường các mảng hoạt động chính của họ.

Sự thành công tình cờ của Viagra

Viagra là tên hiệu của thuốc Sildenafil dùng để giúp chứng liệt dương ở nam giới, do Công ty Pfizer Inc. sản xuất và bắt đầu thương mại hóa vào năm 1998. Bất ngờ là Viagra không được chủ đích nghiên cứu tạo ra mà chỉ là sự tình cờ.

Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, sự phát triển kinh tế thế giới đem lại nhiều điều tốt đẹp cho con người, nhưng cũng đem lại những hệ lụy. Một trong những hệ lụy đó là sự bùng nổ của các nhóm bệnh liên quan đến chuyển hóa và chế độ sinh hoạt như huyết áp, đau thắt ngực, tiểu đường… trong khi những thuốc hiện có đã phần nào cũ kỹ, không đem lại hiệu quả và lợi nhuận như kỳ vọng. Pfizer tiến hành triển khai nghiên cứu và thử nghiệm một loại thuốc điều trị huyết áp và đau thắt ngực mới có hoạt chất là Sildenafil citrat (Viagra).

Năm 1992, Viagra được thử nghiệm trên người tại một thị trấn nhỏ của xứ Wales. Kết quả thu được rất khả quan, thuốc kiểm soát được huyết áp và triệu chứng đau thắt ngực. Tuy nhiên, những người đàn ông tham gia thử nghiệm nhận thấy dương vật họ cương cứng hơn bình thường và họ ham muốn tình dục hơn. Điều này khiến nhóm nghiên cứu của Pfizer lưu ý. Năm 1993, Pfizer lập nhóm nghiên cứu về Viagra theo hướng điều trị rối loạn cương dương tại Anh và Mỹ. Năm 1994-1995, triển khai nghiên cứu, thử nghiệm ở quy mô toàn thế giới.

Năm 1996, Viagra bắt đầu được sử dụng điều trị thực nghiệm trên những bệnh nhân gặp phải vấn đề về tình dục do mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tổn thương cột sống. Kết quả khả quan của Viagra trong điều trị rối loạn cương dương được công bố trên nhiều tạp chí y khoa nổi tiếng thời gian đó, đánh dấu sự ra đời của cái tên Viagra. Năm 1998, Viagra được Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) thông qua, được bán ở thị trường Mỹ và bắt đầu một chu kỳ rực rỡ. Sau khi được bán tại châu Âu vào tháng 9-1998, Viagra đã nhanh chóng trở thành cỗ máy kiếm tiền kéo thu nhập của Pfizer tăng vọt. Trong 2 năm 1999 và 2000, doanh thu từ sản phẩm Viagra trên thế giới đã tăng 30%.

20 năm kể từ ngày ra đời cho tới nay đã có hàng tỉ viên Viagra, (cả thật lẫn giả) được bán ra, làm giàu cho Pfizer và những kẻ làm thuốc giả. Viagra giả đã xuất hiện trên khắp thế giới, Viagra được rao bán tràn lan trên Internet, vì vậy người dùng khó lòng mà biết đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Thuốc Viagra giả có những chất độc không thua gì thuốc trừ sâu hay mực của máy in. Để chống lại tình trạng thuốc giả, Pfizer Inc. cho bán Viagra trực tiếp cho các bệnh nhân trên trang web của công ty.

D.H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc