Petronas: Tầm nhìn quốc tế của một công ty quốc gia

07:00 | 05/09/2016

1,383 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như các công ty dầu khí quốc gia (NOC) của Trung Quốc “đi ra ngoài” bằng cái thế của một nước lớn và túi tiền rủng rỉnh, thì Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia Petronas của Malaysia lại rất được vị nể bởi chiến lược phát triển và tầm nhìn mang tính quốc tế của họ.  

Tham vọng toàn cầu

Petronas không phải là công ty dầu khí đầu tiên hoạt động tại thị trường Malaysia - quốc gia được đánh giá là giàu tiềm năng dầu mỏ ở Đông Nam Á, với trữ lượng được chứng minh khoảng 4 tỉ thùng dầu (số liệu 2011), cao thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Trước đó - vào những năm cuối của thế kỷ XIX, khi nước này vẫn nằm dưới ách thống trị của Anh và Hà Lan, Hãng dầu Hoàng gia Hà Lan Shell đã tiến hành những hoạt động thăm dò đầu tiên tại các mỏ dầu ở Sarawak. Giếng dầu đầu tiên được khoan vào năm 1910 tại Miri, Sarawak.

Cho đến năm 1963, Shell vẫn tiếp tục là nhà khai thác dầu mỏ duy nhất tại khu vực này. Sau đó, chính phủ liên bang của Malaysia đã cấp cho Esso, Continental Oil và Mobil giấy phép thăm dò ngoài khơi bang Terengganu - phía đông bắc bán đảo Malaysia. Đến tháng 8-1974, chính quyền Malaysia mới chính thức thành lập công ty dầu khí nhà nước mang tên Petronas, đảm nhận và quản lý toàn bộ nguồn tài nguyên dầu khí trong nước, phát triển và tăng giá trị các mỏ hydrocarbon.

tam nhin quoc te cua mot cong ty quoc gia
Trụ sở chính của Petronas

Ngoài việc thăm dò và khai thác dầu khí, Petronas cũng tham gia vào các hoạt động khác như lọc dầu; marketing, bán và phân phối dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ; vận chuyển và phân phối khí; hóa lỏng khí; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu…

Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, triển vọng của ngành dầu khí Malaysia vẫn rất tươi sáng. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển nhanh ở thập niên 70 và 80, sản lượng khai thác dầu mỏ ở nước này chững lại ở mức trung bình khoảng 615.000-680.000 thùng/ngày. Do phát hiện dầu không theo kịp nhịp độ phát triển của khai thác dầu thô và các nguồn dự trữ dường như giảm dần, Petronas đã đề ra 2 chiến lược: Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong thăm dò dầu khí ở Malaysia; Tăng trữ lượng dầu của đất nước thông qua việc thực hiện thăm dò khai thác ở nước ngoài.

Petronas bắt đầu mở rộng hoạt động ra quốc tế từ thập niên 90. Trong giai đoạn đầu, tập đoàn tập trung vào các hoạt động thượng nguồn ở các nước láng giềng Đông Nam Á, khởi đầu là hợp đồng hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí tại Lô số 01& 02 ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1996, Petronas mới thực sự bước ra ngoài khu vực và tăng cường thêm các hoạt động hạ nguồn. Hợp đồng mua lại 30% cổ phần với giá 775 triệu USD trong Engen - mạng lưới bán lẻ và cung ứng nhiên liệu lớn nhất của Nam Phi là bước đột phá đánh dấu giai đoạn phát triển mới này của Petronas. Thương vụ Engen đã đem lại cho Petronas quyền kiểm soát 18% công suất lọc dầu và 27% thị trường bán lẻ nhiên liệu của Nam Phi. Ngoài ra, Engen còn giúp Petronas phát huy ảnh hưởng tại các nước thuộc khu vực miền Nam sa mạc Sahara như Kenya, Lesotho, Malawi, Mauritius, Mozambique, Swaziland, Tanzania, Zambia, Zimbabwe... Đến giờ, mảng hoạt động ở Engen vẫn là “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp đến 20% doanh thu hằng năm của Petronas.

Ngày nay, Petronas đang ngày một mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc hợp tác với nhiều tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia trên thế giới trong khuôn khổ các hợp đồng phân chia sản lượng (PSC), chủ yếu do công ty con Petronas Carigali Sdn Bhd tiến hành. Đến năm 2012, Petronas đã tham gia vào 22 liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí tại 14 nước trên thế giới, từ các hoạt động thượng nguồn đến hạ nguồn. Sản lượng khai thác ở nước ngoài đạt 118.000 thùng/ngày trong tổng số 1,16 triệu thùng/ngày của cả tập đoàn. Trữ lượng dầu khí ở nước ngoài là 3,3 tỉ thùng, chiếm 19% tổng trữ lượng của tập đoàn (số liệu 2011).

Bên cạnh đó, Petronas còn thâm nhập sâu rộng vào các thị trường bán lẻ nhiên liệu trên thế giới. Thương hiệu dầu nhờn Petronas Lubricant của Petronas Lubricant International (PLI) - công ty con của Petronas, được thành lập vào năm 2008, hiện đã có mặt tại hơn 80 nước trên thế giới, với mạng lưới phân phối được điều hành bởi các công ty con một cách chuyên nghiệp.

Những ưu đãi đặc biệt

Thương hiệu Petronas là một trong những niềm tự hào quốc gia của Malaysia. Trụ sở của Tập đoàn - tòa tháp đôi Petronas tọa lạc ở thủ đô Kuala Lumpur cũng được coi là một trong những biểu tượng ấn tượng nhất về đất nước Đông Nam Á này. “Cỗ máy kiếm tiền” này thường xuyên đóng góp ít nhất là 30% ngân sách quốc gia của Malaysia. Họ cũng phải đóng thuế gấp đôi các doanh nghiệp Malaysia bình thường khác. Theo trang cilisos.my, một công ty Malaysia nếu kiếm được 500.000RM doanh thu thì phải nộp thuế doanh nghiệp, với mức 19% doanh thu. Nếu kiếm được nhiều hơn 500.000RM thì phải nộp thuế doanh nghiệp ở mức cao hơn, là 24%. Đối với Petronas, ngoài các khoản thuế thông thường, họ còn phải nộp cái gọi là thuế thu nhập dầu mỏ, lên đến 38%. Điều này có nghĩa là mỗi 1RM họ kiếm được, chính phủ được 0,38RM.

Gánh trách nhiệm và nghĩa vụ nặng nề như vậy, nhưng đổi lại, Petronas cũng nhận được sự ưu ái đặc biệt của Chính phủ Kuala Lumpur.

Từ khi mới thành lập, hoạt động của Petronas đã được bảo trợ bằng Đạo luật Phát triển Dầu khí năm 1974. Theo đạo luật này, Petronas được trao toàn bộ quyền sở hữu, cũng như quyền, đặc quyền và lợi ích liên quan đến khai thác và sản xuất dầu và khí đốt, ngoài khơi và trên đất liền tại Malaysia. Petronas cũng là cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép cho bất kỳ nhà thầu bên thứ ba nào muốn tham gia vào các hoạt động dầu khí thượng nguồn và cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn, bao gồm cả các nhà cung cấp giàn khoan và dịch vụ khoan, cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động thượng nguồn. Petronas cũng được quyết định về hình thức và điều kiện của hợp đồng.

Dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir Mohamed, Petronas được ưu ái chẳng khác gì “con cưng”. Có lần, một bộ trưởng trong nội các Malaysia đã phàn nàn trong một cuộc họp gồm các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Malaysia rằng, giám đốc điều hành Petronas đã phớt lờ chỉ thị của ông ta. Khi đó, Thủ tướng Mahathir đã công khai bảo vệ Petronas. Ông chỉ trích ngài bộ trưởng kia và nói trước toàn thể cuộc họp rằng: “Hãy để Petronas yên!”. Câu chuyện này do một quan chức tham gia cuộc họp tiết lộ, đã phần nào cho thấy quyền tự quyết mà Chính phủ Malaysia đã trao cho Petronas lớn thế nào.

Sự ủng hộ mà Kuala Lumpur dành cho Petronas khi “chinh chiến” ở nước ngoài cũng mạnh mẽ không kém. Các quan chức Malaysia từng tiết lộ công khai trên báo chí rằng, sở dĩ Petronas giành được chiến thắng trong thương vụ Engen là nhờ hậu thuẫn ngầm của chính quyền Tổng thống Nam Phi khi đó là ông Nelson Mandela. Đây chính là sự đền đáp của ông Mandela đối với sự ủng hộ mạnh mẽ mà Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed đã dành cho cá nhân ông, cũng như chính quyền non trẻ của ông hồi năm 1994.

Từ một công ty đơn thuần quản lý và điều tiết lĩnh vực thượng nguồn của Malaysia, đến nay, Petronas đã phát triển thành một tập đoàn dầu khí lớn mạnh, 20 năm liền nằm trong Fortune Global 500 - top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Linh Phương