PC Phú Yên: Thầm lặng những thợ điện xử lý sự cố

10:40 | 13/11/2015

727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chèo đèo, vượt suối để phát quang hành lang tuyến, xử lý sự cố… là công việc thường nhật của những thợ điện xử lý sự cố ở PC Phú Yên.
pc phu yen tham lang nhung tho dien xu ly su co

Phát quang cây cối ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, Phú Yên)

Nhiều khó khăn, vất vả

Đã gần 12 giờ trưa mà các anh vẫn còn vác sào, dao... luồn lách trong các rẫy sắn của người dân để đến chỗ đường dây cần phát quang. Gặp chúng tôi, mặc dù áo đã thấm đẫm mồ hôi nhưng các anh vẫn tiếp chuyện rất nhiệt tình, thân thiện.

Theo anh Tống Vũ Quốc Việt-công nhân Điện lực Đồng Xuân (PC Phú Yên), vì sắp bước vào mùa mưa bão nên các anh phải chủ động phát quang cây cối nằm trong hành lang an toàn lưới điện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố điện xảy ra. Và đây chỉ là một trong những công việc mà các anh đã chuẩn bị và thực hiện từ 2 tháng nay.

Được biết, những địa phương miền núi như Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh có bán kính quản lý rộng, từ 70-80km nên việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho các hộ dân đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của các công nhân đường dây này.

Anh Huỳnh Quang Tuấn -Đội trưởng Đội quản lý đường dây và trạm Điện lực Sơn Hòa khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm nhiệm vụ phát quang hành lang tuyến, xử lý sự cố đã cho hay: Kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào mùa World Cup năm 2014, huyện Sơn Hòa bị sự cố mất điện ở ba xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân vào lúc 20 giờ. Vào 2 giờ sáng hôm sau có chương trình khai mạc World Cup. Nghe báo mất điện, chúng tôi vội vã chuẩn bị dụng cụ và đến hiện trường.

"Mất điện trên diện rộng nên anh em chúng tôi phải huy động hết lực lượng và cố gắng tìm vị trí bị sự cố. Phân chia và kiểm tra nhiều lần vẫn không tìm ra sự cố. Lúc đó, chúng tôi nản lắm, nhưng nghĩ đến người dân đang từng phút đợi mình để xem ti vi nên ai cũng cố gắng. Phải đến 1 giờ 30 phút sáng mới đóng điện trở lại cho người dân. Xử lý xong sự cố điện, anh em chúng tôi thấy bớt lo âu, căng thẳng” - anh Tuấn kể lại.

Tại Điện lực Sông Hinh, công việc xử lý sự cố cũng không kém phần gian nan và vất vả. Với đặc điểm là vùng núi có rừng đặc dụng và rừng cây cao su, trong vô số các sự cố xảy ra, có sự cố ngoài mong muốn là lâm tặc cưa cây gỗ và làm ngã đổ vào đường dây điện, gây cháy nổ, rất nguy hiểm. Vì ở rừng núi non hiểm trở nên rất khó khăn để tìm ra sự cố, do vậy các anh em điện lực ở đây phải khoanh vùng và lội bộ hàng giờ đồng hồ mới tìm địa điểm để khắc phục. Và một sự cố cũng thường xuyên xảy ra, đó là rắn bò lên lưới ở các vị trí dây néo, bị điện giật chết và gây sự cố nhảy máy cắt…

Anh Đậu Thanh Bằng, Đội trưởng Đội quản lý đường dây và trạm Điện lực Đồng Xuân tâm sự: “Để khắc phục sự cố xảy ra ở vùng xa, chúng tôi còn phải biết bơi, biết chèo thuyền và phải có sức khỏe tốt. Có lần xử lý sự cố điện ở thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ vào mùa mưa, khi anh em lội qua sông gặp nước lớn phải gửi xe và dùng chiếc sõng câu cá của người dân địa phương để bơi qua sông Kỳ Lộ. Sau đó, thuê người chở đến địa điểm xảy ra sự cố cách 15km với nhiều vật tư, dụng cụ đồ nghề nặng”.

Anh Bằng còn cho biết thêm, đặc điểm đường đi của huyện Đồng Xuân là đường tia, không có các đường liên thông xã, nên mặc dù sự cố ở hai xã rất gần nhau theo đường chim bay nhưng chúng tôi phải quay về Điện lực rồi mới đến tiếp xã khác, mất nhiều thời gian.

Niềm vui thầm lặng

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng các anh cảm thấy vui. Vui vì trong quá trình đi xứ lý sự cố điện được bà con hết sức ủng hộ và giúp đỡ. Nhớ năm 2009 bão đổ bộ vào Phú Yên nặng nhất là huyện Đồng Xuân. Sau cơn bão, lưới điện bị hư hỏng nặng, trụ điện bị gãy đổ hàng loạt, hàng nghìn công tơ bị hỏng. Mỗi ngày ngành điện phải huy động lực lượng CBCNV làm việc từ 6 giờ sáng đến 18 giờ không kể thứ 7, chủ nhật để sớm cấp điện trở lại cho khách hàng. Mặc dù bị thiệt hại nhiều nhưng các hộ dân vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Người thì cho ở trọ, cho gửi đồ, lo cơm nước; người thì khuân vác công dụng cụ; thanh niên giúp dựng trụ, kéo dây,… thậm chí còn giúp phát quang hành lang tuyến và dọn dẹp sân bãi nơi xảy ra sự cố.

Anh Trần Văn Huynh -Giám đốc Điện lực Đồng Xuân chia sẻ: “Nhìn đống đổ nát sau cơn bão, quang cảnh hoang tàn, nghĩ không biết đến khi nào sẽ xử lý xong để cấp điện phục vụ cho khách hàng. Thế nhưng, được sự động viên và giúp đỡ của các đơn vị bạn, của CBCNV và đặc biệt là người dân địa phương, chỉ sau 9 ngày đã cấp điện trở lại cho các hộ dân”.

Với 30 năm gắn bó với ngành điện, trải qua nhiều công việc từ trực vận hành nhà máy điện đến việc gắn mới công tơ, trực xử lý sự cố lưới điện… anh Lê Xuân Lộc-công nhân Điện lực Tuy Hòa đã ví công việc xử lý sự cố giống như chăm sóc con nhỏ. Chậm một phút là nhiều nhà phải chờ điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Vì vậy, ai đã từng làm công việc này thì tinh thần lúc nào cũng phải sẵn sàng và khẩn trương, không kể trưa nắng hay lúc đêm khuya. Các anh được ví là “bác sĩ” để chăm sóc cho lưới điện đảm bảo điện thông suốt, cung cấp điện liên tục cho khách hàng.

Suốt mấy tháng qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, các hộ dân sử dụng điện quá tải, nhất là vào buổi trưa nắng khi khách hàng đang nghỉ trưa. Nhận được tin báo mất điện tại phường Phú Lâm, hai anh thợ điện tức tốc đến nơi. Sau một thời gian vắt vẻo trên trụ điện để xử lý dưới cái nóng oi bức, các anh đóng điện lại cho khách hàng. Mặc dù mệt nhưng bù lại các anh rất vui vì hành động rất nhỏ - đó là sự quan tâm mời vào nhà nghỉ ngơi và uống ly nước mát từ tay khách hàng. Và các anh lại nhận điện thoại, chạy ngược ra xã An Phú xử lý tiếp.

Khách hàng Đặng Văn Dự, phường 9, TP Tuy Hòa kể: Chưa được 10 phút kể từ khi tôi gọi vào Tổng đài 19001909, các anh thợ điện đã có mặt. Các anh nhanh chóng tìm ra sự cố do điện chạm chập trong nhà. Mặc dù phần sau công tơ là do khách hàng tự quản lý nhưng các anh vẫn vui vẻ và nhiệt tình sửa chữa để có điện. Ngoài ra, còn cẩn trọng dặn chúng tôi phải sử dụng như thế nào cho an toàn và không để xảy ra sự cố nữa.

Đằng sau những gian nan, vất vả để giữ nguồn điện ổn định cho sinh hoạt khách hàng, về đến nhà, các anh lại tiếp tục giữ ấm cho cuộc sống gia đình. “Những người làm công việc xử lý sự cố như chúng tôi, gia đình phải hiểu và thông cảm vì tính chất nghề nghiệp là khẩn trương và luôn sẵn sàng. Nghề nào cũng vậy, đều có nhiều khó khăn, vất vả, có cả sự hy sinh hết mình cho công việc và làm gì cũng phải có cái tâm. Đảm bảo cấp điện lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất là chúng tôi vui”, anh Lộc tâm sự.

Hoa Hồng

  • el-2024