Ôtô về làng

07:00 | 20/02/2018

737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nông thôn bây giờ đời sống đã khá giả hơn trước nên nông dân cũng bắt đầu chơi ôtô. Cứ mỗi lần về quê, tôi lại thấy đường làng xuất hiện thêm vài cái ôtô nữa. Có người sắm ôtô để dùng vào việc làm ăn, đi lại giao dịch nhưng nhiều người chỉ chơi ôtô cho oai. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Chưa bao giờ giá ôtô lại rẻ như bây giờ. Người có điều kiện ở thành phố thì thay xe cũ, mua xe mới. Thế là xe cũ được chuyển về bán lại ở nông thôn. Những loại xe ở đẳng cấp thấp đã chạy mấy năm thì giá chỉ còn 200-300 triệu, thậm chí có xe chỉ chừng 100 triệu. Nông dân trồng trọt, chăn nuôi giỏi thì thu nhập mấy trăm triệu một năm bây giờ không hiếm. Vậy thì phải nâng đời từ xe máy lên “xế hộp” thôi. Nông thôn trở thành thị trường tiêu thụ xe cũ.

Nông dân đi ôtô riêng sinh lắm chuyện vui, buồn. Những ai đã sắm ôtô thì tự nhiên hình thành nhóm bạn chơi xe. Vị thế của họ cũng tự nhiên được nâng cấp, vì mọi người nhìn vào có phần kính nể. Thế là có ông cứ coi như mình thuộc giới thượng lưu của làng. Dáng đi, cách nói bắt đầu thay đổi. Đã có xe thì phải nghĩ đến chuyện ăn chơi. Cuối tuần, người có xe được mấy ông bạn rủ rê lên tỉnh hoặc xuống biển ngao du, ăn uống. Mỗi người một tháng cũng tốn thêm dăm ba triệu. Đấy là chưa nói đến chuyện mấy anh đi vi phạm luật giao thông, bị phạt tiền triệu như cơm bữa.

Dịp hè tôi về quê chơi. Anh bạn nối khố hân hoan thông báo: “Tớ vừa tậu con xe đấy, 300”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Thế à, nhưng ông có đi đâu mà lại mua xe?”. Anh bảo: “Đời mình khổ mãi rồi, giờ cũng phải cho nó mát mặt một tí chứ”. Anh ngồi tựa lưng vào ghế, hai chân vắt chéo, rung rung vẻ đắc ý lắm. Vừa lúc ấy, vợ anh ở dưới bếp lên, quần ống thấp ống cao, mặt đỏ rực, lấm tấm mồ hôi. Dứt lời chào tôi xong, chị xả ra một tràng như liên thanh: “Đấy, anh xem! Nhà em đây còn vạn thứ cần tiền. Nhà xuống cấp, tivi, bàn ghế, giường tủ cũ, con cái học hành. Thế mà ông ấy đi rước cái của nợ về để có đồng nào đổ hết vào đấy. Sáng mấy ông đi ăn sáng, uống cà phê; chiều rủ nhau đi đánh cầu lông ở sân bóng cuối xã. Hơn cây số mà mấy ông cũng “đánh” xe đi, còi bấm nhặng xị, ầm ĩ khắp cả xóm. Đúng là phởn đời!”. Ông bạn tôi trợn mắt, dậm chân quát: “Bà im mồm đi, đàn bà đái không qua ngọn cỏ thì biết cái gì mà mồm loa mép giải! Cho lợn ăn chưa? Còn đứng đấy mà lải nhải à?”.

oto ve lang
Đường làng bắt đầu bị ùn tắc

Sáng hôm sau, anh bạn gọi tôi đi ăn sáng ở quán canh cá đầu làng. Anh bảo tôi cứ ra cổng đứng chờ, dăm phút nữa anh đến đón. Thế mà tôi chờ đến 20 phút mới thấy anh lái chiếc xe đến, bò rón rén như xe lu. Tôi lên xe rồi, thấy anh móc điện thoại gọi cho vài ông bạn nữa. Khi đến quán, tôi đã thấy hai, ba cái xe đỗ ở đấy. Có tới dăm bảy ông đang rót rượu và nói rất to ở cái bàn ăn giữa nhà hàng. Có ông “to còi” khích tướng: “Sao ông đi chậm thế nhỉ, tay lái còn non lắm”. Anh bạn tôi phân trần: “Tớ còn đi đón ông bạn đây ở Hà Nội về chơi”.

Ăn sáng bắt đầu bằng 2 quả trứng vịt lộn/người. Nhưng để ăn hết 2 quả vịt lộn thì họ đã xơi hết nửa chai 65 “cuốc lủi”. Một chai nữa được gọi ra. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Các ông còn lái xe mà uống rượu ghê thế, sáng ra đã uống?”. Một anh nói luôn: “Vô tư đi bác ơi. Có mồi là phải rượu. Mà đi một quãng ngắn đường làng có gì phải suy nghĩ. Ở đây không có Cảnh sát giao thông”. Một anh khác đã nói meo méo tiếng: “Bác ạ, lâu nay cứ tưởng lái xe ôtô khó lắm. Em mới học có 20 ngày đã lái được rồi đấy”. Kinh quá! Tôi hỏi: “Anh đã biết lùi xe chưa?”. Tất cả phá lên cười, anh kia thẹn quá, ngẩn tò te. Một anh nói như quát: “Thằng này mua xe rồi mới đi học lái. Nó đang đi “chạy” bằng đấy. Mấy hôm nay, về đến nhà là nó toàn nhờ bọn tôi đánh xe lùi vào sân hộ, nó chưa biết lùi. “Khiếp thật, các ông liều quá” - tôi nói. Tất cả cười vang.

Ăn xong món canh cá thì hai chai 65 cũng cạn sạch. Đồng hồ chỉ 9 giờ. Tất cả kéo nhau sang quán cà phê. Chắc họ cũng không phải dân sành cà phê mà cà phê ở đây cũng không thuộc loại xịn. Nhưng họ vẫn uống, nhả khói thuốc lá, thuốc lào mù mịt. Có ông uống dè dặt, nhăn mặt vì đắng, mấy lần xúc thêm đường. Họ nói to lắm, tranh nhau nói. Chuyện làm ăn, chuyện xe cộ, chuyện mua sắm đồ gia dụng. Rồi họ gọi điện thoại, nói rất to. Người gọi mua phân bón, người mua thuốc tăng trọng, người mua thuốc bảo quản thực phẩm, người hẹn giờ giao trứng, giao cá, cân lợn, đều giọng trịch thượng cả. Nghe rộn rã, khí thế làm ăn nhớn nhưng tôi lại thấy lo cho cách sống hồn nhiên của họ.

Dịp cuối năm tôi về, hỏi thăm anh bạn về “hội ôtô”. Anh cười hì hì nói: “Tôi đang định bán xe đây, đúng là vô tích sự thật, con vợ mình nó mắng là phải. Ngồi uống nước, anh bạn điểm lại cho tôi nghe: Vừa rồi, một cậu va phải một ông già đi xe đạp trong xóm. Gia đình ông ấy bảo đấy là lao động chính, chữa lành rồi vẫn phải bồi thường mấy chục triệu. Một cậu húc đổ cổng vì lái kém, bẹp dúm đít xe. Một cậu cán lên đàn vịt đi qua đường rồi lao xuống ao. Vài cậu nữa xe đểu, sửa chữa liên tục, mỗi lần hết vài chục triệu…”. Tôi bảo thế thì nguy nhỉ? Anh bạn nói tiếp: “Úi giời! Thế mà còn mấy ông “đầu sáu” nữa đang đi học lái để mua ôtô đấy”.

Mốt chơi xe ấy chỉ béo mấy anh sửa xe ở phố huyện, dù tay nghề mới ABC. Xe cũ hỏng vặt nhiều nên hiệu sửa xe không lúc nào vắng khách. Cần thay thế phụ tùng gì thì phải chờ mấy ngày bởi họ phải lên tỉnh mới mua được.

Tôi chợt nhớ lại vài chục năm trước, làng quê rộ lên mốt chơi xe máy. Vì xe máy “Tàu” giá rẻ nên nhà nào cũng cố gắng mua. Nhưng xe máy thì mang lại lợi ích rõ rệt, giúp người dân có phương tiện đi lại thuận tiện, chở được hàng nông sản đi bán, đưa phân bón, thuốc trừ sâu, máy bơm ra tận ruộng. Còn bây giờ ôtô thì chưa thấy mang lại lợi ích gì mà chỉ thấy thiệt hại và tốn kém. Cứ đà này, mốt chơi ôtô của nông dân sẽ khiến làng quê cũng chẳng mấy nữa cũng tắc đường, tai nạn như ở thành phố. Đúng là “lợi bất cập hại”!

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc