“Ông bụt” sông Hàn vá xe miễn phí cho người nghèo

07:00 | 05/04/2014

952 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 10 năm thức khuya dậy sớm, tận dụng vỉa hè để mưu sinh bằng nghề sửa xe cũng là từng ấy thời gian ông sẵn sàng vá, sửa xe miễn phí cho học sinh, người khuyết tật và những người lao động nghèo.

"Ông bụt" giữa đời thường

Đó là ông Trần Viết Hùng, 47 tuổi ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, làm nghề sửa xe máy, xe đạp ở góc ngã tư Hà Huy Tập - Điện Biên Phủ. 10 năm trước, sau khi kinh qua đủ thứ nghề, ông gom góp vốn liếng sắm đồ nghề, cộng thêm chiếc xe máy tự chế cho ra đời một tiệm sửa xe di động nho nhỏ. Nói là tiệm cho sang chứ thật sự nơi sửa xe gói gọn khoảng hơn 1m2 tại vỉa hè hoạt động từ tầm 2h chiều đến 11, 12h khuya.

Người đi đường rất tò mò với tấm biển ghi rõ “Bơm vá xe 325, học sinh - người khuyết tật miễn phí” dựng ngay trên bình hơi. Ông giải thích, do tiệm gần trường học nên thường ngày, học trò ghé tiệm sửa, bơm xe rất đông. Nhiều em học sinh xe bị xẹp bánh, hư hỏng mà trong túi không tiền nên không dám đưa xe vô tiệm, lẳng lặng dắt bộ về nhà. “Từ đầu, tui đã bơm vá, sửa miễn phí không lấy tiền, chúng nó cũng như con mình, đi học có mấy đồng trong túi đâu. Nhưng học trò không biết nên cứ dắt bộ về, tui thấy thì ngoắc vô sửa giúp, nhưng lỡ không thấy tội lắm. Vậy là làm tấm biển cho các em biết mà tìm đến”.

 Ông Hùng bơm xe miễn phí cho một phụ nữ mua bán ve chai nghèo.

Giờ tan trường, học sinh từ các trường gần đó ghé đến mỗi lúc một đông. Thao tác cực kì nhanh nhẹn, ông vừa tháo săm ra vá cho chiếc xe này, vừa tranh thủ bơm hơi cho chiếc xe khác. Tất bật là vậy, nhưng hơn chục lượt xe vào tiệm rồi đi ra, chẳng thấy ông chủ nhận được đồng tiền công nào.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, một chị ve chai đi ngang qua giải thích: “Ổng là vậy đó, toàn giúp người ta không hà, nhứt là mấy người buôn bán nhỏ như tụi tui và học trò. Giờ này là ổng đắt khách nhất nhưng như cô thấy, có lấy đồng tiền công nào đâu”.

Hỏi ra mới biết, không chỉ thương học sinh, người khuyết tật ít tiền, với những người buôn bán nhỏ, người già, tất thảy ông đều miễn phí. Trò chuyện với chúng tôi, ông cười hiền cho biết: “Trừ khi thay, sửa phụ tùng gì tốn kém, cái gì cho được, chia sẻ được với mọi người thì tôi giúp hết. Chỉ tốn công mình chút xíu, chứ có hao hụt gì nhiều đâu. Mình thương, mình quý người ta, sau này con mình ra đường cũng gặp được người tốt, người ta giúp đỡ lại. Chỉ đơn giản vậy thôi”.

Lặng lẽ mưu sinh

Ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, cộng thêm tấm biển “vá sửa xe miễn phí”, nhiều người dễ lầm tưởng ông là một người có của ăn của để, muốn làm thêm chút ít cho vui đặng giúp đỡ cuộc đời, lấy phước dành cho con cháu, ít ai nghĩ được rằng, gia cảnh ông chẳng khấm khá gì hơn mấy so với những người được ông giúp đỡ hằng ngày.

Nơi anh cùng vợ và 3 con nhỏ đang sinh sống hiện nay là căn hộ chung cư nhỏ được nhà nước đền bù theo diện tái định cư cho mẹ già. Căn hộ nhỏ vài chục mét vuông là nơi chui ra chui vào cho 7 người cả thảy (gia đình ông sống cùng mẹ già và cô em gái). “Cũng may là anh em trong nhà đã có điều kiện ra riêng cả, chứ không vợ chồng tui cũng vất vả lắm vì phải thuê nhà”, ông cho biết.

Ông Hùng hơn 10 năm nay với “tiệm” sửa xe di động.

Ông tâm sự, “bám” ở vỉa hè từ 2h chiều đến 11, 12h đêm mưu sinh, ông thường về nhà khi kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới, bỏ bụng bữa tối vợ con dành phần từ chiều giờ đã nguội lạnh. Tắm rửa, nghỉ ngơi được vài tiếng, ông lại dậy sớm, cùng vợ chuẩn bị nồi bún bán buổi sáng, sinh kế của gia đình. “Mấy năm trước bán buôn cũng được, đủ lo cho mấy đứa nhỏ học hành, nhưng giờ quán xá cạnh tranh nhiều nên cũng vất vả lắm. Chuyện ế ẩm cả nhà ăn bún thay cơm là bình thường, có khi còn phải gọi trẻ con quanh xóm ăn phụ”.

Quần quật cả năm trời ngoài đường, dịp lễ, tết ông cũng không nghỉ bởi ngoài việc kiếm thêm được ít đồng lo cho gia đình, ông còn có suy nghĩ: “Khách quen chạy trên tuyến đường này quen tìm đến mình rồi, lỡ xe cộ họ có việc gì mà không có mình họ dắt đi xa cực lắm. Tội lắm!”. Cũng vì cái suy nghĩ trên, thường xuyên ngồi một mình chờ khách giữa khuya, cộng thêm bản tính hiền lành mà không ít lần, ông bị đám thanh niên choai choai nghịch phá ban đêm ngoài đường dọa nạt, đưa xe hỏng tới sửa rồi dông thẳng. Cũng chẳng muốn đôi co to chuyện, ông lẳng lặng sửa, sửa xong lặng lẽ quay vào ngồi hút thuốc, mấy “ông trời con” không phá phách được gì nữa thì bỏ đi.

Ông nói, nghề này hên xui lắm. Bữa nào có khách, sửa được nhiều thì có ít đồng dằn túi phụ thêm với vợ lo sinh hoạt cho gia đình, nhưng cũng có bữa ngồi từ chiều đến khuya lắc rồi ra về với cái ví rỗng. Những khách quen của ông là thanh niên, đàn ông thì quen việc, xe xẹp bánh đi ngang qua tự động vào lấy vòi hơi ra bơm vào xe, chủ khách chuyện trò thân mật. Là “khách ruột” của tiệm lâu nay, những cô cậu học trò từ khi học cấp 2, chuyển sang cấp 3 rồi sinh viên đại học đều ghé về đây, ông vừa làm vừa giảng giải để khi có sự cố, các em biết mà xử lý.

Hỏi ông có bao giờ gỡ bỏ tấm biến sửa xe miễn phí để có thêm thu nhập lo cho gia đình, anh cười hiền: “Xưa nay khó cũng đã khó rồi, có thêm vài đồng đúng là thong thả thật, nhưng tâm mình lại không thanh thản. Giúp được chút ít cho đời, mình thấy vui, và vợ con mình cũng cảm thấy tự hào. Được một điều là vợ con rất ủng hộ, chẳng bao giờ đả động đến việc mình toàn đi làm “không công” giúp mọi người”.

Đông Nguyên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc