Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là “con Át chủ bài”

17:45 | 02/12/2011

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó chính là nội dung xuyên suốt của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nằm trong khuôn khổ của Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức diễn ra vào ngày 2/12 tại Hà Nội. Diễn đàn đã đi vào những vấn đề cụ thể như thị trường vốn, ngân hàng, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2011 của Việt Nam được đánh giá là vô cùng bất ổn, khó dự liệu, rủi ro cao.

Ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với sự cố gắng của các cấp các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu: kinh tế vĩ mô từng bước đi vào ổn định, lạm phát giảm dần, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,8-6%.

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức đó là lạm phát còn ở mức cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng do lãi suất cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường bất động sản và chứng khoán trầm lắng, nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng gia tăng, sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng, việc làm thu nhập của người lao động đang là bức xúc của xã hội.

Những bất ổn kinh tế của Việt Nam thời gian qua có nguyên nhân khách quan của bất ổn nền kinh tế thế giới nhưng chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan của nội tại nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam đã quyết định phải đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng: Coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nền kinh tế bền vững, lâu dài, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái hơn là coi trọng mục tiêu tăng trưởng nhanh…

Bắt đầu từ năm 2012 phải đẩy mạnh phát triển cơ cấu lại nền kinh tế, trước mắt tập trung vào 3 lĩnh vực, chủ yếu là : cơ cấu lại đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là ngân hàng thương mại.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2011 của Việt Nam được đánh giá là vô cùng bất ổn, khó dự liệu, rủi ro cao. Do đó, giới đầu tư kinh doanh đang đặt trọn niềm tin vào sự cẩn trọng và chất lượng trong điều hành chính sách của Chính phủ. Bởi trong lúc này nếu phải đối mặt thêm những rủi ro phát sinh từ yếu kém, lúng túng trong quản lý và điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn kép, cả từ bất ổn vĩ mô và từ cơ quan quản lý.

Có thể nói, đây cũng chính là động lực mà tới 49% doanh nghiệp trong tổng số 240 doanh nghiệp tham gia khảo sát sẵn sàng chịu đựng tác động trực tiếp và nặng nề. Thậm chí là chấp nhận sự ‘thanh lọc” do chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát theo yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cần kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ để hướng tới mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu – EuroCham: Việt Nam vẫn chưa thực thi hiệu quả và mạnh mẽ về các quyền sở hữu trí tuệ, đây một phần là nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có giá trị và những bí quyết bị hạn chế. Ngoài ra, để có thể cung cấp lực lượng lao động và các nguồn nhân lực khác cần thiết để hỗ trợ việc sản xuất công nghệ cao thì cần phải phát triển “văn hóa cải tiến” và tôn trọng quyền SHTT.

Từ những vướng mắc trên, 5 giải pháp hàng đầu được cả nhóm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đồng thuận kiến nghị lần lượt là tiếp tục cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện hệ thống thông tin, viễn thông và năng lượng; cải thiện hạ tầng vận tải (hệ thống cầu, đường bộ, cảng biển, sân bay…); giảm rào cản gia nhập thị trường và đối xử bình đẳng hơn nữa giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuấn Dũng