Oman giúp Qatar phá vỡ phong tỏa

13:10 | 13/06/2017

1,272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Qatar đã cố gắng phá vỡ thế phong tỏa do các nước láng giềng áp đặt bằng cách vận chuyển hàng hóa thông qua Oman.
oman giup qatar pha vo phong toa
Nhà vận chuyển container số 1 thế giới, Maersk of Denmark (Đan Mạch) xác nhận sẽ nhận các đơn hàng vận tải từ Oman đi Qatar

Cơ quan Quản lý Cảng biển Qatar mới đây thông báo, họ đã mở 2 tuyến giao thông hàng hải mới với Oman vòng qua hải phận Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), để tránh lệnh cấm cảng ở nước láng giềng và bảo đảm đường cung cấp thực phẩm cho Doha.

Hai tuyến hàng hải mới sẽ hoạt động 3 lần một tuần, nối cảng Hamad ở Doha với cảng Sohar ở phía bắc và Salalah ở phía nam của Oman.

Oman là một thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nhưng có một cách tiếp cận ngoại giao tương đối độc lập với 5 quốc gia khác trong khối, đặc biệt là đối với Iran. Trong GCC, Oman vẫn giữ quan hệ với Qatar còn Kuwait đang ra sức vận động hòa giải.

Reuters dẫn lời chủ một công ty thực phẩm Qatar cho biết, các chuyến hàng đã bắt đầu khởi hành hôm 11/6 từ Oman và 12 tàu đang hướng tới Qatar từ Sohar và Salalah.

“Có khoảng 300 container thực phẩm tươi sống và đông lạnh đang đến Qatar. Một số đã cập cảng Qatar và một số khác đang tới nơi”.

Theo người này, các container ở Jebel Ali (Dubai, UAE) vẫn đang bị mắc kẹt, nhưng những container khác, bao gồm cả các container từ châu Âu, đang chuyển hướng tới các cảng của Oman, để từ đó đi đến Qatar.

Nhà vận chuyển container số 1 thế giới, Maersk of Denmark (Đan Mạch), hôm 12/6 cho hay, họ sẽ chấp nhận các đơn đặt hàng mới, vận chuyển container từ Oman đến Qatar.

Nhà vận chuyển container số 2 thế giới, MSC (Thụy Sỹ), cũng xác nhận là họ sẽ triển khai dịch vụ vận chuyển chuyên dụng mới đến Qatar từ cảng Salalah của Oman.

Trước đó, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chuyển lương thực và thực phẩm tươi sống đến cho Qatar, để bày tỏ sự ủng hộ với Doha trong cơn khủng hoảng bị cô lập.

Arập Xêút, Bahrain, UAE và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar vào ngày 5/6, cáo buộc nước này đã ủng hộ Iran - đối thủ của họ và tài trợ cho khủng bố, bất chấp sự bác bỏ của Doha.

Bốn nước nói trên đã đóng cửa biên giới của họ với Qatar, hạn chế thương mại với Qatar, chặn kênh truyền hình quốc gia Al Jazeera và cấm cửa hãng hàng không Qatar Airways của Qatar. Arập Xêút, Bahrain và UAE còn dấn thêm một bước nữa khi trục xuất tất cả các công dân Qatar, tạo nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong khu vực.

Những biện pháp này gây không ít khó khăn cho Qatar, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, nhưng lương thực lại hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài, với 40% lưu lượng phải trung chuyển qua UAE.

Việc UAE áp đặt lệnh cấm cảng với tất cả các tàu cắm cờ Qatar, thuộc sở hữu của Qatar, hay đến hoặc đi từ Qatar đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa điêu đứng thời gian qua. Công ty Vận tải Hàng hải COSCO của Trung Quốc, các hãng vận tải biển Evergreen của Đài Loan, OOCL của Hongkong đều đã phải đình chỉ các dịch vụ container đến và đi từ Qatar. Các nguồn tin công nghiệp và vận tải còn khẳng định với Reuters rằng, các chuyến hàng dầu thô và nhiên liệu từ Qatar cũng sẽ trở nên đắt hơn do lệnh cấm này.

Rania Tadros - Quản lý đối tác của Hãng luật Ince & Co có trụ sở ở Dubai nhận định rằng, “không thể dự đoán được tình hình sẽ phát triển như thế nào và “lệnh cấm Qatar” sẽ còn hiệu lực trong bao lâu, cũng như liệu có hạn chế nào khác được thực hiện nữa hay không”.

Hôm 11/6, trước sự lo ngại của người dân và các đối tác thương mại, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Cherif al Emadi tuyên bố: “Nhiều người nghĩ chỉ có chúng tôi phải trả giá. Nhưng nếu chúng tôi mất 1 USD, họ cũng sẽ mất 1 USD”. Ông khẳng định kinh tế Qatar vẫn sẽ trụ vững trong tình hình khủng hoảng.

Linh Phương

Oman Times. Gulf Times

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc